An toàn cho dân là trên hết

Nguyễn Dương 17/01/2013 08:27

Ngày 16.1, UBND tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức cuộc họp về kế hoạch sơ tán nhân dân vùng động đất và hạ du thủy điện Sông Tranh 2. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Ngọc Quang chủ trì buổi làm việc.

Kế hoạch phải phù hợp từng địa phương

Với giả thiết đặt ra là cùng lúc xảy ra 2 thảm họa kép: động đất mạnh và vỡ đập thủy điện, bản dự thảo kế hoạch sơ tán nhân dân vùng động đất đưa ra phương án cụ thể cho từng tình huống. Theo đó, nếu vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2  phải lập tức tổ chức sơ tán trên 62 nghìn dân của 8 huyện, thành phố gồm: Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP. Hội An. Tùy tình hình từng địa phương sẽ có phương án cụ thể để ứng phó với thảm họa. Như ở huyện Bắc Trà My, khi xảy ra sự cố vỡ đập thì cần phải sơ tán 19 thôn của 5 xã với hơn 13 nghìn người, trong đó có trên 4 nghìn trường hợp là phụ nữ và trẻ em. Phương tiện vận chuyển gồm 10 ô tô, 4 xe chuyên dụng, gần 4 ngàn xe máy và phương tiện thô sơ. Cự ly sơ tán khoảng 700 - 2.500 mét…

Việc xây dựng kế hoạch sơ tán nhân dân khi vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 là hết sức cần thiết. (Trong ảnh: Người dân vùng động đất dựng nhà tạm ứng phó với động đất).Ảnh: N.D
Việc xây dựng kế hoạch sơ tán nhân dân khi vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 là hết sức cần thiết. (Trong ảnh: Người dân vùng động đất dựng nhà tạm ứng phó với động đất).Ảnh: N.D

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đề nghị các địa phương tham gia thêm ý kiến để có thể xây dựng một kế hoạch chi tiết, cụ thể, sát với thực tiễn hơn. “Không có loa, còi hú báo động thì phải có kẻng để mọi người dân đều biết mà chủ động phòng tránh. Quan trọng, hệ thống cảnh báo, xác định thông tin phải kịp thời nhất. Phải biết được ngưỡng thời gian từ khi vỡ đập là bao nhiêu thì nước tràn tới để dân các vùng có kế hoạch chạy. Thí dụ một tiếng là ở Bắc Trà My, nhưng ở Tiên Phước, Hiệp Đức khoảng bao nhiêu tiếng sau sẽ bị ảnh hưởng? Cần làm rõ thêm để có kế hoạch cụ thể hơn…” - đồng chí Nguyễn Ngọc Quang nói.

Tham gia góp ý cho bản dự thảo kế hoạch, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, huyện đã chủ động tham gia xây dựng kế hoạch này. Thế nhưng, ngoài ý thức phòng tránh của người dân, rất cần sự hỗ trợ hiệu quả từ các thiết bị máy móc hiện đại. Ông Tuấn trăn trở: “Hiện nay, 5 trạm quan trắc báo động đất được lắp đặt chỉ có chức năng thống kê cường độ, lượt trận chứ chưa có chức năng dự báo động đất. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống dự báo chuẩn xác lúc này là hết sức cần thiết”. Ông Tuấn cũng kiến nghị nên lắp đặt còi hụ để báo động cho người dân khi xảy ra sự cố. Cần có quy ước rõ ràng về mức cảnh báo, báo động trong hiệu lệnh còi hụ. Thêm vào đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng, bởi các vùng sơ tán dân chủ yếu vùng núi. Nếu đùn đẩy hàng trăm hộ dân lên một ngọn núi mà không có kế hoạch cụ thể thì sẽ rất khó cho người dân…

Mở rộng khảo sát các thủy điện trên địa bàn

Lãnh đạo huyện Tiên Phước cho rằng, việc cần nhất, quan trọng nhất chính là phải xây dựng được bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu. Có như vậy mới biết được vùng nào ngập đến bao nhiêu, từ đó mới có phương án di dời, sơ tán kịp thời hơn. Vừa qua, thủy điện Sông Tranh 2 chỉ xả 500 m3/s nhưng ở vùng hạ lưu nước đã dâng lên 1 mét. Trường hợp nếu vỡ đập, khó có thể tính toán được lượng nước khổng lồ ấy sẽ nâng mức ngập lên bao nhiêu mét nữa. Vì vậy cần phải xây dựng bản đồ ngập lụt trên diện rộng mới có thể đưa ra phương án, thiết kế điểm sơ tán người dân.

Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, nếu xảy ra trường hợp vỡ đập thì đây là thảm họa quốc gia. “Hiện nay, các thủy điện chưa có đơn vị nào xây dựng phương án vỡ đập. Chúng ta phải tính đến việc các hồ chứa như Đắk Mi 4, A Vương, Sông Bung 2… cũng nằm trong liên hồ chứa của hệ thống hồ chứa nước của tỉnh. Liệu khi vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 thì có ảnh hưởng tới các hồ chứa này hay không? Nếu như thế thì không chỉ là 730 triệu mét khối nước của thủy điện Sông Tranh 2 mà còn của các hồ chứa khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhanh chóng xây dựng kế hoạch sơ tán dân cụ thể hơn, khảo sát lại các điểm cụ thể của từng địa phương, từ đó có phương án tối ưu. Phải cùng với địa phương phối hợp hành động, như vậy mới chi tiết đến từng xã, thôn, xóm. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang khẳng định: “Phải xây dựng hai kế hoạch. Một là động đất gây ra vỡ đập trong thời điểm mưa lũ với mức nước dâng lên cực đại. Và thêm một kịch bản cấp trung là động đất gây vỡ đập nhưng không có mưa lũ. Có như vậy chúng ta mới có thể chủ động để có cách ứng xử với thảm họa. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân khi có sự cố xảy ra…”.

Nguyễn Dương

  • Lại động đất mạnh tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2
  • Thủ tướng chỉ đạo chưa được tích nước phát điện thủy điện Sông Tranh 2
  • Lại động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2
  • Đo đạc, cấp đất cho các hộ dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2
  • Động đất 2,9 độ richter tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2
  • Xây dựng phương án di dời dân khi có sự cố vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2
  • Giao đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2
  • Lắp đặt máy đo động đất tại Sông Tranh 2: 5 trạm, chỉ 1 trạm có tín hiệu
  • Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: "Có thể vĩnh viễn không tích nước ở Thủy điện Sông Tranh 2"
  • An toàn tuyệt đối Thủy điện Sông Tranh 2: Chưa thể khẳng định!
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn cho dân là trên hết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO