Liên hiệp quốc vừa phát động Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ hai (6-12.5) với chủ đề “Nâng cao an toàn cho người đi bộ”.
Theo số liệu của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn 1,2 triệu người chết và khoảng 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ. Số người đi bộ tử vong vì tai nạn giao thông chiếm khoảng 270 nghìn người trong khi trẻ em và người già là những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất. Cụ thể hơn, châu Phi là khu vực chiếm tỷ lệ số người đi bộ bị TNGT cao nhất với 38%. Tình trạng này đặc biệt diễn ra nghiêm trọng tại El Salvador khi con số này chiếm đến 62% số TNGT đường bộ hay tại Liberia số liệu này là 66%. Với sự gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và những hệ lụy của nó, châu Á cũng đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về số người chết và thương vong do TNGT đường bộ gây ra. Ví như, hành vi vi phạm an toàn giao thông liên quan đến người đi bộ ở Việt Nam chỉ chiếm 3,2% nhưng cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT… Ngoài nguyên nhân do ý thức chưa cao, tình trạng người đi bộ vi phạm pháp luật về giao thông một phần do cơ sở hạ tầng chưa được đảm bảo.
Khu vực dành riêng cho người đi bộ tại một con phố ở Hà Lan. Ảnh: economicsofplace |
Tiến sĩ Etienne Krug, Giám đốc Ban Phòng chống tai nạn của WHO đã nói, mỗi tuần có đến 5 nghìn người đi bộ tử vong vì TNGT là quá xót xa. Thế nhưng dường như vấn đề mang tính chất nghiêm trọng này lại bị lãng quên hàng thập kỷ qua trong khi phương tiện giao thông ngày càng được cơ giới hóa. Thêm nữa, thế giới không hợp sức chống lại TNGT vì “nhân loại còn nghĩ về nó như một thứ định mệnh”. Bởi vậy, số người tử vong vì TNGT, trong đó có người đi bộ sẽ không ngừng gia tăng nếu như thế giới không quyết liệt thực hiện các biện pháp thực hiện an toàn giao thông.
Hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thức 2, từ ngày 6-12.5, đồng loạt tại 63, tỉnh thành của nước ta sẽ diễn ra các hoạt động như: Tuyên truyền hưởng ứng Tuần lễ An toàn đường bộ lần 2, phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông; Cải thiện hạ tầng giao thông cho người đi bộ; Hướng dẫn người đi bộ sang đường đúng quy định, chấp hành tín hiệu đèn giao thông; Tăng cường xử phạt vi phạm đối với người đi bộ, xử phạt người điều khiển xe cơ giới không chấp hành quy định nhường đường cho người đi bộ… |
Trước những thách thức ấy, từ năm 2011, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết A64 tuyên bố “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020”, trong đó Việt Nam là thành viên soạn thảo và cam kết thực hiện. Qua đó nhằm hướng đến mục tiêu ổn định và giảm số lượng tai nạn giao thông dự tính trên toàn thế giới vào năm 2020, tức cứu được mạng sống của 5 triệu người. Đây cũng là cơ hội để các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng thể hiện sự ủng hộ và cam kết hành động của mình vì một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Nhân dịp này, các quan chức của WHO khuyến nghị các chính phủ trên thế giới hãy xem xét lại cách thức tổ chức các hệ thống giao thông để bảo vệ an toàn cho người đi bộ cùng những biện pháp cụ thể như: áp dụng và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định luật pháp nhằm giảm tốc độ các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ở người tham gia điều khiển phương tiện, hạn chế việc sử dụng điện thoại di động hay các hình thức khác làm phân tâm và mất chú ý khi điều khiển phương tiện giao thông; thiết lập cơ sở hạ tầng có chức năng ngăn cách giữa người đi bộ với các làn đường khác để trả lại vỉa hè cho người đi bộ; cải thiện hệ thống chiếu sáng đường bộ; cải thiện và tăng cường hệ thống chăm sóc y tế để ứng cứu kịp thời rủi ro cho người đi bộ…
Kim Oanh