Nhu cầu thực phẩm tăng mạnh vào dịp tết cổ truyền khiến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu.
Một khu chợ hải sản tại Malaysia. Ảnh: wordpress |
Tết Nguyên đán là một trong lễ hội lớn nhất trong năm tại một số quốc gia châu Á. Mọi người đều mong muốn sửa soạn chu tất nhiều mặt hàng, bao gồm thực phẩm để thờ cúng tổ tiên cũng như sử dụng trong gia đình dịp này. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm những năm gần đây được người tiêu dùng hết sức quan tâm trước hàng loạt vụ bê bối thực phẩm bị phanh phui, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đáng chú ý, người tiêu dùng từng kinh hãi với các vụ thực phẩm tại Trung Quốc như sữa nhiễm khuẩn, các loại thịt lợn, bò và cánh gà cấp đông có xuất xứ từ những năm 1970, tôm được các lái buôn thực phẩm bơm đầy gel vào thân để trục lợi, dầu ăn được làm từ cống thải và đồ ăn thừa. Ngay cả người tiêu dùng Trung Quốc cũng bất lực và ngao ngán trước nạn thực phẩm bẩn được sản xuất ngay tại trong nước. Các chuyên gia y tế Trung Quốc cho biết cứ một giờ, có một người tiêu dùng tại Trung Quốc chết vì thực phẩm bẩn. Hiện các cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồng ra thị trường. Song, tình trạng báo động về thực phẩm bẩn vẫn là nguy cơ cho người tiêu dùng không chỉ riêng tại Trung Quốc trong những ngày xuân này.
Singapore, nơi có một nửa dân số là người Trung Quốc nên rất coi trọng việc vui đón tết cổ truyền. Mặc dù sản phẩm xuất xứ Singapore thường được đánh giá cao về chất lượng lẫn độ an toàn nhưng nước này vẫn không chủ quan cũng như tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ năm 1995, Cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và Thú y Singapore (AVA) quy định nghiêm về mức điểm an toàn thực phẩm. Chính phủ của đảo quốc xử phạt rất nặng thay vì rút kinh nghiệm các vụ bê bối về thực phẩm. Theo tờ Channel News Asia, vào tháng 12.2015, tức vào thời điểm cận Tết Nguyên đán khi đó, Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) thông báo đã thu hồi giấy phép của 137 cửa hàng thực phẩm do không đảm bảo vệ sinh. Nghiêm trọng nhất là dịch bệnh liên cầu khuẩn B liên quan đến thức ăn bẩn. Do vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành một trong những vấn đề rất được quan tâm tại Singapore. Đồng thời nước này cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn gắt gao đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm nước ngoài nhập vào thị trường trong nước.
Không chỉ kiểm soát chặt chẽ giá cả thực phẩm, chất lượng hàng hóa, các cơ quan chức năng Malaysia tiến hành kiểm soát hoạt động buôn bán trực tuyến nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng. Những năm gần đây, các hoạt động rao bán hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng nở rộ trên các trang mạng xã hội mà không phải thực phẩm nào cũng được xác thực về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Singapore, Malaysia và Thái Lan là 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á vừa đưa ra kế hoạch các loại thuế đánh vào thương mại điện tử. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Malaysia, không chỉ riêng vào thời điểm mua bán nhộn nhịp cuối năm, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cẩn thận hơn trong việc đọc thông tin về nguồn gốc xuất xứ trước khi quyết định mua sản phẩm.
QUỐC HƯNG