Sau hơn một năm thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bưu điện tỉnh đã góp phần vào công tác cải cách hành chính của tỉnh; đồng thời tạo thuận lợi và tiết kiệm được thời gian, chi phí cho người dân.
Bưu điện tỉnh tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC cho người dân kể cả ngoài giờ hành chính. (Ảnh chụp thứ Bảy, ngày 23.12). Ảnh: C.N |
Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 45/2016/QĐ-TTg ngày 19.10.2016 về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với một số sở, ban, ngành của tỉnh triển khai dịch vụ hành chính công, tiếp nhận và chuyển phát hàng trăm ngàn hồ sơ qua bưu điện. Do vậy, khi chính thức thực hiện Quyết định 45 trên địa bàn tỉnh, mọi việc diễn ra khá thuận lợi.
Góp phần cải cách hành chính
Cho đến nay, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp bưu chính duy nhất được giao triển khai các nhiệm vụ bưu chính công ích. Giữa năm 2017 này, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện liên quan đến lĩnh vực cải cách hành chính với UBND tỉnh, trong đó có việc cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết TTHC với cơ quan giải quyết TTHC. Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông (TT-TT) cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh qua dịch vụ bưu chính công ích. Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho Bưu điện tỉnh trong cung ứng dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC. Bà Phạm Thị Ngọc Quyên nhận xét: “Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, việc trao trả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã góp phần giảm tải cho các cơ quan hành chính; tăng cường sự công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết TTHC cũng như nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết TTHC”.
Theo ông Trần Việt Hùng - Giám đốc Bưu điện tỉnh, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và chủ trương cải cách hành chính, Bưu điện tỉnh đã ký hợp đồng chuyển phát hồ sơ giải quyết TTHC với 14 sở, ban, ngành; đồng thời ký hợp đồng hành chính với UBND 13 huyện, thị xã, thành phố và 23 xã trong số 30 điểm bưu điện văn hóa xã triển khai hành chính công giai đoạn 1. “Sắp tới đây, khi các trung tâm hành chính công cấp huyện được thành lập theo chủ trương của UBND tỉnh, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục tham gia dịch vụ bưu chính công ích tại đó để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm tối đa chi phí, giảm thời gian đi lại, chờ đợi của công dân và doanh nghiệp. Qua đó, khẳng định được vai trò là “cánh tay nối dài” trong việc thực hiện cải cách hành chính” - ông Trần Việt Hùng nói thêm.
Nhiều tiện ích
Từ đầu năm đến hết tháng 11.2017, Bưu điện tỉnh đã tiếp nhận hơn 123 nghìn hồ sơ; trong đó, Bưu cục Trung tâm Hành chính công tỉnh tiếp nhân hơn gần 12.400 hồ sơ (chiếm 27,5%) trong tổng số 45 nghìn hồ sơ mà Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh giải quyết. Trong số này, nhiều nhất là chuyển phát hồ sơ hành chính công của Công an tỉnh: gần 140.400 hồ sơ; Sở Giao thông vận tải: gần 86.700 hồ sơ; Bảo hiểm xã hội: hơn 77.500 hồ sơ… Như vậy, tính từ khi triển khai thực hiện từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 347.500 lượt người sử dụng dịch vụ chuyển phát hồ sơ trên toàn mạng lưới của Bưu điện tỉnh. Chỉ tiêu thời gian chuyển phát nhanh nhất cụ thể là: liên tỉnh tối đa 3 ngày, nội tỉnh tối đa 2 ngày, nội thành tối đa 1 ngày. |
Để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho nhân viên bưu điện kỹ năng tiếp nhận hồ sơ, thu phí, lệ phí giải quyết TTHC tại các điểm phục vụ. Bà Bùi Thị Hường - nhân viên Bưu cục Trung tâm Hành chính công cho biết, làm công tác tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ, TTHC cho khách hàng tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh đòi hỏi nhân viên phải nắm bắt, hiểu rõ quy trình các TTHC của các ngành để giải đáp thắc mắc cho khách hàng.
Nhận thấy sự tiện lợi của dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả một cửa qua bưu điện nên dịch vụ được khá nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng. Mặc dù nhà ở Tam Kỳ, nhưng sau khi đưa con đi làm chứng minh nhân dân ở Trung tâm Hành chính công, ông Hoàng Công Nhật (39 Nguyễn Gia Thiều) vẫn nhờ bưu điện giao trả kết quả tại nhà. Ông Nhật cho biết: “Có dịch vụ của bưu điện tôi cảm thấy thuận tiện vì không mất thời gian đi nhận kết quả, trong khi chỉ tốn 25 nghìn đồng chi phí”. Chị Trần Thị Quỳnh Như, quê Tam Xuân 2, Núi Thành, đang công tác tại quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng sau khi làm hộ chiếu cũng sử dụng chuyển phát hồ sơ qua bưu điện. Bởi thay vì mất công sức, chi phí để về Tam Kỳ nhận hồ sơ, chị Quỳnh Như chỉ tốn 45 nghìn đồng phí dịch vụ liên tỉnh.
Trong năm qua, 100% hồ sơ được Bưu điện tỉnh nhận chuyển phát không bị thất lạc, hư hỏng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quá trình chuyển tải. Theo ông Trần Việt Hùng, việc cung ứng dịch vụ chuyển phát các giấy tờ hành chính công từ cơ quan giải quyết TTHC đến người dân đảm bảo phát đúng địa chỉ, phát tận tay, đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn, bí mật cho các bưu kiện được gửi; đảm bảo chuyển phát đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, việc thay đổi phương thức phục vụ từ tiếp nhận và trả kết quả tại cơ quan, tổ chức nhà nước qua dịch vụ bưu điện cần được đa số người dân hiểu rõ tính thiết thực của việc sử dụng dịch vụ… Hiện nay, phần lớn số lượng hồ sơ hành chính công phát sinh một chiều trả kết quả giải quyết TTHC từ sở, ban, ngành đến cá nhân, tổ chức qua bưu điện. Trong khi đó, số lượng hồ sơ hành chính công được tiếp nhận tại các điểm phục vụ của bưu điện để chuyển đến các sở, ban, ngành giải quyết khá thấp, chỉ có gần 9.300 hồ sơ, chiếm 7% tổng số hồ sơ đăng ký qua hệ thống bưu điện.
CHÂU NỮ