"Anh chàng tuổi trẻ"

Đại tá VÕ VĂN MINH 05/09/2018 02:50

Mùa xuân năm Kỷ Sửu 1949, đơn vị tôi trú quân ở xã Nghĩa Lộ - Quảng Ngãi. Nhân dịp đầu năm, đại đội có ra một tập san để mừng xuân mới. Tập san trình bày khá đẹp, nội dung rất phong phú. Đặc biệt anh Tú lại là chủ biên tập san. Nhớ một chiều bên anh, tôi hỏi: “Anh Tú nè, trong tập san có truyện Nẩy mầm do anh viết, trong đó có cậu Sáu, cô Thủy, những nhân vật đó hiện nay như thế nào hở anh?”. Nắm chặt tay tôi, sau phút giây im lặng, anh nói: “Đó là câu chuyện của mình. Sáu là mình và chiếc áo len mình đang mặc đây cũng chính là của Thủy”. Nghe anh nói, tôi thật bất ngờ. Anh kể:

Ngày ấy, anh học trường Pên-lờ-ranh (Pellerin) một trường Dòng ở Huế. Nhờ sớm đi học, nên vừa tròn 16 tuổi anh tốt nghiệp tú tài toàn phần. Dịp hè 1944 anh theo cha đi viếng đình làng. Đình làng quê anh xưa nay vốn là nơi tôn nghiêm thờ cúng. Ngờ đâu một sự việc hết sức phũ phàng bày ra trước mắt: cửa đình mở toang, các bàn thờ đều lôi ra sân, trên bàn là những con heo đang eng éc chờ mổ thịt.

Cha anh sửng sốt nhìn. Sao lại có chuyện quái gỡ là vậy? Nhưng rồi mới biết, đó là việc làm từ lệnh của một sĩ quan Pháp. Phẫn uất trước hành động đó, cha anh phản đối. Đã không nghe, tên sĩ quan Pháp còn lấy roi đánh ông. Không thể im lặng được, anh chạy tới chỉ vào mặt tên sĩ quan, nói một tràng tiếng Pháp, đại khái ý rằng: “Ông là người văn minh hay là một tên dã man?”. Nghe anh nói, tên Pháp trợn mắt quát: “Ê con nít! Mày mắng ai?”. Nói rồi tên sĩ quan Pháp sấn tới tát anh một bạt tai khiến anh ngã chúi.

Nhưng rồi, anh kịp thời đứng dậy, rút dao con chó, nghiến răng đâm thẳng vào ngực tên sĩ quan Pháp. Bị cú đâm bất thần, tên Pháp chỉ kịp hét lên một tiếng rồi lăn quay, máu tuôn xối xả. Bọn lính hốt hoảng ập tới. Cha con anh lập tức bị chúng trói chặt, đánh cho tơi tả. Với tội danh “Hành hung gây trọng thương sĩ quan Pháp đang thừa hành công vụ”, mặc dầu còn là vị thành niên, anh đã bị Tòa án binh Pháp kết án 6 năm tù giam đày Lao Bảo.

Thế là, từ Huế ra Đông Hà, rồi lên Lao Bảo, áp tải anh là hai lính tập. Núi rừng bạt ngàn, đường đi vắng vẻ, nhất là đoạn đường gần Lao Bảo. Dưới cái nắng hè như đổ lửa, hai tên lính tập quá mệt, chúng dắt anh vào nghỉ ở một khu rừng ven đường. Nhìn hai tay anh bị xích chặt, chúng yên trí, bẻ lá rải ra nằm nghỉ. Gần hai ngày cuốc bộ quá mệt, vừa nằm xuống chúng ngủ ngay.

Nhận thấy thời cơ hiếm có, anh sè sẹ bước ra. Và rồi, cứ thế nhằm thẳng hướng Tây, anh chạy… Vừa đói, vừa khát nhưng đây là con đường sống, anh đâu biết mệt, chạy suốt cả buổi chiều. Trời nhá nhem tối, anh dừng lại. Việc trước mắt là phải giải phóng đôi tay. Bởi tay anh vẫn còn mang nặng chiếc xiềng. Anh xuống suối, vừa uống cho tỉnh người, vừa tìm một tảng đá. Anh ngồi mài. Mài mãi, mài mãi, trời ngả về đêm lúc nào không biết. Sau gần năm tiếng đồng hồ, chiếc xiềng đứt tung.

Ôi, tự do rồi! Giờ đi hay nghỉ? Anh thấy phải đi, càng xa càng tốt. Một thân một mình, đêm trường thanh vắng, mưa rừng lại bắt đầu nặng hạt, quá mệt không còn bước đi được nữa. Trong cảnh rừng khuya mờ mịt, bỗng đâu một ngôi nhà hiện ra trước mặt. Mừng mà lo. Anh đành phải bước vào mái hiên tránh mưa, tạm nghỉ. Đến nơi, chưa kịp ngồi, anh thấy mắt hoa đầu choáng, đất trời xoay tít, anh gục ngay trên nền đất.

“Thủy ơi! Thủy ơi! Có đứa nào nằm chết trong hiên nhà ta thế này?”. Đó là, tiếng la của bà chủ nhà. Nghe tiếng mẹ, Thủy chạy ra thấy một thiếu niên áo quần mỏng manh, mặt mày xám ngắt, ngực còn thoi thóp. “Mẹ ơi, nó còn sống”. “Con mau vào lấy ve Nhị thiên đường ra đây!”. Trước sự ân cần chăm sóc của mẹ con bà chủ, anh dần tỉnh lại. Bà chủ hỏi: “Cháu ở đâu, tên gì, đi đâu mà lại nằm đây?”. Không dám nói thật, anh đành phải nói với bà chủ: “Thưa bà, cháu ở Thừa Thiên, tên là Sáu, cha đi làm xa, mấy năm rồi cha đi không thấy về. Mẹ bảo con cố đi tìm, tìm mãi không thấy”. Nghe anh kể, bà chủ thương hại: “Tội nghiệp cho cháu. Thôi cháu hãy tạm nghỉ nhà bác vài hôm cho lại sức rồi hãy đi cũng được”. Thấy bà chủ phúc hậu và cũng không có con đường nào khác, anh cúi đầu cảm ơn. Những ngày ở đây anh giúp bà chủ quét dọn nhà cửa, gánh nước. Anh nói, xưa nay chưa quen gánh, nước lại phải gánh từ suối lên, đau vai lắm. Nhưng khi về đến nhà, anh đâu dám so vai, rụt cổ để tỏ ra là con nhà lao động.

Còn Thủy, cô gái thùy mị xinh đẹp của bà, trạc tuổi với anh, là nữ sinh Đồng Khánh về với gia đình trong những tháng hè. Một lần gánh nước về, đi ngang qua phòng Thủy anh nhìn vào, thấy một phương trình đại số, viết, xóa nhiều mà không tìm ra đáp số. Nhân lúc không có Thủy, anh đặt gánh bước vào. Quên mất thân phận mình, xem qua, anh cầm phấn, viết ngay, giải luôn bài toán. Anh đang say sưa với tuổi học trò, ngờ đâu, Thủy lặng lẽ đến, trố mắt nhìn, rồi buột miệng hét lớn: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Thằng Sáu nó biết “anh rếp” (algèbre) nó giỏi, nó giỏi lắm!”. Tiếng thét của Thủy làm anh giật mình đánh rơi viên phấn.

“Cháu ơi, mấy ngày rày, bác có ý ngờ. Vậy cháu là ai? Sao thân phận thế này?”. Nghe những lời thân tình của bà chủ, anh vừa khóc vừa kể rõ sự tình. Nghe anh kể, bà chủ xúc động thở dài. Thủy nhìn anh thương hại. Bà nói: “Cháu ơi, mẹ con bác hết sức thông cảm, thương hoàn cảnh cháu, tội cháu lắm. Nhưng… mấy ngày nay ba Thủy đi vắng. Ông phụ trách kiểm lâm. Nơi đây, các sếp Tây thường qua lại, không tiện cho cháu. Chi bằng, bác cho cháu ít tiền, quần áo, để cháu đi. Nhờ ơn trời Phật phù hộ, bác cháu ta rồi cũng có ngày tái ngộ”.

Ngậm ngùi chia tay với mẹ con bà chủ, ngoài món quà quý báu của bà, anh còn được tặng chiếc áo len đỏ, cùng lời nói thân tình của Thủy: “Anh Sáu ơi, đừng quên nhé!”.

(Còn nữa)

Đại tá VÕ VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Anh chàng tuổi trẻ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO