Trong những cuộc chuyện trò, bạn tôi không ít lần nói về một thanh niên ở gần nhà (khu phố 6, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ) với việc làm khác thường nhưng tôi chưa một lần được tận mắt chứng kiến. Có người “đầu óc” thực tế thì nói: ồ, đấy là chuyện không bình thường (tức là khùng)…! Có người bàng quan thì bảo hơi đâu mà làm chuyện vô ích như thế! v.v. Tất nhiên ngày qua tháng lại cả khu phố không có mấy ai quan tâm về việc làm “khác thường” của anh thanh niên.
Anh Doãn Quốc Sử bưng rổ rau quả tươi từ chợ về. Ảnh: Đ.QUÂN |
Đó là anh Doãn Quốc Sử. Năm nay Sử 29 tuổi. Nghe nói thời trung học phổ thông Sử học khá giỏi và có 2 năm đã theo học trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Nhưng không biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hay còn điều gì khác nữa mà Doãn Quốc Sử không đi hết chặng đường của bốn năm đại học. Nhưng có lẽ từ khi “bất thình lình” nghỉ học lúc nào Sử cũng hiền lành và ít nói... Kể từ ngày ấy Sử cũng “phát tâm” làm cái công việc thiện lành. Hàng ngày bằng chiếc xe đạp Sử kéo thêm một chiếc cáng đẩy xuống chợ Tam Kỳ để lấy (xin - cho) trái cây, rau củ quả (sau này thấy cực khổ mẹ anh mua cho chiếc xe honda cũ). Ban đầu những thức quả này là do vợ chồng anh T. – một hộ kinh doanh buôn bán hàng tươi sống ở chợ Tam Kỳ hỗ trợ. Dần dần những người buôn bán những gian hàng bên cạnh biết việc làm “thiện lành” của Sử nên cũng tự nguyện góp một tay ủng hộ.
Cứ khoảng tầm 9 - 10 giờ sáng trên chiếc cáng đẩy đầy ắp hàng “la ghim” Sử kéo về nhà. Ai khó khăn hoặc ai cần thì cứ việc đến lấy mà dùng, không bận tâm trả giá bán mua. Có hôm Sử “cung cấp” rau củ quả lúc thì các nhà chùa, khi thì các nhà thờ v.v. Tuyệt nhiên không có sự trả chác bán mua gì ở đây hết. Sử không thích nói về mình, thậm chí Sử luôn tránh né khi có ai hỏi chuyện. Hôm chúng tôi tới Sử chưa về. Gặp chị Nga – mẹ Sử nói chuyện hơi dè dặt một tí vì thấy tôi - người chị không quen và mang máy ảnh. Một lát sau thì Sử về trên cáng cũng chất đầy thức quả. Chị H. làm cấp dưỡng ở trường Võ Thị Sáu, gia cảnh đông con, khó khăn cũng thường đến xin thức quả nói, hôm nay là ít đó chứ mọi bữa thì được nhiều hơn… Tôi gặp Sử có chút may mắn khi tôi giương máy ảnh khi một tay anh bưng rổ rau củ tươi đứng trước ống kính Sử cười nói, chụp như thế này nè… Lúc ấy ai đứng đó cũng mang một chút hân hoan!
Nhân mùa Vu lan thấy việc làm của Sử được góp chút sắc hương cho đời, cho người tôi nghĩ đó là một phúc lạc lớn. Sử cười và lòng tôi cũng vui theo: Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời (Còn gặp nhau – Tôn Nữ Hỷ Khương).
ĐÌNH QUÂN