Áp lực!

MINH ĐỨC 04/08/2014 09:27

Tình trạng khai thác vàng trái phép tái diễn, hàng nghìn người lao động thất nghiệp, bị nợ chế độ bảo hiểm, địa phương gặp khó khăn thu ngân sách… là những hệ lụy sau khi 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu thông báo tạm ngưng hoạt động do cơ quan thuế sử dụng biện pháp chế tài vì “chây ì” nộp thuế. Liệu những hệ lụy này có trở thành áp lực để các bên liên quan xem xét tháo gỡ, giúp các công ty vàng hoạt động trở lại như những lần trước đây?

Theo cơ quan thuế, việc cưỡng chế, phong tỏa tài khoản ngân hàng, vô hiệu hóa giá trị hóa đơn đối với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu là biện pháp cực chẳng đã. Cơ quan thuế đã rất nhân nhượng nhưng doanh nghiệp vẫn chây ì, nợ thuế dây dưa; số nợ thuế quá lớn (gần 300 tỷ đồng), nếu không cưỡng chế, không truy thu sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư… Còn theo Tập đoàn Besra (chủ đầu tư của 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu), đây là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam. Việc chậm nộp thuế là do sản lượng khai thác thiếu ổn định, giá vàng hạ, công ty phải đóng nhiều khoản thuế, phí… Các biện pháp cưỡng chế thuế đã khiến doanh nghiệp không thể mua nguyên liệu đầu vào hay bán vàng, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng hết sức khó khăn.

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan thuế sử dụng biện pháp mạnh đối với 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu. Những lần chế tài trước, các công ty vàng cũng thông báo tạm ngưng hoạt động và sau đó được cơ quan chức năng, địa phương xem xét, tạo điều kiện sản xuất trở lại, trong đó đã hủy quyết định truy thu thuế xuất khẩu vàng với tổng trị giá 12 triệu USD (hơn 250 tỷ đồng). Điều làm dư luận thắc mắc là các công ty vàng có thực sự thua lỗ, khó khăn như đã nêu khi khai thác ở 2 mỏ vàng được đánh giá là có trữ lượng lớn, mang tầm khu vực? Cục Thuế tỉnh cho rằng, việc không nộp thuế của công ty vàng là phi lý bởi doanh nghiệp xuất khẩu 100% lượng vàng khai thác, hàng năm các công ty đã khai thác được hàng tấn vàng. Thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp thu trên sản lượng xuất khẩu, thế nhưng vàng đã bán ra nước ngoài mà doanh nghiệp vẫn không nộp…

Dù thế nào đi nữa, thực tế việc các công ty vàng ngưng hoạt động đã tạo ra các hệ lụy, trong đó đáng kể nhất là tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ dẫn đến nguy cơ dễ xảy ra tai nạn, mất an ninh trật tự tại địa phương. Những hệ lụy này có vẻ khó giải quyết và trở thành áp lực khi địa phương chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Nếu tiếp tục giao tài nguyên cho doanh nghiệp khai thác để khắc phục khó khăn có thể sẽ giải quyết được áp lực trước mắt, nhưng nếu địa phương, ngành chức năng vẫn “ngoài tầm kiểm soát” về hoạt động khai thác, tiêu thụ tài nguyên và chưa lường kỹ trước những hệ lụy thì tình trạng nói trên rất dễ tái diễn. Bởi, với lĩnh vực khai thác tài nguyên, đặc biệt là khai thác vàng, nếu doanh nghiệp phá sản, hệ lụy của nó bao giờ cũng nặng nề và sự mất mát không chỉ là thất thu các khoản thuế, phí...

MINH ĐỨC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO