Áp lực cho tân tổng thống Pháp

QUỐC HƯNG 08/05/2017 08:27

Bất kể ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào ngày 7.5 cũng phải chèo lái nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới với đầy thách thức.

Theo tờ Guardian của Anh, cung điện Élyseé đón chủ nhân mới - tân Tổng thống François Hollande vào năm 2012 với những khó khăn kinh tế mà người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy để lại. Trong đó, thách thức lớn nhất lúc đó đối với ông Hollande là đàm phán lại hay bổ sung hiệp ước cân bằng ngân sách của châu Âu, với một thỏa thuận về tăng trưởng, nhằm đưa châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ công. Đến năm 2017, kinh tế châu Âu chứng kiến sự khởi sắc, dần vượt qua khó khăn, với điểm sáng là tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong 19 nước thành viên sử dụng đồng tiền chung euro giảm xuống còn 9,5% trong tháng 2 vừa qua.

Tổng thống Pháp François Hollande sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 14.5.2017. Ảnh: GettyImage
Tổng thống Pháp François Hollande sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 14.5.2017. Ảnh: GettyImage

Thế nhưng, trong lúc các quốc gia láng giềng như Đức và Anh trên đà phục hồi mạnh mẽ thì Pháp - nền kinh tế lớn thứ ba của châu Âu vẫn có tốc độ tăng trưởng chậm (tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 1,2% của năm 2016). Bên cạnh đó là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức trung bình của khu vực (hiện khoảng gần 10%) cũng như thâm hụt ngân sách của Pháp ở mức cao. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Pháp sẽ chỉ tăng trưởng 1,4% trong năm 2017, một trong những mức tăng yếu nhất ở Liên minh châu Âu. Tuy vậy, các nhà phân tích đánh giá, François Hollande để lại di sản sáng sủa hơn so với những gì ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm là Nicolas Sarkozy.

Thống kê 5 năm trước đây, kinh tế Pháp đang trong giai đoạn điều chỉnh, các doanh nghiệp đua nhau sa thải nhân viên. Giờ đây, François Hollande vẫn giữ được đà tăng trưởng cho kinh tế Pháp, dù không bền vững trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới phục hồi chậm. Hồ sơ kinh tế là một trong những hành trang chủ chốt mà ông Hollande mang theo trong các chuyến công du ra nước ngoài. Theo đó, hàng chục cuộc đối thoại song phương của tổng thống Pháp với các lãnh đạo châu Á, châu Mỹ, vùng Thái Bình Dương đã giúp Paris mở rộng ảnh hưởng, thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế. Di sản kinh tế ông Hollande để lại cho người kế nhiệm có vẻ tươi sáng hơn so với thời điểm ông bước vào điện Élyseé hồi tháng 5.2012.

Tuy vậy, dưới thời Tổng thống Hollande, các sắc thuế đã tăng mạnh, biến Pháp thành nước sưu cao thuế nặng nhất Liên minh châu Âu. Kể từ năm 2015, hầu hết doanh nghiệp của nước này nộp thuế qua hệ thống thuế trọn gói với khoản tiền như nhau, không phân biệt vào doanh thu hay lợi nhuận. Kéo theo đó, thu nhập thực tế của người lao động giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Viện thống kê quốc gia Pháp khẳng định, bất bình đẳng về thu nhập và tỷ lệ người nghèo không thay đổi trong suốt nhiệm kỳ của ông Hollande. Do vậy, kinh tế vẫn là một trong những vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp cho nhiệm kỳ năm năm tiếp theo. Người kế nhiệm Tổng thống François Hollande sẽ gánh vác trọng trách cải thiện nền kinh tế nước này theo đúng nguyện vọng của cử tri. Hai ứng cử viên tổng thống bước vào vòng quyết định trong cuộc bỏ phiếu ngày 7.5 là ông Emmanuel Macron và bà  Marine Le Pen đều cho rằng, vấn đề trọng tâm là phải giảm nhẹ gánh nặng thuế cho doanh nghiệp và người dân.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực cho tân tổng thống Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO