Tập trung vốn cho các công trình trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ, loại bỏ hoặc dừng lại những dự án chưa rõ nguồn vốn đầu tư là những đề xuất được đưa ra trong những năm tới, khi các nguồn vốn huy động được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn.
Kế hoạch đầu tư
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, tốc độ xây dựng cơ bản 3 năm gần đây tăng nhanh với hầu hết các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trọng điểm đã được triển khai. Không chỉ kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp thay đổi mà mạng lưới điện, cấp nước, bưu chính - viễn thông, hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các khu đô thị... cũng dần hoàn thiện. Thành công của phát triển cơ sở hạ tầng lẫn việc thu hút được nhiều nguồn vốn từ các dự án lớn đã tạo cơ sở, điều kiện cho Quảng Nam phát triển. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Vấn đề nhà đầu tư quan tâm số 1 thường được nêu ra bao giờ cũng là cần có một cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để họ quyết định đầu tư hay mở rộng dự án. Vì vậy, dù rất nhiều khó khăn, chính quyền Quảng Nam đã quyết định gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong vòng 2 năm tới.
Cầu Cửa Đại, Khu Kinh tế mở Chu Lai sẽ được tập trung nguồn vốn để đầu tư. Ảnh: T.DŨNG |
Theo kế hoạch, mạng lưới giao thông, hạ tầng trọng điểm sẽ được tập trung đầu tư. Cụ thể, tập trung nguồn lực cho cầu Cửa Đại hoàn thành vào năm 2015, thực hiện tốt bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy Trung ương hoàn thành nâng cấp quốc lộ 1, tiếp tục thực hiện để sau năm 2015 hoàn thành đường dẫn cầu Cửa Đại, các đường cứu hộ ven biển, tập trung giải phóng mặt bằng thực hiện đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Hỗ trợ các địa phương nâng cấp các tuyến ĐH, hoàn thành chương trình bê tông hóa nông thôn, xây dựng mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi để phát triển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, kết cấu hạ tầng tại Khu Kinh tế mở Chu Lai và các khu công nghiệp trọng điểm gắn với thu hút có hiệu quả đầu tư sẽ được phát triển đồng bộ để tránh lãng phí tài nguyên, đất đai. Lựa chọn các cụm công nghiệp thật sự phát huy hiệu quả để đầu tư hạ tầng nhằm thu hút đầu tư. Nâng cấp các trục đường chính ra vào đô thị, nhất là Hội An và Tam Kỳ bằng các chương trình, dự án ODA. Chú trọng thu hút các nguồn vốn xây dựng thị xã Điện Bàn và đô thị Núi Thành. Nâng cấp các nhà máy cung cấp nước sạch, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ nước sạch tại các đô thị từ loại III đạt 90%, các đô thị loại IV đạt 70%, khoảng 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường. Ưu tiên tăng nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích lúa nước được tưới chủ động và ổn định bằng các công trình thủy lợi đạt trên 90% diện tích sản xuất lúa nước/vụ và hơn 90% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ngoài ra cũng sẽ tiến hành thực hiện các chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư trang thiết bị dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo. Phấn đấu đến năm 2015, từng bước giải quyết một phần tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cơ sở khám chữa bệnh cho lao động tại các khu công nghiệp...
Gian nan tìm vốn
Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 16 vừa qua, UBND tỉnh xác nhận tốc độ đầu tư hạ tầng không mạnh bởi thiếu nguồn đầu tư. Không thể để tình trạng manh mún hay dở dang tiếp tục điệp khúc “đợi vốn”, chính quyền Quảng Nam đã tuyên bố chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải và tăng cường các nguồn vốn huy động ngoài ngân sách. Tuy nhiên, việc thực hiện điều này sẽ không dễ dàng. Thực tế, trong vòng 3 năm qua, tổng vốn đầu tư hạ tầng chỉ mới khoảng 46% kế hoạch; số 54% còn lại có thể huy động để đầu tư kết cấu hạ tầng theo mục tiêu đề ra là điều khó có thể thực hiện khi thời hạn kế hoạch chỉ còn hơn 2 năm! Chưa kể tỷ lệ bình quân vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP càng ngày càng bị giảm dần.
Theo Sở KH&ĐT, từ nay đến năm 2015 cần gần 12.200 tỷ đồng cho các danh mục thiết yếu đầu tư. Trong đó giao thông 4.300 tỷ đồng, nông nghiệp gần 800 tỷ đồng, giáo dục 400 tỷ đồng, văn hóa 420 tỷ đồng, y tế 160 tỷ đồng, điện 400 tỷ đồng và các dự án Khu Kinh tế mở Chu Lai cần đến 2.000 tỷ đồng đầu tư. Tuy nhiên, nguồn vốn chương trình hỗ trợ theo mục tiêu hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu chính phủ hàng năm khoảng 800 tỷ đồng, không thể điều tiết được mà phải theo đúng mục tiêu, chương trình và nguồn ngân sách tập trung đã phân cấp 50% cho các huyện, thành phố. Vì vậy, dự kiến ngân sách chỉ đảm bảo cân đối khoảng 50% cho các công trình trọng điểm đã công bố. Cũng theo Sở KH&ĐT, dự kiến khả năng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý giai đoạn 2014 – 2015 sẽ chỉ khoảng 8.000 tỷ đồng. Số vốn này sẽ phân bổ chủ yếu cho thanh toán nợ đọng từ 50 - 70% tổng vốn đầu tư, bố trí vốn cho các công trình trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đến 2015 trên 20% và phần còn lại bố trí đầu tư mới cho các dự án cấp bách và dự phòng, đối ứng các dự án ODA.
Ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, tồn tại hiện thời vẫn là vốn đầu tư so với khả năng yêu cầu rất hạn chế. Định hướng tốt nhưng triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn. Tất cả hạ tầng thiết yếu chỉ mới đáp ứng khoảng từ 25 - 35% nhu cầu. Theo ông Tri, để đến năm 2015 đạt kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng thì phải kiểm tra, kiểm soát quy hoạch phát triển chung cho Quảng Nam, vùng. Xúc tiến tìm nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, định chế tài chính. Một trong những vấn đề quan trọng khác là cần kiểm soát lại quy mô đầu tư phù hợp các dự án ven biển. Không thể để dàn trải, mà cần kiểm soát lại đầu tư trong khả năng nguồn vốn có thể. Các chủ đầu tư nên nhìn nhận lại vấn đề để thấy khả năng cụ thể của dự án liên quan đến vốn đầu tư mà có kế hoạch triển khai hay dừng lại. “Cần thiết phải dừng lại các dự án khi nguồn vốn quá lớn, dừng lại hoặc loại bỏ những dự án thiếu khả thi. Nơi nào cũng có nhu cầu, nhưng nguồn lực yếu nên chỉ có thể đầu tư những dự án trọng điểm. Cần tập trung vốn cho các công trình thiết yếu như giao thông để thu hút đầu tư. Không để tràn lan và khả năng đầu tư phải dứt điểm. Phân bố các khu, cụm công nghiệp hợp lý, thu hút các nhà đầu tư chất lượng và tạm thời dừng đầu tư các khu, cụm công nghiệp chưa có đầu tư hạ tầng” - ông Tri nói.
TRỊNH DŨNG