Áp lực thi cử

NAM VIỆT 05/05/2015 10:32

Vấn đề áp lực thi cử hiện diễn ra rất phổ biến tại nhiều nước, đè nặng lên vai học sinh.

Hãng tin AFP, các trang thông tin chính thống Ấn Độ đồng loạt đăng tải không khí hết sức căng thẳng tại một vài hội đồng thi tốt nghiệp phổ thông 2015 vừa diễn ra tại Ấn Độ. Nghiêm trọng và nguy hiểm nhất là khi học sinh đang làm bài trong phòng thi, các phụ huynh lại trèo qua bức tường của trường, leo lên các cửa sổ, thậm chí ở trên tầng 3, 4 của lớp học để ném tài liệu cho con em mình. Hành động trên ngay lập tức nhận được nhiều chỉ trích của dư luận, còn các ngành chức năng cam kết xử lý nghiêm khắc các hành vi như thế.

Học sinh Hàn Quốc chịu nhiều áp lực trong học hành.
Học sinh Hàn Quốc chịu nhiều áp lực trong học hành.

Cũng như tại nhiều nước khác, áp lực thi cử là “câu chuyện thường ngày” tại Ấn Độ. Học sinh buộc phải thi đậu năm cuối cấp để có cơ hội được bước chân vào giảng đường cao đẳng, đại học với mong muốn sau khi ra trường sẽ tìm được việc làm có thu nhập ổn định. Nhiều hoàn cảnh nhờ đó sẽ có cơ hội thoát nghèo. Áp lực khiến không ít học sinh đã và đang thực hiện các hành vi gian lận trong thi cử như đem tài liệu vào phòng thi quay cóp để mong vượt qua kỳ thi. Vì những sai phạm trên mà trong kỳ thi tốt nghiệp trung học năm nay đã khiến hơn 1.000 thí sinh thi vào lớp 10 và hết lớp 12 tại Ấn Độ bị cấm thi. Nữ sinh Payali nói, có quá nhiều bài vở phải ghi nhớ, học thuộc lòng và áp lực từ cha mẹ, giáo viên và thậm chí cạnh tranh với các bạn cùng trang lứa.

Tương tự, vào cuối năm 2014, một cuộc khảo sát được thực hiện tại 30 quốc gia có nền kinh tế phát triển thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế cho thấy, học sinh Hàn Quốc được xếp loại “kém hạnh phúc nhất thế giới” vì áp lực học và thi cử quá căng thẳng. Giới trẻ Hàn Quốc có mục tiêu phấn đấu số một là phải dành thời gian học tập và đạt thành tích cao, bước chân vào đại học danh giá. Đây là kỳ vọng của hầu hết các bậc phụ huynh vào con cái để sau này chúng có việc làm ổn định, lương cao. Nhiều học sinh Hàn Quốc dành thời gian học tập 12 - 15 tiếng mỗi ngày.

Mặc dù trình độ học vấn được xem là yếu tố then chốt góp phần xây dựng và phát triển của các quốc gia nhưng áp lực quá lớn từ học đường ít nhiều gây hệ lụy cho gia đình và xã hội. Nhiều học sinh đã tìm đến cái chết khi thành tích học tập của các em không đạt như mong muốn. Những vấn đề ganh đua, chạy theo thành tích khiến nhiều em không có được trình độ học vấn thực lực. Trình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp tỷ lệ nghịch với điều kiện kinh tế gia đình, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia.

Áp lực thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng là rất lớn với các sĩ tử Trung Quốc. Hãng tin Chinadaily trích dẫn lời một quan chức giáo dục nước này cho hay, từ tháng 9.2014, Bộ Giáo dục Trung Quốc đề ra kế hoạch cải cách được thực hiện theo nhiều bước nhằm đảm bảo hệ thống tuyển sinh trở nên công bằng hơn, tập trung lựa chọn sinh viên dựa vào kỹ năng và khả năng thực tế. Tuy nhiên, việc giảm tải áp lực thi cử không thể chấm dứt một sớm một chiều.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực thi cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO