Trước thực trạng về tệ nạn buôn người đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á (ASEAN), Singapore vừa tổ chức hội thảo khu vực ASEAN về chương trình phòng chống nạn buôn người.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mỗi năm tội phạm buôn người trên toàn cầu thu về lợi nhuận bất hợp pháp lên tới 150 tỷ USD. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực mà nạn buôn người đang ở mức báo động với 11,7 triệu người trong tổng số gần 30 triệu nạn nhân trên toàn cầu đang làm việc trong các điều kiện bị cưỡng bức lao động. Thống kê của Liên hiệp quốc còn cho thấy, Ấn Độ có số người bị bán làm nô lệ cao nhất Nam Á, trong số đó 75% là phụ nữ. Một khi rơi vào tay bọn buôn người, tương lai của những phụ nữ này là những ngày lao động phục dịch, thậm chí họ còn bị cưỡng ép làm gái mại dâm.
Nạn nhân của tội phạm buôn người. |
Tại khu vực ASEAN, tội phạm buôn người hoạt động rất tinh vi, phức tạp với mỗi năm có khoảng 10 nghìn người là nạn nhân và Singapore được coi là một điểm đến của nạn buôn người, với các nạn nhân chủ yếu tới từ Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Indonesia và cả Việt Nam. Các chuyên gia tham dự hội thảo vừa qua tại Singapore cho rằng, tội phạm buôn người đã trở thành tội phạm xuyên quốc gia. Do vậy, ASEAN cần có tiếng nói chung và tích cực hợp tác nhiều hơn nữa để loại trừ loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm này. Ông John Gee, một chuyên gia nghiên cứu của khu vực cho rằng, khi xảy ra vụ việc buôn người, quốc gia ấy phải chủ động liên hệ, chia sẻ thông tin với quốc gia khác có liên quan. Đặc biệt là phải có sự đồng bộ trong quy định luật giữa các nước để tránh để lọt tội phạm buôn người.
Hồi tháng 5, Dự án của Liên hiệp quốc về hợp tác hành động chống lại nạn buôn bán người (UN-ACT) kéo dài 5 năm ở cấp khu vực ASEAN được thành lập, với mục đích là bảo vệ các nạn nhân và trừng phạt thích đáng tội phạm buôn bán người. Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam, nói: “Nạn buôn bán người làm tổn thương những nhóm yếu thế, gây ra nhiều hậu quả và vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Hợp tác trên tinh thần phối hợp và tương trợ lẫn nhau không những chỉ giảm thiểu mà còn hướng đến xóa bỏ hình thức nô lệ thời hiện đại này. Hãy xây nên một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác này trong khuôn khổ dự án UN-ACT, bởi vì chúng ta tiếp tục song hành cùng nhau”.
Cũng trong năm 2014, với nỗ lực đấu tranh chống tội phạm buôn người, Hội nghị chuyên đề liên minh Nghị viện khu vực ASEAN về hợp tác lập pháp trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em thông qua Bản khuyến nghị 7 điểm về tăng cường phối hợp phòng chống buôn bán người trong khu vực ASEAN. Qua đó nhận thức rõ tính nghiêm trọng và cấp bách của vấn đề phòng chống buôn bán người trong khu vực và coi đây là vấn đề được quan tâm ưu tiên đối với các nước ASEAN; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan lập pháp trong việc phòng ngừa, đấu tranh chống nạn buôn người và bảo vệ nạn nhân.
QUỐC HƯNG