Với lợi thế ngày càng được khẳng định của khu vực kinh tế năng động, Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) sẽ trở thành “công xưởng” của thế giới.
Với vị trí địa lý thuận lợi, giá nhân công rẻ, lực lượng lao động trẻ, có tay nghề và nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm 2015, ASEAN sẽ trở thành thị trường rất hấp dẫn với hơn 600 triệu dân. Như vậy ASEAN sẽ thu hút sự đầu tư của các nhà sản xuất ngoài khu vực và vượt qua Trung Quốc để trở thành “công xưởng” của thế giới trong vòng 5 - 10 năm tới.
Điển hình Thái Lan, không chỉ là một điểm đến của ASEAN nổi tiếng thu hút khách du lịch mà còn được biết đến là trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất khu vực. Ngoài ra, Thái Lan còn là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới về công nghiệp thiết bị điện và điện tử. Bên ngoài thủ đô Băng Cốc là sự hiện diện của rất nhiều khu công nghiệp quy mô lớn của rất nhiều công ty đa quốc gia danh tiếng toàn cầu như Hãng điện tử Sony, Seagate, Philips hay LG. Tương tự, một quốc gia khác trong ASEAN như Việt Nam đã và đang thu hút đầu tư lớn như các tập đoàn điện tử, di động cỡ thế giới như Samsung, LG, Canon, Nokia. Chỉ riêng Samsung, trong những năm gần đây luôn chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Công nhân ngành chế tạo ô tô tại Thái Lan. (Ảnh: establishmentpost) |
Một tín hiệu lạc quan khác cho kinh tế ASEAN là Malaysia và Philippines hiện nằm trong số những trung tâm dẫn đầu thế giới về công nghệ thông tin và sản xuất gia công. Singapore - trung tâm tài chính, công nghệ cao ASEAN, là trung tâm thương mại, sản xuất ý tưởng cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, ASEAN là khu vực có thế mạnh thu hút các ngành sản xuất hóa chất, đồ ăn, thức uống, kim loại. Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá rất cao sự hợp tác trong khối ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Do đó, mặc dù các nền kinh tế trong khối ASEAN ở các giai đoạn phát triển khác nhau nhưng nhìn chung các nền kinh tế đều chia sẻ tiềm năng, lợi thế vượt trội để cùng nhau phát triển.
Sandra Seno-Alday, một giảng viên chuyên ngành kinh doanh của Đại học Sydney (Australia) và Trung tâm ASEAN tại Sydney nhận định, chỉ trong vòng 2 thập kỷ qua, nhiều nhà đầu tư trong đó rất nhiều tại Trung Quốc chuyển sang thị trường ASEAN và thị trường này đến nay không còn xa lạ với các nhà đầu tư quốc tế. Do vậy, để đáp ứng với xu hướng đầu tư, tận dụng cơ hội để kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, các nước thành viên ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia tập trung đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thân thiện…
Dù vậy, các chuyên gia kinh tế khu vực cho rằng, trước biến động tình hình kinh tế tài chính trên thế giới, nền kinh tế ASEAN cần nhiều nỗ lực hơn để ứng phó với các thách thức, rủi ro. Đặc biệt, ASEAN cần tập trung hơn nữa để đẩy mạnh sự phát triển của các nền kinh tế còn yếu hơn trong khu vực để tiến tới phát triển cân bằng trong nội khối.
QUỐC HƯNG