Những ý nghĩ của anh Nguyễn Mận - Phó Giám đốc Trung tâm Trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam (nằm ở thôn Thạnh Hòa 2, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) đều có chung một mẫu số, là về những đứa trẻ.
Anh Nguyễn Mận. Ảnh: XUÂN THỌ |
1. Thời gian len qua khe cửa, trôi dần về cuối năm. Thời gian trôi qua phận người, làm nhiều thêm những đốm trắng trên mái tóc. Mái tóc của người đàn ông tuổi 51 quê Đại Lộc, đã thôi xanh tự lâu rồi. Tôi phá vỡ không gian yên tĩnh bằng câu hỏi: “Anh vô đây đã được bao nhiêu năm rồi?”. “Từ năm 1999” - anh đáp lời, mà không tốn một giây thời gian nào để lục lọi ký ức. Năm ấy anh vào Tam Kỳ, năm sau, có thông tin tuyển dụng, anh nộp đơn ứng tuyển, được nhận và làm cho đến bây giờ. “Cũng mười tám năm rồi. Nhanh quá em ạ…” - anh tâm sự.
Mười bảy năm anh đã dành cho những thiên thần bị bỏ rơi, đi đủ dặm dài những thương yêu buồn vui. Trên những trang báo hằng ngày, không thiếu những tin tức về những đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa mới lọt lòng, thậm chí là chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Tôi hỏi anh nghĩ sao về những điều ấy. Những câu chuyện này, anh đã nhiều lần chứng kiến. Và, anh không thể không xúc động, khi mà cách đây ít lâu, anh đọc được bài báo viết về một bạn sinh viên nào đấy ở miền Bắc hay đi gom nhặt những thi thể hài nhi bị bỏ rơi để chôn cất đàng hoàng. Đôi khi anh nghĩ, giá mà những bạn trẻ có suy nghĩ trách nhiệm hơn trước khi nhẫn tâm vứt bỏ máu mủ của mình, thì hay biết mấy. “Vậy với những đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng trung tâm thì sao, ý tôi là anh nghĩ sao về cha mẹ của các bé?”. “Cuộc sống mà, nhiều điều lắm. Nhưng cũng phải thừa nhận một sự thật rằng, những người để lại con mình nơi cổng trung tâm này, vẫn còn ít nhiều thương yêu chúng, vì họ tính toán rất kỹ trong thời gian ngắn sau khi họ rời đi, thì bảo vệ hay người của trung tâm sẽ phát hiện được bé. Trong những trường hợp như thế này, ít ra, tránh được rất nhiều những tổn hại về sức khỏe của bé bị bỏ rơi” - anh trải lòng.
Trong ký ức của rất nhiều lần nhặt trẻ nơi cổng trung tâm, lần gây nhiều xúc cảm nhất với anh, là vào sáng sớm một ngày tháng 11 cách đây mấy năm. Hôm ấy anh trực cơ quan, thói quen dậy sớm kéo anh thức giấc đi tập thể dục, dù sáng sớm hôm ấy trời lạnh và có mưa phùn. Nhưng mới được vài bước chân, thì có tiếng bảo vệ hốt hoảng gọi. Như một suy nghĩ đã lập trình sẵn, anh biết nơi trước cổng vừa có trẻ bất hạnh bị bỏ rơi. Em bé được bỏ trong thùng mì tôm, phía bên trên được che lớp áo mưa. Nhưng mặt đường ướt, nên thùng giấy các tông hút nước trở ngược, ướt gần hết. Khi anh giở áo mưa ra, thân hình em bé tím tái, nằm bất động; rờ tay lên trán bé, anh thấy lạnh ngắt. Anh ôm bé vào phòng sơ sinh, gọi các mẹ dậy trợ giúp. Anh dặn các mẹ, là da bé còn mỏng, nên đánh dầu nóng vào lòng bàn tay mình trước khi ốp cho bé, rồi sưởi ấm cho bé nữa. Được tầm 10 phút sau, là bé tỉnh.
“Bé gái ấy, sau này mình đặt tên ở nhà là Mỳ Tôm” - anh cười. Còn các mẹ mà anh nói, là những chị em đồng nghiệp. Vì các bé hay gọi họ là mẹ, nên anh gọi theo. Nhớ lúc lang thang với anh trong khuôn viên, các bé cũng gọi anh là ba. Trở lại câu chuyện bé Mỳ Tôm, không một ai trong trung tâm biết tung tích cha mẹ của bé. Việc ấy cũng chẳng còn lạ gì nữa. Việc cần làm, là anh và những đồng nghiệp của mình, gom góp yêu thương để chăm lo cho bé, như những bé trước đây, mà thôi. Đồng nghiệp của anh, ai cũng bảo bé Mỳ Tôm và anh quấn quýt nhau lắm.
2. Trong suốt cuộc nói chuyện, khi kể về những đứa trẻ, tôi nhận ra lời anh nói có nhiều va vấp, gần như kiểu đứt quãng khi bị cảm xúc chen ngang. Cũng là điều dễ hiểu, khi một người nói về những thứ mình yêu thương, thì không thể tránh những cơn đột khởi của cảm xúc. Dẫu vậy, không cần tinh ý, cũng ít nhiều đọc được điều lẩn khuất trong những lời anh nói. Té ra, anh mang tâm sự buồn, tâm sự của một người đàn ông sắp bước qua tuổi 52 cùng với sự mong ngóng một đứa con riêng cho gia đình của mình. “Chúng tôi cưới nhau từ năm 2004, mười ba, mười bốn năm rồi chứ ít gì…” - giọng anh lơi đi. Anh chia sẻ, chuyện hai vợ chồng vẫn chưa thể có con, theo kết luận của bác sĩ là do anh bị ảnh hưởng bởi bệnh quai bị từ nhỏ.
“Ba Mận” cùng những thiên thần bất hạnh. Ảnh: XUÂN THỌ |
Chấp nhận sự thật ấy, chưa bao giờ là điều dễ dàng, dù anh đã và đang sống cùng. Anh bảo mình thèm nghe tiếng trẻ con mỗi ngày, ở trung tâm và cả ở nhà. Nên những hôm không trực, anh cũng đến trung tâm, chỉ cần gõ yêu nhẹ nhàng lên đầu chúng, đứng nhìn chúng chơi đùa, nghe những lời bi bô trong thế giới đầy trong trẻo của chúng, là anh khỏa lấp được những nỗi niềm. Nhiều khi lễ tết, anh hay chở chúng về nhà chơi, nhiều nhất có lẽ là cậu bé Hồ Ky Chuôn người Ca Dong. Chuôn được gia đình và địa phương đưa từ Nam Trà My xuống, lúc cháu chỉ hơn 1 tuổi. Chuôn quấn lấy ba Mận mãi, lúc nào cũng theo. “Mình về nhà, Chuôn cũng đòi theo, nên lễ tết nào cũng chở về nhà chơi. Tiếc là Chuôn mất rồi, vì bệnh” - giọng anh nghe như hơi thở dài trong bóng nắng ngoài sân.
Trong lúc trải lòng, anh nói rằng có bàn với vợ, cố gắng trong năm tới sẽ thu xếp để xin đứa con nuôi nếu như cả hai vẫn không thể có con với nhau. Ai cũng mong muốn tổ ấm của mình có tiếng trẻ thơ. Anh lại đang đi trong tuổi ngũ tuần nữa, nên hẳn đó là niềm khát khao cháy bỏng. Chưa bao giờ, người cha của hàng trăm đứa trẻ, lại thèm khát riêng cho mình một đứa con hơn lúc này. Nhiều khi, anh buột miệng nói như an ủi chính mình: “Nhìn vậy đấy, chứ kỹ năng chăm sóc, nuôi trẻ của mình ổn lắm đấy”. Tôi tin lời anh. Vì nếu anh không có những kỹ năng ấy, thì làm sao góp sức mình để xóa đi những bất hạnh thiếu vắng người thân của các bé bị bỏ rơi?
Ngoài niềm an ủi là được gặp những đứa trẻ ở trung tâm mỗi ngày, anh còn có thêm chỗ dựa tinh thần những lúc yếu mềm, là người vợ của mình. Thương vợ, thấu hiểu được cảm xúc thèm khát con cái của vợ, anh xin cho chị vào cùng làm ở trung tâm, cũng được gần một năm rồi. “Anh ấy muốn mình vào đây vì có các bé. Thú thật, ban đầu mình cũng không hình dung nổi công việc. Vào đây, rồi chăm sóc các bé, mình mới nhận ra rằng, mình yêu chúng quá” - vợ anh, chị Trần Thị Kim Dung (41 tuổi, quê ở xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành) nói. Đầy rẫy trên nhiều trang báo, những người phụ nữ khát con, khi biết chồng là nguyên nhân, đã chọn cách nuốt đắng để rời bỏ họ. Nhưng chị Dung thì không, chị cười: “Chẳng có gì là cổ tích hay huyền thoại đâu em ơi. Chỉ là yêu thương mà thôi. Chỉ có yêu thương thật sự mới là hạnh phúc. Chứ đừng lấy lý do không sinh con được mà này nọ. Tất nhiên, hai vợ chồng mà có con cái nữa, thì càng vui vẻ hạnh phúc…”.
Cứ thế, chị Dung say sưa nói về tình yêu với chồng mình, và của cả hai người với những đứa trẻ mồ côi. Còn tôi, tôi ngồi nhớ lại khuôn mặt của người đàn ông bên cửa sổ. Người đàn ông đã dành đời mình cho những thiên thần bị bỏ rơi. Người đàn ông vẫn đang đi tìm kiếm thiên thần riêng cho tổ ấm mình. Và trên hành trình ấy, không thể thiếu vắng bóng hình người vợ thủy chung…
XUÂN THỌ