Bà mẹ Kỳ Sanh

PHẠM THÔNG 21/04/2016 08:49

Tám Túc đang đánh bóng chuyền cùng đám choai choai trong làng, đột nhiên thấy mấy tốp lính súng ống lịch kịch từ phía đường 1 băng qua Hố Giang tiến thẳng lên thôn Tám, bao vây rừng Cấm - Tịnh Sơn. “Chết rồi! Chắc bị lộ”. Tám Túc vội chạy về gặp mẹ báo tin. Bà Phụng rỉ tai con trai: “Con cùng với chị Bảy Phú chạy kêu mấy đứa Mai, Kim, Vân, Trinh đến nhà gặp mẹ bàn việc. Phải thật khéo, lộ là chết cả nhà, cả đám đấy!”.

Tám chạy đi tìm ngay Lê Mai, Mai Kim - cơ sở hợp pháp. Sau mươi phút hai anh đã có mặt phía sau vườn nhà bà Phụng. Còn Bảy Phú đi tìm các anh Vân, anh Trinh nắm chức Trung đội trưởng, Trung đội phó dân vệ xã đang chỉ huy đám dân vệ phối hợp với bọn lính “sáu túi” vây hãm rừng Cấm. Hai anh lẻn rời đám lính đến gặp bà Phụng. Mấy người ngồi chụm đầu phía sau chái bếp, nghe bà Phụng “chỉ thị” từng lời:

- Giữa rừng Cấm có 25 cán bộ đang ẩn mình. Ta phải giải thoát họ ngay đêm nay. Trong khi cùng bọn lính hô hào siết chặt vòng vây chung quanh rừng Cấm để bắt cho được “Việt cộng”, đồng chí Vân và Trinh phải bố trí một khoảng hở độ một trăm mét - nơi con suối chảy men biên rừng Cấm. Hai đầu tiếp giáp khoảng hở phân công dân vệ là người của ta canh gác. Đây là lối thoát của các đồng chí ấy. Đồng chí Kim theo thằng Tám vào Thổ Miếu dẫn cán bộ thoát ra. Đồng chí Mai cảnh giới tại đầu mối đường thoát này. Con Bảy, con Út nấu cơm vắt, đưa ra bờ suối phát mỗi người một vắt ăn đường. Từ chiều đến giờ mấy ảnh chưa có hạt cơm nào trong bụng. Nhớ bỏ theo muối hầm nghe. Mọi việc theo phương án mà triển khai. Tùy tình huống phát sinh các đồng chí tự ứng phó. Tình hình vô cùng cấp bách. Nhất quyết phải vượt qua cái họa ngặt nghèo này.

Mấy người đàn ông lập tức lách mình vào đêm tối.

Rừng Cấm là nơi mấy tháng nay bà Phụng lấy làm “căn cứ” để đưa cán bộ theo đường núi vào Bình Định tập kết ra miền Bắc. Bởi, thời gian bàn giao địa bàn Quảng Nam cho quân đội Pháp theo Hiệp định Giơ-ne-vơ đã hết, đường thủy và đường bộ bọn lính chốt chặn dày đặc, không thể đi được nữa. Các đồng chí Mười Chấp, Ngô Độ xây dựng bà Phụng làm cơ sở chủ chốt, lập “trạm” thu nhận cán bộ tại đây.

Rừng Cấm còn gọi là rừng Mây, bởi rừng này toàn cây mây. Mây đan dày cả vùng hàng chục héc ta, bao bọc ngôi miếu hoang ở giữa, dân làng thường gọi là Thổ Miếu. Đây là nơi vô cùng linh thiêng, bao đời không ai dám đụng vào một nhành cây, sợi mây. Rừng quá rậm rạp, ông hùm hay về trú ngụ, không một ai dám lảng vảng nơi này, nhất là vào ban đêm. Bà Phụng cho Bảy Phú, Tám Túc và Út Đa - con bà, cắt lá mây che lều nấp dưới các lùm cây để có chỗ cho người đến tá túc đôi ba ngày. Theo lệnh bà, từ đây anh Mai, anh Kim, Tám Túc đưa họ tiếp tục đi vào Quảng Ngãi. Giao liên các nơi dẫn người tới, anh Mai, anh Kim, Tám Túc đón nơi hẹn để dẫn vào rừng Mây. Việc đưa cơm nước do Bảy Phú, Út Đa đảm trách. Nhà bà Phụng thuộc loại khá giả trong vùng. Lúa thu hoạch từ mấy chục sào ruộng đổ ra xay giã nấu cơm vài tháng nay, bồ, ví cũng sắp trống rỗng. Bà Phụng có bốn người con đi bộ đội Vệ quốc từ những năm đầu chống Pháp rồi từ đơn vị đi tập kết luôn ra Bắc. Quan hệ của bà với Việt Minh là quan hệ máu thịt. Cho dù nhà tan cửa nát, bà cũng quyết bảo vệ các đồng chí của con bà đến cùng.
Bà Phụng tổ chức đưa cán bộ đi trót lọt được 5 đợt. Đợt này, do một tay phản bội ở gần nhà mách báo cho bọn Quốc dân đảng ngóc đầu dậy mới ra nông nỗi này. Người ta nói đi đêm lâu ngày cũng gặp ma, bà Phụng cùng các anh em cơ sở và đám con cháu giữ bí mật gần như tuyệt đối. Nhưng ai ngờ cái thằng cha C. ở  xóm trở thành thằng chỉ điểm từ lúc nào rồi. Mấy bữa trước hắn bí mật rình mò còn bây giờ hắn đi loanh quanh làm bộ vô can, nhưng lại có những cử chỉ ngầm báo cho thằng chỉ huy lính “sáu túi” rằng, chắc chắn Việt cộng đang ở trong rừng Cấm.

Đêm ấy, bọn lính quốc gia, bọn dân vệ rọi đèn gió, đèn pin khua mõ, la ó vang trời. Chúng bắt loa kêu gọi các đồng chí của ta ra hàng để được chính thể quốc gia khoan hồng. Bọn chỉ huy còn hô hét đốt rừng Mây nhưng các anh Trinh, Vân cản: “Đây là rừng Cấm rất thiêng, nếu đốt là động cả làng. Không thể làm thế được”. Các anh còn nói thêm: “Ông C. nói vậy chứ chắc chi đã có Việt cộng. Đốt rừng Mây là báng bổ thần linh. Đã có người trong làng động đến rừng về thiệt thân ngay. Mình cứ vây chặt, bọn chúng không thể chạy thoát. Vây thế này đảm bảo con chồn, con chuột cũng không thoát nổi huống chi Việt cộng. Sáng mai ta bắt dân phát đường xông vào hốt gọn”.

Và cũng tại thời điểm này, Tám, Kim đang lách mình qua mắt bọn chúng lọt vào Thổ Miếu. Vân, Trinh căng đầu bố trí người mình canh gác theo sự chỉ đạo của bà Phụng sao cho thật khéo để bọn phản động không nghi ngờ. Ông Mai ẩn mình trong những bụi dứa rậm rạp ở bờ suối căng mắt căng tai nghe ngóng, quan sát từng cử chỉ của địch.

Trong Thổ Miếu các đồng chí của ta chuẩn bị tinh thần đối phó với giặc. Khi sa vào tay chúng thì nhất quyết không khai. Nếu có khai thì phải khai sao cho hợp lý, không ảnh hưởng đến bà con địa phương, ảnh hưởng đến cơ sở cách mạng tại chỗ. Đây là nơi mà tất cả họ đều lần đầu tiên đặt chân tới. Họ tới là do giao liên dẫn vào lúc nửa đêm. Bà Phụng là ai, chỗ này là đâu họ cũng mù tịt. Họ chỉ biết nơi đây có người dân, có đồng chí của họ che chở, đùm bọc. Tất cả họ đang chuẩn bị tinh thần đối mặt, đối khẩu với địch. Tức thật, trước đây năm tháng họ là những chiến sĩ kháng chiến có cả một vùng tự do rộng lớn từ Phú Yên ra tới bắc Quảng Nam, trên cả nước lực lượng Việt Minh đã vô cùng hùng mạnh. Thế mà bây giờ, ta chấp hành hiệp định đình chiến, tự giải giáp vũ khí, chuyển hình thức đấu tranh từ chính trị kết hợp vũ trang sang đấu tranh nghị trường tiến đến tổng tuyển cử. Nhưng bọn theo Pháp, theo Mỹ có chấp hành đâu. Chúng tha hồ bắn giết người kháng chiến cũ. Và ngay lúc này, 25 người trong rừng Mây - Tịnh Sơn trong tay không một tấc sắt, bị địch vây ráp. Cái hiệp định chi mà ngặt nghèo. Nhưng, tất cả phải chấp hành mệnh lệnh. Những người ra mệnh lệnh thì ở rất xa, làm sao thấy được cái cảnh này. Tư tưởng kiên quyết và dao động đan xen nhau, giằng xé tâm trạng của các đồng chí trong đêm tối mịt mùng, giữa chốn hoang vu. Tình hình thật căng thẳng, quá nửa đêm đột nhiên hai chàng thanh niên mới lớn Kim, Tám xuất hiện. Nhanh chóng, thật nhanh chóng, họ bấm nhau mỗi người giắt sau lưng vài cái lá mục, theo ánh lân tinh phát sáng bám lưng nhau vượt vòng vây giặc.

(Còn nữa)

PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bà mẹ Kỳ Sanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO