Bác sĩ Thu Hà với Bệnh xá Quế Sơn (Tiếp theo kỳ trước)

PHẠM THÔNG 10/09/2013 08:16

  • Bác sĩ Thu Hà với Bệnh xá Quế Sơn

Mức độ khốc liệt của cuộc chiến ngày càng tăng, bọn Mỹ lết thường xuyên phục kích các điểm nút ta thường vượt qua, anh em gùi cõng nặng nề khó đi lọt, buộc lòng bác sĩ Thu Hà cùng các đồng chí lãnh đạo bệnh xá phải nghĩ cách cứu thương bệnh binh khỏi cảnh đói cơm lạt muối. Chị cùng anh quản lý xuống các làng, lần đến từng nhà dân trụ bám ở Sơn Long, Sơn Thạch, Sơn Khánh... để vận động, thương lượng ghi mượn từng ang muối, ang đậu phụng; mua lại mắm cái của bà con. Nhiều lần thấy bệnh xá trước nguy cơ đói kiệt, lãnh đạo huyện Quế Sơn cho lệnh cấp lúa. Thu Hà dẫn anh em xuống làng nhờ cối, nhờ giần, sàng của đồng bào giã lúa, lấy gạo cõng về đơn vị. Nhờ đó mà cô thư sinh Hà Nội này cũng biết giã, giần, sàng gạo. Để tạo thêm nguồn lương thực thực phẩm, bác sĩ Thu Hà cùng các đồng chí trong đơn vị xuống làng mượn ruộng, hoặc khai hoang ở các hố, các hóc... trồng lúa, trồng sắn. Qua lao động sản xuất bác sĩ Thu Hà biết thêm việc cầm cuốc, cầm rựa. Cuộc chiến này buộc con người phải làm mọi thứ để duy trì sự sống.

Hoạt động của bệnh xá sôi động nhất là những tháng ngày chuẩn bị chiến dịch. Mỗi chiến dịch sắp được triển khai, lãnh đạo đơn vị nhận lệnh từ cấp trên, khẩn trương chỉ đạo chuẩn bị đủ cơ số thuốc, bông băng, lương thực thực phẩm; che thêm lán trại... đủ để phục vụ thương binh từ các tuyến chuyển về; có phương án tối ưu để bảo vệ hàng trăm thương binh khi địch tấn công. Thời gian cấp bách, sức vóc nhỏ nhoi của các cô y tá, nhân viên với phương tiện vận chuyển là vai, là chân, và dù chỉ có mười bảy mười tám con người nhưng các anh chị luôn hoàn thành nhiệm vụ. Từ miếng ăn đến viên thuốc, từ cáng thương, thực hiện các ca phẫu thuật, giặt băng, đến việc đốn củi, nấu ăn... phục vụ cho cả trăm thương bệnh binh các anh chị đều chu toàn.

Bệnh xá về trú chân tại Sơn Long được một thời gian ngắn thì Mỹ đổ quân chiếm đồi 500 và núi Bằng Thùng (đầu năm 1969), triển khai càn quét vùng Sơn Long. Bệnh xá với cả trăm thương bệnh binh bị địch vây hãm. Lần đầu tiên nằm giữa vòng vây của giặc, bác sĩ Thu Hà thiếu kinh nghiệm chiến trường, đồng chí Phan Như Lâm, người trợ thủ đắc lực của chị lại đang họp Huyện ủy mở rộng ở phía Hòn Tàu. Cả bệnh xá không biết chạy đi đâu khi mà tứ bề đều có địch. Bệnh xá đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt thì đồng chí Phan Như Lâm cùng với Xã đội trưởng Sơn Long về kịp. Bác sĩ Thu Hà mừng đến rơi nước mắt. Bởi lúc này chỉ có đồng chí Xã đội trưởng là người bản địa, thông thạo địa hình mới có thể cứu nguy cho hàng trăm thương bệnh binh và cán bộ nhân viên bệnh xá. Theo sự hướng dẫn của đồng chí Xã đội trưởng Sơn Long, bác sĩ Thu Hà cùng đồng chí Phan Như Lâm cấp tốc triển khai di chuyển đơn vị. Trong đêm tối, cán bộ, y bác sĩ bệnh xá cùng cả trăm thương bệnh binh bám víu nhau lách đường rừng, vượt vòng vây giặc lần đến các hang đá dưới chân Bằng Thùng ẩn nấp. Trời vừa sáng, địch ập ngay vào bệnh xá, tro ở bếp Hoàng Cầm còn ấm nhưng không tìm thấy bóng dáng ai. Bọn lính Mỹ hùng hổ bắn phá, lùng sục khắp các vùng lân cận. Nhưng Chính trị viên Phan Như Lâm, y tá Tuấn trước đó đã mưu trí ngụy trang đánh lạc hướng nên bọn địch không thể lần theo được dấu vết. Sau đợt giải nguy đó, Huyện ủy điều đồng chí Phan Như Lâm đi nhận công tác khác và đề bạt anh Hợi lên thay thế. Bác sĩ Thu Hà qua cuộc sóng gió ấy cũng đã rút ra được nhiều bài học xương máu để đối phó với những tình huống gay cấn liên tiếp sau này.

Một trận càn khác nữa đã để lại trong bác sĩ Thu Hà nỗi ám ảnh không nguôi. Đầu năm 1972, vào một buổi sáng tinh mơ, địch đã vượt qua các xã Sơn Lãnh, Sơn Long, Sơn Thạch...  tiến thẳng theo hướng Bằng Thùng. Đây là thứ quân vừa đôn lên mặt còn non choẹt, rất ngu ngơ, bị bọn chỉ huy thúc tiến, la ó, gọi nhau om sòm khắp núi rừng. Tàu rọ, tàu gáo quần sát rạt yểm trợ cho bọn chúng tiến quân. Hôm ấy anh em nhân viên bệnh xá đi gùi cõng, chỉ còn lại ở nhà 7 người mà số thương bệnh binh lại có đến 162 người. May được nguồn tin từ cơ sở nội tuyến, Huyện ủy Quế Sơn biết kế hoạch của địch nên phát lệnh chống càn sớm. Bác sĩ Thu Hà cùng Chính trị viên Thanh từ nửa đêm đã cho các y tá tiến hành rửa vết thương, tập trung cho thương bệnh binh ăn sớm rồi nhanh chóng đưa đi sơ tán vào các hang đá phía núi cao hơn, cách bệnh xá độ 45 phút đường bộ. Số anh chị em bị thương nặng không đi được xa thì đưa xuống hang đá gần khu vực bệnh xá. Duy chỉ có chị Xuân du kích bị chấn thương cột sống cần phải cố định, các anh chị đẩy băng ca giấu chị trong bụi rậm. Bộ phận chị nuôi gùi theo ít gạo, thực phẩm và hai chiếc nồi. Bộ phận dược chỉ mang theo cơ số thuốc cần thiết. Còn tất cả, đành phải để lại ở những nơi kín đáo. Đồ đạc tư trang của anh chị em cán bộ, nhân viên bệnh xá cũng dồn lại trong 7 ba lô cất giấu. Mỗi người chỉ mang theo những thứ thật cần thiết như võng, bi đông, hăng gô nấu cơm.
Đang mải miết với những công việc chỉ đạo đơn vị trong thời khắc cấp bách, đột nhiên bác sĩ Thu Hà nghe tiếng tàu gáo quần sát khu vực bệnh xá, rồi nghe như có tiếng thùng thiếc va chạm vào nhau. Chị gọi lớn: “Nguyệt ơi! Em cho heo ăn chưa, để đói chúng nó đi sục sạo đấy”. Vừa dứt tiếng, chị liền nghe quát lớn: “VC!”. Thu Hà vọt nhanh về phía miệng hang, lách xuống, lọt vào ngách. Trong lúc lóng ngóng, chiếc dép su của chị tụt văng gần miệng hang.

Địch rượt theo tiếng động. Chúng phát hiện dép su, liền vây miệng hầm, gọi loa chiêu hồi. Dưới hang đá còn có 5 thương binh. Chị lệnh cho các đồng chí bò sâu vào các ngách, còn mình ngồi ngoài cùng nhưng cũng vừa đủ độ an toàn. Tiếng loa phát liên tục, bỗng im bặt. Chị nghe tiếng bung chốt lựu đạn, tiếp đến là tiếng nổ chát chói liên hồi. Rồi lại vang lên tiếng loa chiêu hồi. Cứ như thế, ba lần ném lựu đạn, ba lần kêu gọi, rồi dứt hẳn. Không một mảnh lựu đạn nào sát thương các anh chị. Mọi người vẫn nằm lỳ dưới hang, không vội thoát lên. Nếu địch mò vào hang thì tất cả liều chết với chúng. Bác sĩ Thu Hà cũng đã xác định: “Không bao giờ chịu để rơi vào tay giặc”. Mãi hơn một tiếng đồng hồ im ắng, chị nhận định: “Có lẽ địch tưởng diệt sạch VC trong hang rồi nên đã bỏ đi”. Chúng có ngờ đâu hang đá rất sâu và ngoằn ngoèo, những bức vách đá gấp khúc đã cản bớt tiếng dội, sức ép và mảnh lựu đạn.

(Còn nữa)

PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bác sĩ Thu Hà với Bệnh xá Quế Sơn (Tiếp theo kỳ trước)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO