Bắc Trà My siết hoạt động các xưởng cưa

PHAN VINH - HÀN GIANG 26/08/2019 10:38

Việc tồn tại các xưởng cưa gỗ tự phát ở bìa rừng có nhiều khả năng đã “tiếp tay” cho hoạt động khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn thời gian qua, UBND huyện Bắc Trà My đang chỉ đạo các ban ngành tăng cường rà soát, kiểm tra nhằm chấn chỉnh, quản lý chặt tình trạng này.

Lực lượng liên ngành huyện Bắc Trà My kiểm tra hiện trường một xưởng cưa xẻ gỗ trên địa bàn xã Trà Kót sáng 23.8.2019. Ảnh: VINH GIANG
Lực lượng liên ngành huyện Bắc Trà My kiểm tra hiện trường một xưởng cưa xẻ gỗ trên địa bàn xã Trà Kót sáng 23.8.2019. Ảnh: VINH GIANG

Khó quản lý

Năm 2017, sau khi học nghề ở dưới xuôi, anh Nguyễn Hồng Phương (SN 1990, thôn 2, xã Trà Kót) về mở xưởng cưa xẻ gỗ trong vườn nhà. Mới đây, đoàn công tác liên ngành của UBND huyện Bắc Trà My gồm lực lượng kiểm lâm, công an và các phòng ban liên quan của huyện tổ chức đi khảo sát, kiểm tra xưởng cưa, xẻ gỗ trên địa bàn xã Trà Kót. Làm việc với đoàn kiểm tra, anh Phương không cung cấp được loại giấy tờ pháp lý nào về hoạt động kinh doanh - dịch vụ liên quan đến lâm sản của mình. Ngoài ra, số gỗ hiện có tại xưởng cưa của anh Phương cũng không có nguồn gốc rõ ràng mà chỉ qua lời báo cáo của anh: “Tôi mở xưởng cưa này chủ yếu phục vụ cho người dân địa phương, làm đồ gia đình, đòn tay xây nhà. Nguyên liệu gỗ phần lớn do người dân cung cấp đến xưởng để tôi gia công. Thỉnh thoảng tại địa phương có ai bán cây vườn, tôi cũng mua về để dự trữ và làm theo đơn đặt hàng của người dân”.

Ông Huỳnh Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND xã Trà Kót cho biết, trên địa bàn xã hiện có 3 xưởng cưa xẻ gỗ đều không có giấy phép hoạt động. Địa phương không rõ nguồn gốc nguyên liệu gỗ đầu vào của các xưởng này. Việc quản lý gặp nhiều khó khăn do người ngoài địa phương mở hoặc để người địa phương đứng tên; đồng thời địa điểm của các cơ sở này nằm phân tán, tự phát, năng suất hoạt động không cao. “Các cơ sở cưa xẻ gỗ này đều nằm ở những vị trí thuận lợi cho việc di chuyển lâm sản và sản phẩm lâm sản gia công. Các cơ sở này nằm trên địa bàn xã nhưng lại hoạt động không phép là điều rất vô lý, cần phải sớm chấn chỉnh, nếu không sẽ tạo điều kiện “tiếp tay” cho hoạt động khai thác lâm sản trái phép hợp thức hóa gỗ không có nguồn gốc để chở về dưới xuôi. UBND xã Trà Kót đề nghị các ban ngành đủ thẩm quyền kiểm tra, rà soát và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đủ giấy phép hoặc có sai phạm” - ông Chiến nói.

Xử lý mạnh tay

Liên quan đến vụ việc khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 5, tiểu khu 781 (thôn 1, xã Trà Kót) xảy ra mới đây, ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định, vụ việc đang được các cơ quan chức năng huyện điều tra làm rõ, củng cố hồ sơ nhằm xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Công an huyện đã tiến hành khởi tố 3 đối tượng có liên quan đến vụ phá rừng này.

Đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ rừng 6 tháng đầu năm 2019, UBND huyện Bắc Trà My cho biết, qua kiểm tra 27 xưởng cưa xẻ, chế biến lâm sản, chỉ 14 cơ sở có giấy phép kinh doanh, còn 13 cơ sở hoạt động không phép. Từ những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương, nhất là khi xảy ra nhiều vụ phá rừng gần đây trên địa bàn, lãnh đạo huyện Bắc Trà My chỉ đạo ngành chức năng phối hợp triển khai các giải pháp để làm tốt hơn; trong đó, đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 20.12.2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động cưa xẻ, chế biến gỗ trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo này, Đội Kiểm tra - kiểm soát lâm sản liên ngành huyện Bắc Trà My đang triển khai kế hoạch kiểm tra các cơ sở gia công, mua bán, chế biến lâm sản tại những địa phương chưa thực hiện kiểm tra. Còn đối với các cơ sở gia công, mua bán, chế biến lâm sản đã kiểm tra nhưng chưa đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa chát, bảo vệ môi trường, an toàn lao động thì tiến hành tạm đình chỉ hoạt động, yêu cầu bổ sung các điều kiện liên quan. Nếu phát hiện các cơ sở vi phạm về nguồn xuất xứ gỗ thì đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh, cũng như tiến hành rà soát các hộ có hoạt động gia công, mua bán, chế biến lâm sản để giao các địa phương kiểm tra, quản lý, báo cáo tình hình.

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, UBND huyện cũng đã giao Phòng Tài nguyên - môi trường tham mưu ban hành chỉ thị thực hiện công tác quản lý tài nguyên lâm khoáng sản trên địa bàn. Trong đó, phân rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan; thực hiện kiểm tra, rà soát, tham mưu tạm đình chỉ hoạt động để yêu cầu bổ sung các điều kiện cần thiết đối với các cơ sở vi phạm về điều kiện bảo vệ môi trường. Phòng NN&PTNT huyện cũng được giao rà soát quy hoạch, tham mưu xây dựng phương án di dời, sắp xếp các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ nằm trong lâm phận Ban quản lý rừng tự nhiên. “Quan điểm của huyện là phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh tay với những cơ sở, xưởng gia công gỗ hoạt động không phép trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở nằm ở khu vực giáp ranh với bìa rừng. Bởi vì, chẳng có lý do gì ở một địa bàn vùng cao với mật độ dân số thấp, mức sống không cao lại có đến gần hàng chục xưởng cưa, cơ sở chế biến gỗ, trong khi nhu cầu của người dân chắc hẳn sẽ không nhiều đến mức đó. Chúng tôi chỉ đạo phải quản lý chặt hơn hoạt động của các cơ sở này, nhất là giám sát nguồn gốc, xuất xứ nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào” - ông Vũ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bắc Trà My siết hoạt động các xưởng cưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO