(QNO) - “Tôi viết cuốn sách Kinh tế Nhật Bản - giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 này để cung cấp một tham khảo cho những bàn luận về mục tiêu năm 2045. Những đặc điểm cơ bản về cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay như tỷ trọng của kinh tế cá thể, của doanh nghiệp nhỏ và vừa… rất giống với Nhật Bản vào giữa thập niên 1950, khi Nhật bắt đầu giai đoạn phát triển thần kỳ".
Dĩ nhiên bối cảnh quốc tế và nhiều điều kiện khởi đầu của Nhật 50-60 năm trước không giống Việt Nam ngày nay nhưng có thể nói những yếu tố cơ bản làm nên sự thành công của phát triển kinh tế thì phổ quát trong mọi thời đại”.
Ngay từ phần “Lời nói đầu” của cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản - giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973” (NXB Đà Nẵng và Phanbook liên kết xuất bản - 2022), GS.Trần Văn Thọ viết như vậy, để khẳng định mục đích cũng như tâm huyết của mình về một tác phẩm mà ông dày công biên soạn, để đưa ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển của đất nước Nhật Bản. Đó không chỉ là những bài học từ sự thành công rực rỡ, mà cả những thất bại, được thể hiện trong phụ chương 2 “Tại sao kinh tế Nhật suy thoái từ năm 1990?”.
Về thành công của phát triển, ngay từ chương Tổng luận mang tiêu đề “Nhật Bản theo kịp Tây phương: Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội”, GS.Trần Văn Thọ chỉ rõ hai khái niệm mang tính cơ bản và có ý nghĩa nhất, để vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả vào phát triển ở các nước. Tác giả giải thích cụ thể về khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển, nhưng tựu trung “Nhà nước kiến tạo phát triển hay nhà nước theo chủ nghĩa phát triển là nhà nước lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm ưu tiên hàng đầu, từ đó đưa ra mục tiêu phát triển làm cho dân giàu nước mạnh, và tạo các cơ chế động viên, thúc đẩy các nguồn lực để đạt mục tiêu”. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra 10 điểm quan trọng trong khái niệm “nhà nước kiến tạo phát triển” của Nhật Bản trong giai đoạn phát triển thần kỳ; trong đó đáng chú ý là điểm thứ nhất “tinh thần trách nhiệm, nhãn quan bén nhạy của lãnh đạo chính trị đối với lợi ích của dân tộc và ước vọng dân chúng đã cổ cũ toàn dân hướng vào mục tiêu do nhà nước đưa ra”.
Cùng với “nhà nước kiến tạo phát triển”, GS.Trần Văn Thọ nhấn mạnh khái niệm “năng lực xã hội” (social capability). Theo đó, “năng lực xã hội là năng lực và tố chất của những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố cấu thành phải có những tố chất để thúc đẩy kinh tế phát triển.”
Điều thú vị và hấp dẫn làm nên chất lượng nội dung của cuốn sách, đó là dung lượng kiến thức sâu rộng về phát triển kinh tế được lồng ghép với những vấn đề chính trị, xã hội... Đồng thời, những ví dụ cho mỗi vấn đề được tác giả chọn lọc, mang tính tiêu biểu nhưng cụ thể, dễ cho người đọc hình dung.
Như nói về “đêm trước” của sự phát triển thần kỳ Nhật Bản sau khi chịu nỗi nhục bại trận, đầu hàng và chịu sự thống trị của nước ngoài sau Thế chiến II, tác giả cho rằng: “Đêm trước đó có thể hình dung bằng một câu ngắn: người dân tin tưởng và tương lai của đất nước, ai cũng mơ về một ngày mai tươi sáng và thấy có trách nhiệm để làm giấc mơ trở thành hiện thực. Không khí nói chung là như vậy nhưng ai là người dẫn dắt dư luận để tạo ra niềm tin và thổi vào tâm hồn người dân giấc mơ đó? Đó là lãnh đạo chính trị, là trí thức, là lãnh đạo doanh nghiệp. Với tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm cao, họ kết tập trí tuệ của mọi tầng lớp để làm cho Nhật khắc phục sự hoang tàn đổ nát sau Thế chiến II, khắc phục sự tủi nhục do phải chịu sự cai trị của quân đội Mỹ (đến năm 1951) và vươn lên địa vị của một đất nước thượng đẳng”.
Tác giả có những so sánh trực tiếp như “trong giai đoạn phát triển còn ở mức thấp hoặc trung bình, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) rất quan trọng nhưng tại Việt Nam và nhiều nước đang phát triển ngày nay, SMEs thường khó tiếp cận với vốn vì nhiều rào cản về thông tin, về quản lý hành chính, và vì ngân hàng có khuynh hướng ưu đãi doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp lớn”; hoặc “theo tôi, ở Việt Nam cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc. Lãnh đạo doanh nghiệp của một nước còn ở giai đoạn phát triển thấp phải có tinh thần dân tộc đất nước mới phát triển”…
Hoặc, tác giả đúc kết những vấn đề ở Nhật Bản để gợi mở những suy nghĩ như “Đạo đức ở đây là sự chí công vô tư, sự thanh liêm và tinh thần trách nhiệm, những đức tính cần thiết của một quan chức nhà nước (…). Nhìn chung, quan chức nhà nước của Nhật Bản có đủ những phẩm chất đạo đức cần thiết nói trên. Nhưng theo tôi, trừ một số giai đoạn đặc biệt trong lịch sử, những phẩm chất đạo đức này không phải bẩm sinh, mà phần lớn được nuôi dưỡng, phát huy bằng những cơ chế, những phương pháp quản lý hành chính…”; hay “Cần nói thêm là số người học lên bậc sau đại học hầu hết là người sẽ dạy ở đại học hoặc làm ở các viện nghiên cứu, kể cả các viện ở các công ty lớn. Trong giới quan chức và lãnh đạo chính trị, người có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ chỉ là ngoại lệ và không được xem như điều kiện để tuyển dụng hay đề bạt”; hoặc bài học về sự sụp đổ kinh tế Nhật Bản sau năm 1990 “nền kinh tế bong bóng được định nghĩa là giá các tài sản (asset) như chứng khoán, đất đai, vàng tăng vọt, vượt xa giá trị thực và các điều kiện của nền kinh tế (như sản xuất, năng suất, giá hàng tiêu thụ)”…
Là một người con đất Quảng Nam, có hơn nửa thế kỷ học tập, nghiên cứu và giảng dạy tại đất nước "mặt trời mọc", GS.Trần Văn Thọ không chỉ trực tiếp tham gia Tổ tư vấn kinh tế của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Nguyễn Xuân Phúc…, mà còn viết nhiều cuốn sách, bài báo… xuất bản trong nước; từ đó đóng góp kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho phát triển kinh tế nói riêng và đất nước, dân tộc Việt Nam nói chung. Điều đó như là bảo chứng quan trọng cho những vấn đề được GS.Trần Văn Thọ đặt ra trong cuốn sách mới nhất của mình.