Bài học quý từ tân học ở Quảng Nam

ANH QUÂN 13/03/2023 07:50

“Tân học trong phong trào Duy tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX” của tác giả Phan Xuân Quang (NXB Đà Nẵng) đúc rút nhiều bài học quý một cách hệ thống và khoa học, nhiều bài học vẫn còn ý nghĩa cho đến ngày nay.

Bìa tập sách “Tân học trong phong trào Duy tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX”.
Bìa tập sách “Tân học trong phong trào Duy tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX”.

Trong lời dẫn nhập cuốn sách “Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX” (NXB Đà Nẵng), PGS-TS. Ngô Văn Minh nêu khái quát về 2 phong trào lớn khởi phát ở Quảng Nam đầu thế kỷ 20.

Trong đó, “khai dân trí” trong “Tam dân” của phong trào Duy tân tập trung đề xướng và cổ vũ tân học, bài xích cựu học. Phong trào này tuy tồn tại thời gian ngắn nhưng có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa ra cả nước, thúc đẩy truyền bá chữ Quốc ngữ, đưa đến thực hiện sắc lệnh bắt buộc học chữ Quốc ngữ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, tháng 9/1945.

Mặc dù có sức ảnh hưởng lớn như vậy, nhưng trong lời nói đầu cuốn sách “Tân học trong phong trào Duy tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX” (NXB Đà Nẵng, tháng 11/2022), tác giả Phan Xuân Quang nêu vấn đề: “Cho đến nay, chưa có sách, bài viết nào đề cập đến tân học trong phong trào Duy tân ở Quảng Nam một cách có hệ thống và toàn diện. Nội dung chủ yếu của các sách, bài viết đó tập trung vào quan điểm tân học trong mối quan hệ chung với phong trào Duy tân và cũng phản ánh một số khía cạnh, hoặc một số chí sĩ yêu nước với mức độ đóng góp, ảnh hưởng khác nhau…”.

Phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh phát động kéo dài từ năm 1906 - 1908. Trong ảnh: Chí sĩ Phan Châu Trinh. Ảnh: Tư liệu
Phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh phát động kéo dài từ năm 1906 - 1908. Trong ảnh: Chí sĩ Phan Châu Trinh. Ảnh: Tư liệu

Trên tinh thần đó, tác giả Phan Xuân Quang tập trung vào việc tạo nên một chuỗi mắt xích từ sự kiện đến nhân vật, từ sự hình thành khái niệm đến việc tổ chức thực hành… Từ đó làm cho người đọc có cái nhìn xuyên suốt về tân học trong phong trào Duy tân và tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó trong tiến trình lịch sử - văn hóa của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

PGS-TS. Ngô Văn Minh trong lời giới thiệu cuốn sách này, nhìn nhận: “Rất đáng hoan nghênh Phan Xuân Quang khi anh chọn hướng nghiên cứu này. Và anh đã chọn vấn đề tân học, bởi như anh nhận định tân học là một trong những lĩnh vực thành công nhất của phong trào Duy tân và khi nói đến phong trào Duy tân phải nói đến tân học.

Quảng Nam là nơi khởi phát phong trào Duy tân, có trường tân học đầu tiên của phong trào Duy tân cả nước với những nét đặc sắc ngay từ ban đầu. Vậy thì anh chọn tân học trong phong trào Duy tân ở Quảng Nam để viết thành một cuốn sách là có một cách tiếp cận sâu, rất riêng của anh”.

Chính vì vậy, có thể nói, với 20 đề mục, tác giả Phan Xuân Quang dẫn dắt người đọc đi từ “Tân thư và đường hướng cứu nước mới”, “Bộ ba Duy tân ở Quảng Nam” đến “Buổi đầu vận động Duy tân”, giải nghĩa “Vì sao phải tân học?” và “Vượt khó mở trường” đến “Tổ chức và quản lý”, “Học theo lối mới”…

Đồng thời làm rõ mối liên hệ và tầm ảnh hưởng “Tân học ở Quảng Nam với tân học trong cả nước”, “Sự lo lắng của thực dân Pháp và Nam triều” dẫn đến “Trường học bị đập phá, thầy giáo bị giam cầm, sát hại”.

Tác giả cũng chỉ ra sự tiếp nối của “Những trường tân học mới”, để từ đó các thế hệ “Tiếp tục theo đuổi hoài bão tân học”. Ở mỗi đề mục đó, tác giả lồng ghép một cách rất tự nhiên nhưng khoa học về sự xuất hiện, diễn biến của những sự kiện, vai trò của từng nhân vật lịch sử… gắn bó mật thiết với tân học nói riêng và phong trào Duy tân nói chung.

Không chỉ khái quát quá trình ra đời và thực hành tân học, mà qua đó, tác giả Phan Xuân Quang đúc rút những bài học sâu sắc, mang dấn ấn chung từ quá trình này, để vận dụng vào đời sống hiện nay.

Phan Xuân Quang nhìn nhận: “… Qua tân học đầu thế kỷ 20 cho thấy dưới bất kỳ thời kỳ nào cũng cần phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần học tập của người dân, xây dựng một xã hội ai cũng được đi học và muốn được đi học; luôn đổi mới nội dung và phương pháp dạy và học, học cái cần học, học phải đi đối với hành, học phải gắn với thực tiễn. (…)

Bài học lớn nhất từ tân học trong phong trào Duy tân nói chung, tân học ở Quảng Nam nói riêng để lại có giá trị cho đến ngày nay chính là Dân trí. Có tri thức, nhân dân mới tiếp thu được cái mới, mới hiểu được về quyền và nghĩa vụ của mình, mới đủ cơ sở và niềm tin kỳ vọng đất nước phát triển…”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài học quý từ tân học ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO