Bài học từ mưa lũ

THÀNH CÔNG 17/11/2017 08:39

Sự chủ động trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với tình hình mưa lũ lớn, phức tạp sau bão số 12 vừa qua đã góp phần giảm thiểu thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, những diễn biến khó lường của thiên tai, cùng với tình hình sạt lở diễn ra nghiêm trọng ở mức chưa từng có tại miền núi đã và đang tiếp tục đặt ra nhiều bài học cần nhìn nhận.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các địa phương tiếp tục phát huy tính chủ động trong ứng phó với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các địa phương tiếp tục phát huy tính chủ động trong ứng phó với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai trong thời gian tới.

Phát huy “4 tại chỗ”

Tại cuộc họp trực tuyến rút kinh nghiệm phòng chống lũ lụt, khắc phục thiên tai do ảnh hưởng của cơn bão số 12 được UBND tỉnh tổ chức vào sáng qua, nhiều địa phương đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Trong tình hình mới, công tác chủ động các biện pháp ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại. Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, sau lũ, quốc lộ lên trung tâm huyện bị ách tắc, đường giao thông từ trung tâm huyện đi các xã và từ xã về thôn đều bị chia cắt. Nhiều nơi còn không thể đi bộ qua điểm sạt lở. Nhờ phát huy “4 tại chỗ”, dù bị cô lập song các địa phương đã chủ động được lương thực, không để dân bị đói. Trường học, các thôn đều có gạo dự trữ. Ngoài ra, lượng hàng hóa, thực phẩm vẫn đủ cung cấp cho dân trong điều kiện giao thông chia cắt hoàn toàn. Ngoài ra, nhờ sự chủ động trong công tác dự báo, UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời đã giúp cho địa phương nắm bắt tình hình, người dân cũng tự phòng chống mưa lũ, bảo vệ tính mạng và tài sản. Công tác chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện kịp thời tiếp ứng, di dời nhân dân đã giải cứu cho hơn 500 nhân mạng của hơn 140 hộ trong vùng nguy hiểm. “Đây là đợt mưa lớn bất thường nhất từ trước đến nay. Nhờ chủ động tại chỗ, con số thiệt hại về người và của ở Nam Trà My đã được giảm thiểu” - ông Bửu nhấn mạnh.

Việc vận hành tốt hệ thống hồ chứa, điều tiết đúng quy trình đã góp phần rất lớn giảm lũ cho hạ du trong đợt mưa lũ vừa qua. TRONG ẢNH: Tập trung khắc phục hậu quả sau khi lũ rút ở TP.Hội An.
Việc vận hành tốt hệ thống hồ chứa, điều tiết đúng quy trình đã góp phần rất lớn giảm lũ cho hạ du trong đợt mưa lũ vừa qua. TRONG ẢNH: Tập trung khắc phục hậu quả sau khi lũ rút ở TP.Hội An.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện Bắc Trà My cũng là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My chia sẻ, nếu không nắm chắc tình hình, kiên quyết di dời dân, thiệt hại ở địa phương có thể ở mức “thảm họa”. “Dự báo chính xác về tình hình khí tượng thủy văn, chỉ đạo gấp rút của UBND tỉnh là cơ sở để huyện triển khai ứng phó trong tình huống cấp bách. Chúng tôi một mặt nắm chắc “biểu đồ” vùng có nguy cơ, rà soát vùng trọng yếu, một mặt tính toán, xác định tính bức thiết của từng vùng để kiên quyết di dời dân. Địa điểm di dời cho từng nhóm hộ, từng thôn, cách thức ăn ở, lương thực thực phẩm… được dự lường kỹ lưỡng. Chính quyền cơ sở đã giữ vững thông tin liên lạc, chấp hành chỉ đạo, từ đó cương quyết di dời, thậm chí đã cưỡng chế di dời trong trường hợp khẩn cấp ở xã Trà Bui. “Tại chỗ” là yếu tố hàng đầu. Nếu chần chừ, hoặc chậm chân một chút thôi, Bắc Trà My chắc chắn đã xảy ra thảm họa” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Tình trạng cô lập ở đồng bằng và cả miền núi đã minh chứng cho sự cần thiết của lực lượng tại chỗ trong ứng phó lụt bão. Các địa phương chủ động tính toán, huy động lực lượng, chi viện trong điều kiện cấp bách đã phát huy hiệu quả tốt. Ông Hồ Quang Bửu thông tin, khi tuyến đường huyết mạch bị chia cắt vì sạt lở, UBND huyện Nam Trà My đã phối hợp nhịp nhàng với chính quyền huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), từ đó đã hỗ trợ lực lượng, lương thực thực phẩm cho bà con Trà Vân trong điều kiện phải di dời khẩn cấp.

Điều chỉnh kịch bản ứng phó

Mưa lũ gây thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, mưa lũ đã làm 36 người chết, 1 người mất tích và 34 người bị thương. Toàn tỉnh có 119 nhà bị thiệt hại nặng (hơn 70%) và gần 300 nhà bị hư hỏng. Hơn 280 trường học bị ngập nước, 97 phòng học và nhiều trang thiết bị, hóa chất bị hư hỏng; 55 cơ sở y tế bị ngập nước, hư hỏng một số thiết bị; tràn xả lũ hồ chứa Nước Rôn (huyện Bắc Trà My) bị sạt lở, 46 đập thời vụ bị cuốn trôi và hơn 54.000m kênh mương hư hại; 1.100m bờ biển Cửa Đại và 500m bờ biển Cửa Lở cùng 6.400m bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Mưa lớn cũng làm sạt lở 42 vị trí trên các tuyến quốc lộ với tổng khối lượng khoảng 900.000m3. Về sản xuất, hơn 2.000ha hoa màu bị thiệt hại, gần 3.000ha cây trồng ngã đổ, hơn 3.700 gia súc, 255.000 gia cầm bị nước cuốn trôi. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng.

“Chưa có đợt nào sạt lở khủng khiếp như vậy” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhận định tại cuộc họp. Thiệt hại quá lớn về con người, tài sản ở các huyện miền núi trong đợt mưa lũ vừa qua là một sự cố đặc biệt nghiêm trọng, yêu cầu các địa phương cần rút kinh nghiệm, thậm chí phải điều chỉnh kịch bản ứng phó với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. “Tỉnh đã có phương án sắp xếp di dời dân, phương án phòng chống thiên tai gắn với từng cấp độ rủi ro. Tuy nhiên nhiều địa phương chưa hình dung hết mức độ rủi ro của thiên tai, cần nghiêm túc nhìn nhận lại. Tỉnh đã bố trí kinh phí di dời sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, nhưng chỉ có Nam Trà My thực hiện được, các địa phương khác mới chỉ lập phương án, khảo sát địa điểm, tiến độ rất chậm. Biến đổi khí hậu gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đang đặt ra yêu cầu bức thiết về việc di dời dân, nhất là miền núi. Dựa trên kinh nghiệm của người dân, chính quyền cần phối hợp tính toán khoa học, tìm các điểm tái định cư phù hợp. Đặc biệt, ở một số khu vực có nguy cơ sạt lở cao, cần có phương án diễn tập để không lúng túng khi xảy ra sự cố” - ông Lê Trí Thanh chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, việc dự báo sớm và chính xác tình hình mưa lũ, công tác chủ động phòng tránh tương đối tốt từ tỉnh, địa phương và cả nhân dân đã góp phần rất lớn trong ứng phó với mưa lũ vừa qua. Ngoài ra, sự vận hành nhịp nhàng, đúng quy trình của các hồ chứa theo chỉ đạo trực tiếp từ UBND tỉnh; thông tin liên lạc đảm bảo, chính thống giúp ổn định tư tưởng cho nhân dân... “Các đơn vị quản lý điện, viễn thông, thủy lợi, thủy điện; các doanh nghiệp, lực lượng quân đội, công an, biên phòng đều đã tích cực trong công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại trước, trong và sau đợt mưa lũ. Nhờ nhận định tình hình tốt, sự phối hợp giữa chủ hồ và ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng các địa phương đã giải quyết giảm lũ, cắt lũ cho hạ du thông qua các hồ chứa thủy điện. Ước tính trong 6 ngày xảy ra mưa lũ, nước về 4 hồ chứa thủy điện lớn nhất của tỉnh hơn 2 tỷ mét khối, song các hồ chứa chỉ đưa về hạ du xấp xỉ 1,5 tỷ mét khối. Việc đưa nước về hạ lưu kịp thời khi nước lũ còn thấp và giảm xả nước khi lũ dâng đã giảm lũ cho hạ du rất rõ ràng, nếu không mực lũ có thể vượt năm 1999, thiệt hại sẽ rất lớn” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương hoàn thiện giải pháp thông tin, ứng phó và di dời dân; khắc phục một số điểm thiếu chủ động trong kịch bản ứng phó với mưa lũ; huy động các nhà mạng tham gia việc thông tin tình hình thời tiết cho người dân chủ động ứng phó; tăng cường sự cơ động của các lực lượng trong tình huống thiên tai tương tự…

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài học từ mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO