Tôi về nhà, đã thấy cô bé con anh hàng xóm chờ sẵn với chiếc điện thoại trên tay. Cô bé đang học THPT, sau lời chào là nói luôn “con qua đây xin phép được phỏng vấn chú”. Tôi thầm ngạc nhiên khi nghe cô bé trình bày rằng nhóm học sinh mà mình tham gia đang học ngoài giờ bằng cách cùng tìm hiểu một vấn đề nào đó về thế giới xung quanh.
Mỗi thành viên có thể tự tìm hiểu qua sách báo, internet và đặt câu hỏi phỏng vấn một số người, sau đó gộp lại, bàn thảo và đưa ra nhận định chung, rồi cùng trình bày nhận định đó bằng hình thức trực quan để cùng nhau học mà chơi. Nhóm đang tìm hiểu chủ đề về tự nhiên - môi trường, và câu hỏi đặt ra cho tôi là “trình độ khoa học kỹ thuật đang phát triển vượt bậc, nhưng tại sao môi trường tự nhiên đang xuống cấp trầm trọng, thậm chí ở một số nơi không có giải pháp khắc phục?”.
Thật thú vị, ở lứa tuổi phổ thông như cô bé đã biết “lo lắng” cho tự nhiên với phương pháp học hỏi tiến bộ, sinh động như vậy. Bài học về thiên nhiên, thú thực tôi đang luống cuống vì không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tôi đã nói với cô bé một chút hiểu biết về tự nhiên - môi trường chủ yếu theo quan sát của riêng mình. Con người - ở góc độ như tôi, ngày ngày vẫn “nỗ lực” xâm hại thiên nhiên cho nhu cầu bản thân, rồi loay hoay tìm cách khắc phục hậu quả bằng cả công sức và tiền bạc (dù có thể chi phí không đáng kể, được nộp trực tiếp hay thông qua các loại thuế phí). Tiểu tiết này cho thấy tôi phải chịu trách nhiệm về việc đã làm tổn hại tài nguyên thiên nhiên, dù gián tiếp hay trực tiếp. Bài học về thiên nhiên của tôi, dù có thể sinh động bởi đến từ thực tế cuộc sống, nhưng đâu có mấy ý nghĩa khi hành vi sống của tôi không thay đổi.
Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người hay nghĩ ngợi về trách nhiệm của mình với Mẹ thiên nhiên. Nhiều người thốt lên, thế giới mới chỉ “ngưng đọng” được một chút vì dịch giã, Trái đất như khỏe ra, bầu trời ở nhiều nơi trong xanh hơn. Nhưng không thể ngưng tụ vậy mãi, bởi con người, với nhu cầu vô biên của bản năng, sẽ phải tiếp tục khai phá không ngừng nghỉ, dù có thể tạo ra những xung đột, kể cả với thiên nhiên. Trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, các nước lớn đã kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu để chống dịch, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Hay bây giờ giá dầu đã xuống mức âm, người mua có thể được tặng thêm tiền vì người bán không còn chỗ chứa, nhưng đâu ai muốn ngừng khai thác để tiết kiệm của cải cho Trái đất.
Tôi ấn tượng với bài viết của một nữ tác giả trên tờ VnExpress rằng, nếu mọi người đều đang sống như cô thì gần 8 quả địa cầu mới chịu đựng nổi. Mà chúng ta chỉ có một Trái đất. Cô cho biết đó là kết quả của phần mềm đo lường “dấu chân sinh thái”. Bất cứ một ai nhập dữ liệu về hành vi sống của mình cũng sẽ nhận được kết quả là cần có bao nhiêu hành tinh như Trái đất mới đủ. Thật ngạc nhiên, ít có ai đạt được kết quả lý tưởng để Trái đất có thể “sống khỏe”. Tất nhiên, kết quả này chỉ để tham khảo nhưng đó cũng là một cách đo lường trách nhiệm để mỗi người có thể tìm thấy bài học về thiên nhiên cho chính mình.