Không quá khi nói rằng, hơn bất cứ ngành nào khác, thể thao đòi hỏi cần có nhà tập, sân bãi, trang thiết bị đầy đủ, thậm chí phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để không chỉ phục vụ cho nhu cầu tập luyện, thi đấu mà còn góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn. Ngoài cơ chế chính sách về lương, thưởng, chế độ dinh dưỡng để tạo lực đẩy cho sự phát triển của thể thao thành tích cao lẫn phong trào, đây là một yếu tố rất quan trọng. Vận động viên (VĐV) điền kinh nếu chỉ biết tập luyện trên sân đất hay cầu thủ bóng đá suốt ngày chỉ chơi trên sân cỏ gồ ghề thì khi thi đấu trên sân đủ tiêu chuẩn theo quy định chắc chắn không thể có kết quả tốt nhất. Hay VĐV Taekwondo phải biết “giáp điện tử” để khi thi đấu, vung nắm đấm như thế nào, tung cú đá ra sao mới có được điểm.
Các vận động viên tập luyện chật chội tại Nhà tập luyện TDTT tỉnh. Ảnh: ANH SẮC |
Có thể nói, cơ sở hạ tầng của ngành thể thao đang thay đổi từng ngày. Sau khi tái lập, tỉnh rất quan tâm và tính chuyện đường dài bằng việc đầu tư xây dựng Nhà tập luyện TDTT tỉnh phục vụ yêu cầu tập luyện của VĐV năng khiếu. Rồi Nhà thi đấu TDTT tỉnh với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, sân vận động Tam Kỳ cũng “ngốn” hàng chục tỷ đồng được đầu tư nâng cấp nhiều hạng mục như mặt sân, khán đài, dàn đèn. Hiện nay, khu trung tâm TDTT của tỉnh với nhiều công trình khá khang trang, “nhìn lên không bằng một số nơi nhưng nhìn xuống vẫn hơn nhiều địa phương”. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng bước đầu đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu của tỉnh, thậm chí trong thời gian qua một số giải thể thao cấp quốc gia cũng đã được tổ chức khá thành công.
Dẫu vậy, hiện nay những cơ sở này vẫn chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu. Nhà tập luyện TDTT tỉnh rơi vào tình trạng “quá tải” nhưng cũng chỉ có thể phục vụ cùng lúc khoảng 50 VĐV tập luyện, trong khi số lượng VĐV của trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam là hơn 160. Trong khi đó, ngoài thời gian tổ chức các hoạt động TDTT của tỉnh và là nơi làm việc của 2 đơn vị là trung tâm TDTT tỉnh và trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam thì Nhà thi đấu TDTT tỉnh vẫn chưa sử dụng hết công năng của mình. Sân vận động Tam Kỳ từ ngày chuyển giao cho Câu lạc bộ QNK Quảng Nam quản lý thì không hiểu vì lý do gì mà các giải đấu bóng đá của tỉnh trên sân này cũng “lặn” luôn. Vừa qua, trận tranh siêu cúp giữa đội vô địch tỉnh Quảng Nam và đội vô địch tỉnh Quảng Ngãi phải đem ra tận sân huyện Thăng Bình để tổ chức khiến cho dư luận “tiếng ra, tiếng vào”.
Rõ ràng thiếu thốn do eo hẹp về kinh phí đầu tư cho hạ tầng thể thao là chuyện đã đành và tháo gỡ dần dần. Nhưng những bất cập trong công tác quản lý, điều hành là điều khó chấp nhận và cần phải nhanh chóng tìm cách giải quyết. Có như vậy, “bài toán” về đầu tư - sử dụng cơ sở vật chất cho đáng “đồng tiền, bát gạo” mới có lời giải hợp lý, hợp tình.
ANH SẮC