Nhiều quốc gia vùng Balkan vừa quyết định siết chặt hàng rào an ninh biên giới khiến hàng chục nghìn người di cư bị mắc kẹt lại thêm khốn khổ.
Các quốc gia như Slovenia, Croatia and Macedonia thông báo không còn chấp nhận người tị nạn - dòng người chạy trốn xung đột, đói nghèo tại các nước như Afghanistan, Syria, Iraq, Pakistan, quá cảnh qua lãnh thổ của họ để vào các quốc gia khác ở châu Âu. Cũng theo quy định mới, Slovenia - thành viên Liên hiệp châu Âu, chỉ cho qua biên giới những người muốn xin tị nạn tại chỗ hay những trường hợp nhân đạo và chính quyền địa phương sẽ nghiên cứu từng trường hợp một, rất nghiêm ngặt. Thủ tướng Slovenia, Miro Cerar tuyên bố: “Tuyến đường Balkans dành cho những vụ di trú bất hợp pháp không còn tồn tại”. Ngoài ra, hàng loạt các nước khác như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Macedonia, Serbia thông báo về tình trạng khủng hoảng tị nạn, siết chặt an ninh biên giới để ngăn chặn đường đi của dòng người tị nạn vào châu Âu.
Một em bé tị nạn đang say giấc ngủ tại biên giới Hy Lạp. (Ảnh: Colombian) |
Tại khu vực biên giới Idomeni, Hy Lạp, một biển lều vải trải khắp nơi với hàng chục nghìn người tị nạn không biết đi về đâu khi hàng rào thép gai và cảnh sát giăng kín lối đi. Chị Nour Khzam, 24 tuổi trải qua nhiều ngày trong một túp lều (được tổ chức Bác sĩ không biên giới phân phát) bao gồm cả 6 gia đình với 45 người cư ngụ. Hàng ngày chị qua lại những nơi có thể đi được để tìm kiếm nước uống cho mẹ chồng - bà Snaa Abdalla đang bị căn bệnh suy thận hoành hành. Khzam là một nghệ sĩ dương cầm tại thủ đô Damascus (Syria), chạy lánh cuộc xung đột dữ dội đang diễn ra tại quê hương và trên hành trình tìm đến châu Âu. Khzam cho biết chồng chị bị các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mang đi biệt tăm từ nhiều tháng qua. “Nếu ai đó hỏi tôi làm gì bây giờ, tôi không biết nữa” - Nour Khzam nói.
Shaat Akram, 28 tuổi cùng vợ con đang kẹt lại biên giới Hy Lạp cho biết, như bao người khác, họ chạy khỏi Iraq vì muốn tiếp tục được sống ở những miền đất hứa yên bình hơn, có thể việc làm, cho con cái được đến trường. Nhưng giờ đây, trên gương mặt người tị nạn lộ rõ vẻ tuyệt vọng khi Balkan và cả nhiều nơi khác là cửa ngõ để vào châu Âu đã đóng cửa. Tất cả chỉ còn biết trông chờ vào một phép màu nào đó khi những người tị nạn đang phải chống chọi với đói, khát giữa cái lạnh như cắt, nhất là vào ban đêm. Cô bé Ola (15 tuổi) từ thành phố xung đột Aleppo của Syria đang ở biên giới Hy Lạp cùng mẹ và hai anh trai, nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được một phép màu, như nước Đức sẽ muốn đón nhận chúng tôi nên cả gia đình tôi phải đến đó”.
Việc đóng cửa biên giới diễn ra sau khi các thành viên Liên minh châu Âu thống nhất tiếp tục thực hiện hiệp ước Schengen. Theo đó, bảo đảm biên giới phải mở ra khắp châu Âu nhưng các quốc gia thành viên có thể từ chối cho nhập cảnh bất cứ người di trú nào quá cảnh và không xin tị nạn cấp thời. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đạt được một thoả thuận với Ankara để trả hàng nghìn người tị nạn về lại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện dư luận quốc tế tập trung chú ý đến cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày của châu Âu trong tuần tới trong nỗ lực của khối về việc đạt được một thỏa thuận mà họ hy vọng sẽ đem trở lại tình trạng bình thường dọc theo các đường biên giới trước cuối năm nay.
QUỐC HƯNG