Cả trăm tàu khai thác hải sản xa bờ của huyện Thăng Bình hối hả vươn khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, gắn chặt khai thác hải sản với bảo vệ chủ quyền trong những ngày qua.
Vừa cập cảng sau gần 3 tháng bám biển Hoàng Sa để hành nghề câu mực khơi, chủ tàu cá QNa 94646, anh Võ Hồng Nhân (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) đã dặn dò 35 người đi “bạn” tranh thủ thăm nhà để rồi lại ra khơi bám biển. Bởi vậy, ngay sau khi bán xong 30 tấn mực - thành quả của chuyến biển dài ngày - anh Nhân liền tiếp nhiên liệu, mua nhu yếu phẩm rồi tiếp tục hành trình cho chuyến biển tiếp theo.
Ngay khi tàu cá của gia đình anh Nhân vươn khơi xa, hàng loạt phương tiện khai thác hải sản xa bờ của ngư dân huyện Thăng Bình cũng đồng loạt ra khơi. “Những ngày qua, tàu Trung Quốc truy đuổi các phương tiện khai thác hải sản của ngư dân miền Trung. Chúng càng lộng hành bao nhiêu thì chúng tôi càng kiên trì bám biển bấy nhiêu. Vùng biển của Tổ quốc mà mình không hiện diện khai thác thì Trung Quốc càng manh động, lộng hành gấp bội. Chuyến biển vừa qua bội thu hải sản nên các “bạn” càng phấn khởi bám biển”, ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh) - chủ tàu cá QNa 95075 có công suất 380CV theo nghề chụp mực ở ngư trường Hoàng Sa nói. Sau một ngày đêm cập bờ, bán hải sản, tàu cá của gia đình anh Liên lại nhổ neo, vươn khơi xa, bám biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Xã Bình Minh là địa phương sở hữu đội tàu khai thác xa bờ lớn nhất huyện Thăng Bình. Hiện tại, số lượng tàu cá có công suất trên 90CV của xã là 85 phương tiện. Ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân trong xã. Sản xuất tại đây đã đem lại đời sống ổn định cho ngư dân từ bấy lâu nay. Dù cho Trung Quốc có ngang ngược xâm lấn thì ngư dân trên địa bàn vẫn sắt son bám biển, gắn chặt khai thác hải sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Ngay khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương - 981 trái phép tại vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi liền tập hợp ngư dân, động viên, khuyến khích bà con tiếp tục sản xuất tại vùng biển xa. Không chỉ tán đồng, đại đa số ngư dân còn nhắn nhủ lại chúng tôi là hãy tin tưởng, họ luôn sẵn sàng bám biển Hoàng Sa” - ông Bảy nói. Còn ngư dân Hồ Thanh Hưởng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh thì khẳng khái: “Hành vi phi pháp của Trung Quốc không thể làm sờn tâm thế kiên trung bám biển của chúng tôi. Chúng tôi đã quyết tâm bám biển thì sẽ tận dụng mọi thời gian để ngày đêm hiện diện trên vùng biển của Tổ quốc”.
Theo UBND huyện Thăng Bình, số tàu cá sản xuất tại các vùng biển xa trên địa bàn huyện vào thời điểm này là 100 chiếc. Để có được đội tàu công suất lớn đông đảo như vậy, huyện luôn khuyến khích ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi, bám biển dài ngày. Ngoài tàu cá QNa 94646 của ngư dân Võ Hồng Nhân được đóng mới nhờ vào nguồn vốn vay không lãi suất của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, thời điểm này có 6 hồ sơ của ngư dân trên địa bàn đang đề xuất hỗ trợ vốn vay để đóng mới tàu lớn. “Trong thời gian đến, song hành với việc tiếp tục khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, chúng tôi sẽ nhanh nhạy phổ biến các nội dung hỗ trợ vốn vay của trung ương cũng như của tỉnh để ngư dân dễ dàng tiếp cận” - ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết.
QUANG NGUYỄN