Bám sát đồng ruộng

TƯ RUỘNG 20/01/2015 08:48

Vụ đông xuân 2014 - 2015 này, vợ chồng anh Ba Phú Trung ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc sản xuất 3 sào lúa bằng loại giống dài ngày Xi23. Do số diện tích ấy nằm ven vườn nhà nên vừa gieo sạ xong thì chuột kéo nhau ra ruộng… xơi giống. Vì vậy, bây giờ mấy đám lúa non của anh Ba xuất hiện rất nhiều vạt đất trống. Anh Ba than phiền: “Hồi đầu vụ, tui và bà con nông dân trong vùng đã mở vài đợt ra quân tiêu diệt chuột, thế nhưng cuối cùng vẫn không ngăn chặn được sự gây hại của loài sinh vật này. Do chuột phá giống quá nhiều nên hiện nay tui không đủ mạ để thực hiện khâu tỉa dặm, buộc phải lội khắp đồng xin mỗi người một ít về cấy bổ sung chứ nếu không thì sản lượng lúa sẽ tụt giảm mạnh”.

Trao đổi với Tư Ruộng, ông Lê Văn Thanh – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Đại Lộc cho biết, vì lũ không xuất hiện nên những tháng gần đây chuột bùng phát rất mạnh. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại đối với lĩnh vực trồng trọt, trước khi tiến hành xuống giống vụ đông xuân, UBND huyện Đại Lộc đã chi 100 triệu đồng để hỗ trợ ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương mua bả cấp cho dân tiêu diệt chuột. Ông Thanh nói: “Thời gian qua, bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì chúng tôi đã cấp về cơ sở ít nhất 13 tấn bả để thực hiện khâu này. Theo số liệu thống kê mới nhất, từ đầu tháng 12.2014 đến nay nông dân trên địa bàn 18 xã, thị trấn đã diệt không dưới 35 nghìn con chuột. Tuy đã vào cuộc quyết liệt nhưng hiện giờ toàn huyện vẫn có 200 sào lúa non bị chuột cắn phá khiến việc tỉa dặm của nhà nông gặp khó khăn. Số diện tích đó tập trung chủ yếu ở xã Đại Nghĩa, Đại Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa”. Theo ông Thanh, những ngày tới các cơ quan có trách nhiệm ở Đại Lộc sẽ tiếp tục cấp thêm cho dân 5 tấn bả để đặt bẫy diệt chuột, đây được xem là vấn đề cấp bách. Bởi, khi cây lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh, nếu bị chuột gây hại nặng thì mùa màng rất dễ thất bát.

Cuối tuần rồi, xuống xã Cẩm Thanh của thành phố Hội An, đâu Tư tôi cũng thấy nông dân lội ruộng diệt trứng và bắt ốc bươu vàng. Nhìn chiếc rổ đựng đầy ốc, chị Sáu Thanh Nhứt thở dài: “Khoảng một tuần trở lại đây, ốc bươu vàng xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Bây giờ, cả 2 sào lúa non của tui đều bị nó cắn trụi lá, nếu không khẩn trương ngăn chặn thì mất mùa là điều khó tránh khỏi”.

Ông Trần Út – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay, ngoài chuột, ốc bươu vàng thì thời điểm này trên đồng ruộng xứ Quảng còn xuất hiện ruồi đục nõn và bọ trĩ. Ông Út nói: “Tuy những loài sinh vật vừa nêu mới chỉ gây hại trên diện hẹp nhưng nhà nông tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Thời gian tới, đội ngũ khuyến nông cơ sở cũng như bà con nông dân cần phải thường xuyên bám sát đồng ruộng để kịp thời phát hiện và chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh một cách hữu hiệu nhất. Nếu để nó bùng phát thành dịch thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn”.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bám sát đồng ruộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO