Ở nơi đâu trên trái đất này không nói về tình bạn, không cần bạn bè. Trong những ngày biển Đông nổi sóng, bạn đi biển xa, người Quảng ngó ra Sơn Trà, bến xuất phát của những con tàu, lòng lại thấp thỏm: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm”. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng với tình hình căng thẳng trên vùng biển Hoàng Sa, chuyện cần có bạn bè với những người giữ biển, với ngư dân là điều căn cốt. Người ở biển vốn đã “đi bạn” với nhau trên những con tàu, chia nhau lộc biển và cả những rủi ro mất mát khi đối mặt với sóng gió trùng khơi. Lúc này cũng là thời điểm mà nhiều tàu phải đoàn kết đánh bắt trên biển, bảo vệ ngư trường và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Sự sát cánh của ngư dân trong tình thân hữu, bằng hữu trên biển cả hẳn khác xa với những gì mà ta ngẫm nghĩ về tình bạn trên đấu trường chính trị. Gần đây, người ta hay dẫn một quan niệm đang lan truyền rằng “không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng không có tình bạn vĩnh viễn, vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mà thôi”. Đó là do thực tiễn đã minh chứng, có những nước từng là kẻ thù của nhau đã kết ước liên minh với nhau; lại có quốc gia tưởng là bạn bè tốt nhưng rồi gây hấn, khiêu khích, ỷ mạnh hiếp yếu. Những hiệp ước liên minh trên trường chính trị có động lực lợi ích thấy rõ. Ngẫm cho cùng, kinh tế quyết định chính trị, vì cái lợi mà làm bạn bè nhau, cũng vì cái lợi mà chia rẽ nhau. Nữ văn sĩ Jane Austen, người có nhiều ảnh hưởng nhất trên văn đàn nước Anh cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, từng nhận xét rằng: “Kinh doanh, bạn biết đấy, có thể mang cho bạn tiền bạc, nhưng tình bạn thì hiếm khi nào”. Và triết gia Voltaire, người Pháp, cũng nói: “Tình bạn là cuộc hôn nhân của linh hồn, và cuộc hôn nhân này có thể gặp phải li dị”.
Khát vọng, ước mơ về một tình bạn chân chính, luôn là điều mà mỗi người và cả nhân loại thao thức. Nghệ thuật, bằng tiếng nói đặc trưng của mình đã luôn thắp sáng ước mơ ấy. Có nghệ sĩ đã dùng cái phi lý đời thường để gửi gắm khao khát về tình bạn ngay trong sự khác biệt, như mèo và chuột (Tom and Jerry) hay gấu và chuột (Ernest and Célestine). Tiếp theo hình ảnh đã quen thuộc với cả thế giới là chú mèo Tom và chuột Jerry, gấu Ernest và chú chuột mồ côi bé nhỏ Célestine trong bộ phim được đề cử giải Oscar năm 2014, đã tìm thấy tình bạn khi cả hai mang nỗi bất hạnh khác nhau nhưng gặp nhau ở tấm lòng lương thiện, sự sẻ chia trước những hoàn cảnh khó khăn của người khác. Câu chuyện mang màu sắc ngụ ngôn thời hiện đại đầy khao khát nhân văn, lên án xã hội thực dụng với các định kiến “gấu và chuột tuyệt đối không thể thành bạn”. Thật tiếc thay, định kiến đó dường như vẫn còn là bóng ma ám ảnh trong quan hệ đối ngoại của không ít quốc gia hiện nay, kẻ mạnh luôn cố giành cái lợi về mình bất chấp đạo lý, sẵn sàng “nấu cơm trên lưng đồng đội”.
Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chính của thế giới hiện nay. Nước Việt thân yêu của chúng ta muốn mở lòng làm bạn bè, làm đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, việc xây dựng lòng tin, mở rộng vòng tay bè bạn là cả một hành trình gian nan, cần nỗ lực từ nhiều phía.
Nước trong quá thì không có cá, người câu nệ quá thì không có bạn (Kinh Dịch), vì vậy cần ngẫm lại điều gì “câu nệ” có nguy cơ làm ta trở nên cô đơn, và hơn thế cần tiếp tục bày tỏ lòng chân thành, chính nghĩa.
ĐIỆN NAM