Sau khi kiểm tra qua phóng xạ carbon, các nhà khảo cổ xác định mảnh gỗ có tuổi đã chừng ấy năm... Đó là thông tin thường thấy sau các cuộc khai quật đâu đó. Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, tưởng rằng trong tối tăm, vô định, thậm chí với nghi ngờ cảm tính, thiếu kiến thức thì đó là trò lừa bịp, không có câu trả lời, nhưng rồi tất cả phơi bày giữa bạch nhật thiên thu. Tôi nghi ngờ rằng, sáng tạo của khoa học qua những máy phân tích quang phổ, hình như xuất phát từ ước vọng trường sinh bất lão, quyết đọ kiếm với tử thần, muốn sống thêm một lần nữa trong mắt người sống, rằng đây, ta đã từng và đang hiện diện.
Ý nghĩ đó lại hiện trong tôi khi tình cờ nghe một tiếng cười khan của anh bạn. Ba anh mất. Khi lo hậu sự, gia đình bàn chuyện mua quan tài. Anh nói, đến chỗ bán quan tài, mới biết như lạc vào siêu thị. Sang hèn thấp cao, có đủ, từ 7 triệu đến 70 triệu đồng cho một chiếc. Anh em kẻ bàn vào, người nói ra, rát họng, thậm chí cãi cọ không xong, mà ai cũng đem chữ hiếu ra dọa người khác. Ông chủ hàng thấy vậy, xin góp ý: “Loại cao nhất, chắc chắn là bền nhất và ngược lại, 7 triệu thì một năm sau là mục. Giờ chọn thấp nhất thì lòng trĩu nặng không an, khi cha già một đời nuôi con thương khó, không lẽ một áo quan cho cha về với ông bà mà cũng cò kè bớt một thêm hai. Nhưng nói thiệt, gia đình theo Phật, nên xin mạnh dạn góp ý, mua một chiếc 15 triệu đồng là vừa, trên ba năm là tốt rồi. Phàm ở đời, sống thanh sạch, chết nhẹ nhàng, là ước vọng của kẻ trí, người lương thiện, thì tôi nghĩ các anh nên chọn cách tôi vừa nói, tôi là người bán, thuận mua vừa bán là lẽ đương nhiên, nhưng không nỡ ngồi nhìn. Cha các anh mau hòa tan vào đất, có khi là phước đấy”. Anh là anh lớn, học hành cao nhất, nghe vậy, vỡ ra, đường nào thì cha cũng đã chết, mong sao sớm siêu thoát linh hồn thì cũng ước sao cha nhanh hóa thân vào cát bụi, trở về với nguyên thủy đất đai như tiếng thở dài mãn nguyện. Và thế là anh mua. “Mình nghe, bừng ngộ, đúng là có qua cửa tử mới hay sống là thế nào. Mình có thể mua quan tài 50 triệu đồng, nhưng rồi để làm chi, cha mình có sống lại được đâu, mà hiếu là hành xử của mình khi cha còn sống và nằm xuống, chứ không phải tiền ít hay nhiều. Chôn tiền vào đất, là việc làm không hay ho chi”.
Điều anh nói dội về lần nữa, khi tình cờ tôi nghe người ta tranh luận gỗ xá xị và pơ-mu loại nào tốt hơn, xá xị có thơm hơn nhưng pơmu chất lượng cao hơn và người miền núi nơi có pơ-mu thì chọn pơ-mu làm quan tài. Có thể nhiều cây khác bền hơn, nhưng họ không chọn. Chôn 3 năm, là bỏ mả, không thăm viếng nữa, trở thành ma rừng, về với rừng thì xương cốt giữ lại lâu để làm chi. Một cách hành xử xem ra văn minh. “Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi”. Bao nhiêu đám ma cầu kỳ, làm khổ người nhà lẫn hàng xóm, cộng đồng vì kéo dài lê thê, nhạc nhẽo, kèn trống ầm trời, cuối cùng hạ huyệt thì tất cả cũng tắt. Người nhà, con cái lấy sự hoành tráng của tang ma làm oai với thiên hạ. Biết làm sao, ai cấm được, họ thích thế. Cũng có người thêm: biết đâu trăng trối của người chết là vậy. Thua. Nhớ chuyện các ông vua xưa, muốn lưu danh quyền lực của mình trong các lăng tẩm tắm máu và tiền bạc của thần dân bách tính. Ôi thôi, ba tấc đất, ăn mày rồi cũng lên ngôi ngang hàng với hoàng đế. Thiên hạ, chỉ có một vua, còn lại thần dân hết, quật mả lên, xương tàn cốt rụi như nhau, ván thiên là gỗ tạp hay nhóm 1, cũng chẳng để lên bàn thờ được. Đành thôi, người chết bị người sống đè bóng cho, gửi tham vọng theo miếng gỗ được dát vàng.
Bỗng dưng nhớ chuyện bàn rượu anh em hay giỡn, là đi mua hòm, chê mắc quá, ông bán liền nói, mua đi tôi khuyến mãi thêm cái nhỏ nữa. Cười đến chua chát. Năm ngoái ở thành phố nọ, có người chồng bán vé số chết, vợ đi ăn xin, nghèo đến mức tấm chiếu để bó đưa về quê mà cũng không sắm nổi. Cộng đồng xúm lại mua tặng quan tài. Sống đã cực, đến chết cũng không vẹn toàn. Nhưng tôi tin người xấu số kia chẳng bao giờ có ước mơ rằng chết có được quan tài, khi miếng ăn hàng ngày cuồng đảo đến tê người thì hơi sức đâu nghĩ đến chuyện ra đi trong tư thế nào. Trần ai khăn áo để sắm vai ở đời này đã mệt nhoài rồi, thì bận bịu áo quan với hư vô làm chi. Nhưng biết làm sao. Tôi đâm nghi cái câu vốn mang nghĩa tốt, dạy người, bị lạm dụng ngày một nhiều “nghĩa tử là nghĩa tận”. Lại nhớ cách đây mấy năm, có một nhà văn thuộc hàng danh giá nằm xuống. Tang ma xong rồi, giới chữ nghĩa truyền nhau chuyện biết mình không còn sống mấy hơi nữa, ông bèn mọi cách xin thêm một ngạch lương, chẳng phải chết để con cái có thêm đồng bạc, mà có được phết phẩy ấy thì sẽ được chôn vào chỗ đất dành cho người có hàm vị cao. Ô hô, xem ra có chi ngu xuẩn bằng chữ nghĩa…
TRUNG VIỆT