Phẫu thuật tách ngón tay thành công cho bệnh nhi 19 tháng tuổi

KHÁNH LINH 28/05/2022 17:55

(QNO) - Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (TP.Đà Nẵng) vừa phẫu thuật tách ngón tay thành công cho bệnh nhân 19 tháng tuổi bị dính ngón thứ 3, 4, 5 ở cả hai bàn tay.

Bàn tay bé sau phẫu thuật
Bàn tay bé T.K. sau phẫu thuật. Ảnh: B.V

Đầu tháng 4.2022, bé T.K. (sinh năm 2020) được ba mẹ đưa từ Quảng Ngãi đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình thăm khám, tư vấn phẫu thuật bàn tay vì nhiều ngón của bé dính liền nhau. Sau khi thăm khám, làm các cận lâm sàng cần thiết, êkip bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Gia Đình quyết định phẫu thuật cho cháu trong một lần duy nhất.

Với sự phối hợp của các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, phẫu thuật tạo hình và gây mê hồi sức, sau 5 tiếng đồng hồ ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.

Theo ThS-BS. Nguyễn Đình Hòa (Đơn vị Cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Gia Đình), phẫu thuật tách dính ngón tay là một kỹ thuật khó trong phẫu thuật tạo hình. Trường hợp dính nhiều ngón hoặc nặng hơn là dính cả gân chung, xương chung yêu cầu chuyên môn rất cao của bác sĩ, nếu không sẽ phẫu thuật nhiều lần, thậm chí là ca phẫu thuật sẽ thất bại.

“Phẫu thuật tách dính ngón tay vừa giúp đảm bảo chức năng bàn tay, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ. Ngay cả việc thay băng vết thương cho bệnh nhi cũng phải rất cẩn thận bởi thay băng có thể làm tổn thương những vạt da của vết thương trẻ em vốn đã rất mỏng manh” - ThS-BS. Nguyễn Đình Hòa nói.

Sau phẫu thuật, việc thay băng cho bệnh nhi rất khó khăn vì trẻ không hợp tác nên êkip phẫu thuật - gây mê quyết định thay băng dưới gây mê, đây là kỹ thuật rất an toàn giúp trẻ không đau, quấy khóc. Trẻ được mang nẹp và xuất viện sau lần đầu thay băng, tái khám mỗi tuần. Sau lần thay băng thứ 3, tay bé dường như đã lành lặn.

Dị tật dính ngón tay bẩm sinh (Syndactyly) là dị tật đứng thứ hai trong các dị tật của bàn tay (sau tật thừa ngón tay). Tần suất trẻ dính ngón tay bẩm sinh chiếm khoảng 1/2.000 trẻ sơ sinh với nhiều mức độ từ nhẹ tới nặng như chỉ dính da cho đến phức tạp hơn là dính cả xương hoặc dính nhiều ngón tay một lúc.

Trẻ nên được phẫu thuật trước tuổi đến trường (2 đến 4 tuổi), nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động của cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và tâm lý của cha mẹ.

Phẫu thuật điều trị dị tật bẩm sinh đã, đang và sẽ tiếp tục thắp sáng ước mơ cho nhiều trẻ em được sống như những đứa trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật phức tạp, dễ xảy ra biến chứng nên cha mẹ cân nhắc lựa chọn cơ sở thăm khám và điều trị uy tín để con được chữa trị tốt nhất, đảm bảo khả năng hồi phục và không để lại di chứng về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phẫu thuật tách ngón tay thành công cho bệnh nhi 19 tháng tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO