Bàn chuyện giải ngân vốn đầu tư công

TRỊNH DŨNG 16/09/2018 01:00

Không phải bây giờ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư thấp mới được đặt ra. Trong những phiên nghị sự gần đây, tất cả ý kiến viện dẫn (giải phóng mặt bằng yếu, chưa thể nghiệm thu khối lượng hoàn thành, cơ chế chính sách thay đổi…) dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp vốn vẫn là chuyện đã cũ. Năm nào chính quyền, cơ quan quản lý cũng ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, kêu gọi giải ngân. Thậm chí không thiếu những mệnh lệnh hành chính, kèm theo các chế tài buộc người đứng đầu chịu trách nhiệm, nhưng nhiều năm qua vẫn không thể chấm dứt căn bệnh “không sử dụng hết vốn đầu tư”.

Những khuyến cáo, thiếu sự răn đe, chế tài đã không làm thay đổi được vấn nạn này diễn ra hàng năm. Nếu vấn nạn này tiếp tục, không chỉ vốn ngân sách có nguy cơ “bị mất” mà còn mất cả lòng tin của dân chúng về năng lực điều hành của các cơ quan công quyền! Nếu một khi thấy rõ được trách nhiệm trong việc xử lý vốn đầu tư hay hiệu quả của các dự án, thấy được quyền tự quyết giải ngân trong tay mình, chắc chắn sẽ không còn một ai biện bạch với đủ lý do cho chuyện không thể giải ngân.

Đến hết ngày 31.8.2018, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 51%. Trong ảnh: Đường Điện Biên Phủ - Tam Kỳ vừa được thông xe. Ảnh: TƯỜNG VY
Đến hết ngày 31.8.2018, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 51%. Trong ảnh: Đường Điện Biên Phủ - Tam Kỳ vừa được thông xe. Ảnh: TƯỜNG VY

KHÔNG THỂ HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH

Sẽ không thể nào thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn đã bố trí cho đầu tư phát triển năm 2018. “Căn bệnh” không tiêu hết vốn đầu tư nhiều năm qua đã trở thành mãn tính.

Ì ạch giải ngân

Con đường Điện Biên Phủ nối đường ven biển 129 qua TP.Tam Kỳ thuộc Tiểu dự án phát triển TP.Tam Kỳ đã thông xe kỹ thuật hồi 2.9.2018. Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cho hay đã giải ngân 61% kế hoạch vốn năm 2018 bố trí cho các dự án do ban này quản lý (267,702/437,128 tỷ đồng). Còn với “Tiểu dự án phát triển TP.Tam Kỳ đã giải ngân 106,14/199,966 tỷ đồng. Các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục hoàn thiện còn lại trong tháng 9.2018 và lập thủ tục giải ngân hết vốn nước ngoài bố trí cho dự án ngay trong tháng 10.2018” - ông Dự thông tin thêm.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết đã giải ngân đến 85% (294,386/345,992 tỷ đồng) kế hoạch vốn các dự án do ban này làm chủ đầu tư. Giải ngân 100% vốn kế hoạch sẽ không vấn đề gì. Còn các dự án của Ban quản lý Khu KTM Chu Lai mới chuyển giao hồi tháng 8.2018 chỉ mới giải ngân 42%.

Số liệu thống kê trên chỉ là một vài điểm sáng trong bức tranh giải ngân vốn đầu tư 2018. Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, đến hết ngày 31.8.2018, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 51% (vốn chương trình mục tiêu 50%, chương trình mục tiêu quốc gia 41%, ngân sách địa phương 46%). Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2017 khoảng 3% và thấp hơn cả tỷ lệ giải ngân bình quân của các dự án đầu tư công cả nước. Không chỉ tình trạng giải ngân thấp gặp ở nhiều địa phương (53%, có nhiều địa phương giải ngân rất thấp như Hội An 36%, Núi Thành 33%, Phước Sơn 36%, Tam Kỳ 45%…) mà các dự án đầu tư thuộc quyền quản lý cấp tỉnh cũng không khá hơn.

Thống kê sơ bộ có đến 55 dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2018 và 44 dự án kế hoạch vốn năm 2017 thuộc ngân sách tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30%) và có đến 35/55 dự án kế hoạch vốn 2018 và 31/44 dự án kế hoạch vốn 2017 không giải ngân được đồng vốn nào. Những dự án khởi công mới năm 2018 được kéo dài thời gian phê duyệt dự án đến 31.7.2018 cũng chỉ có khoảng 21,6% danh mục dự án đã hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và được phê duyệt dự án. Chỉ khoảng 8/37 dự án khởi công mới đã được phê duyệt dự án và phân bổ vốn. Số còn lại vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục…

66/99 dự án có tỷ lệ giải ngân 0%

Chủ đầu tư viện dẫn đủ loại lý do để biện bạch cho tình trạng giải ngân chậm chạp trong 8 tháng qua. Từ cơ chế, chính sách thay đổi, chồng chéo, khó khăn đền bù giải tỏa, việc thẩm định các dự án lớn của các cơ quan chuyên ngành chậm hoặc hầu hết dự án mới chưa khởi công, vẫn trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu… Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng nói ai cũng bàn đến giải ngân chậm, nhưng quy trình nó vậy. Vướng về cơ chế, chính sách chứ không phải chủ đầu tư không làm việc. Luật Đầu tư công chưa tương thích Luật Ngân sách. Theo quy định, 31.10 của năm trước phải có dự án được phê duyệt thì mới được bố trí vốn. Nhưng tháng 11 hoặc 12 mới họp HĐND thì làm sao có dự án phê duyệt được. Có khi đến tháng 5 năm sau mới giao danh mục đầu tư thì làm sao giải ngân nổi. Không bao giờ có thể giải ngân kịp nếu không thay đổi cơ chế.

Than phiền, nhưng không một chủ đầu tư, ban quản lý nào không cam kết sẽ giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2018. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói nếu không có giải pháp căn cơ thì không thể đạt được tiến độ giải ngân. UBND tỉnh đi đến quyết định không chờ đợi, không thể để vốn kéo từ năm này sang năm khác. Ông Toàn nói không thể giải phóng mặt bằng được thì giữ tiền để làm gì. Không thể “chôn tiền” trong khi nhiều dự án công trình có khối lượng lại thiếu vốn thanh toán. Không thể giải ngân được thì phải điều chuyển. Bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2018 đối với công trình đã hoàn thành quyết toán, công trình chuyển tiếp đã có khối lượng và ít nhất 80% vốn đối với các dự án khởi công mới trước ngày 30.10.2018.

Tuy nhiên, theo phân tích của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tỷ lệ giải ngân 100% vốn chỉ là mong muốn, một quyết tâm chính trị chứ không thể thực hiện được. Nếu nhìn vào con số 66/99 dự án có tỷ lệ giải ngân 0% và nhiều dự án khác cũng đang ì ạch đưa vốn vào đầu tư thì các cam kết của chủ đầu tư, ban quản lý chỉ là lý thuyết. Những con số thống kê này cho thấy việc sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả, lãng phí. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói nếu không có lý do gì chính đáng, tất cả những dự án vướng giải phóng mặt bằng thì đề nghị dừng, chuyển vốn sang dự án khác có khối lượng hoàn thành. Không thể để tiếp tục xảy ra tình trạng ai cũng muốn làm chủ đầu tư, nhưng thanh quyết toán, giải quyết nợ đọng thì tránh né.

Liệu nỗ lực của chính quyền, chủ đầu tư có đủ khả năng để giải ngân hết nguồn vốn hay không? Nguồn lực ngân sách hạn hẹp không thể chấp nhận cách làm cũ thiếu kỷ cương như thực tế đã bày ra. Chẳng lẽ không ai chịu trách nhiệm trước sự “thất thoát của ngân sách nhà nước” khi nhu cầu đầu tư của ngành, địa phương chưa bao giờ dừng lại?

LÀN GIÓ MỚI

Thay đổi kế hoạch ban hành danh mục dự án đầu tư hay thay đổi và thống nhất cách điều hành, cương quyết xử lý những dự án đầu tư không đạt tiến độ giải ngân là quyết định của chính quyền Quảng Nam, được xem như là một làn gió mới để từng bước chấm dứt tình trạng xài không hết vốn đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Thay đổi và thống nhất cách điều hành

Chính quyền đã yêu cầu các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án chuyên ngành hoàn chỉnh hồ sơ thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2017 được phép kéo dài sang 2018. UBND tỉnh cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn 2018 đối với các dự án đến ngày 31.7.2018 không bảo đảm các thủ tục đầu tư theo quy định, đến ngày 30.9.2018 chưa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Những dự án chuyển tiếp đã được bố trí vốn trong kế hoạch vốn dự toán đầu năm 2018, nếu đến ngày 30.9.2018 có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch giao thì sẽ không bố trí kế hoạch vốn năm 2019. Mục tiêu đến ngày 30.10.2018 giải ngân 100% kế hoạch vốn các công trình hoàn thành và chuyển tiếp, đến ngày 20.12.2018 giải ngân 100% vốn công trình khởi công mới năm 2018.

Các cơ quan quản lý, địa phương tập trung mọi nguồn lực chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình, dự án. Khẩn trương gửi hồ sơ nghiệm thu. Tính toán khả năng giải ngân kế hoạch vốn các dự án. Nếu đến ngày 30.9.2018 giải ngân không đạt 60% vốn đã bố trí (đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia) thì báo cáo, đề xuất Sở Kế hoạch và đầu tư tổng hợp, trình UBND tỉnh điều chuyển vốn (hoặc đề nghị Trung ương điều chuyển vốn) sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và nhu cầu bổ sung vốn trong năm 2018. Đây cũng là một trong những tiêu chí để khen thưởng, công nhận danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân là một mệnh lệnh. Nếu không giải ngân được thì sẽ điều hòa, chuyển sang chỗ khác là một động thái bình thường. Các chủ đầu tư không được bất chấp mọi quy định để giải ngân cho kịp tiến độ mà không hiệu quả. Đến thời điểm 30.9 là cắt. Không giải ngân nữa. Chính quyền đang hướng đến nghiên cứu các loại vốn dù có thời điểm khác nhau thì tới thời điểm 30.9 hàng năm, nguồn vốn từ tài khoản của chủ đầu tư sẽ chạy về tài khoản ngân sách để điều hòa (automatic). Tìm mọi cách xử lý nguồn vốn hợp lý từ tài khoản chung để rót vốn vào những dự án, hồ sơ phù hợp để giải ngân trả nợ khối lượng cho xong những công trình đã quyết toán. Chấm dứt tình trạng giải trình, giãi bày, cam kết miết mà không thể giải ngân được. Tất cả sẽ phải được thay đổi, thống nhất cách điều hành như vậy cho tiến trình giải ngân các dự án đầu tư.

Ông Phạm Văn Phong – Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam: Chủ đầu tư cũng có nỗi khổ riêng

Cơ chế, chính sách đầu tư đã gây ra nhiều khó khăn. Vốn Trung ương kéo dài đều phải xin ý kiến của liên Bộ Tài chính và Kế hoạch đầu tư. Nhưng khi trình, phê duyệt ra đến Trung ương mất quá nhiều thời gian. Họ đồng ý thì tỉnh mới ra quyết định giải ngân. Nên cần phân cấp, phân quyền cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm.

Các ban quản lý hiện nay không thiếu năng lực, chuyên ngành để thực hiện các dự án đầu tư nhưng luôn gặp khó vì thiếu mặt bằng sạch. Vốn đã ghi, dự án hay phương án được phê duyệt rồi, nhưng khi đi vào thực tế đền bù thì vướng. Mặt khác, theo luật, giải ngân vốn đầu tư được phép kéo dài sang năm sau nên tạo tâm lý ỷ lại cho chủ đầu tư (kể cả một phần dự án do cấp trên phê duyệt quá chậm). Còn vốn nước ngoài giờ thực hiện theo cơ chế vốn trong nước nhưng vẫn bị ràng buộc những điều kiện khắt khe đủ loại từ nhà tài trợ, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… nên mất nhiều thời gian giải ngân.

Vẫn chưa có chế tài nào đáng kể khi không xài hết vốn, địa phương không có nguồn lực phát triển. Nhiều năm qua, chế tài chỉ mang tính khuyến cáo, hô hào là chính. Không phải gốc vấn đề để thay đổi. UBND tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản chế tài, đôn đốc tiến độ giải ngân, quy định thời gian cắt chuyển vốn. Quyết tâm như vậy nhưng thực tiễn có những việc xảy ra mà các chủ đầu tư không thể lường trước được. Ví dụ một đoạn đường đã bố trí mọi điều kiện, nhưng khi thi công thì dân không cho. Bất khả kháng. Các ban quản lý, chủ đầu tư cũng có nỗi khổ, khó khăn riêng. Không ai không muốn giải ngân nhưng vướng nhiều thứ nên đành phải chịu chậm trễ. Hy vọng những nỗi khổ này sẽ được tháo gỡ. Thực khó cho các chủ đầu tư khi quy định nếu không giải ngân tốt sẽ không bố trí vốn kế hoạch năm 2019 dù biết không triển khai được thì có giao vốn cũng bằng không!

Giải ngân không hết vốn là bài ca muôn thuở. Không có một hồ sơ nào còn tồn đọng tại kho bạc vượt quá thời gian quy định nhưng cố gắng lắm thì giải ngân đến 80% kế hoạch vốn cũng đã là một thành công.

Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT: Giải ngân sẽ tốt hơn

Giải ngân chậm thường rơi vào cuối năm. Quy định pháp luật đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công kèm theo rất nhiều thủ tục có thời gian kéo dài, thậm chí có những nguồn vốn lại được phân bổ vào những tháng, quý cuối năm là một trong những nguyên nhân khiến thực trạng giải ngân từ năm này tới năm khác đều không bảo đảm tiến độ.

Giải ngân ì ạch bắt đầu từ giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Khắp nơi đều gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Không thể loại trừ cả chủ đầu tư (lãnh đạo sở, ngành, địa phương) chưa đủ năng lực trong việc làm các thủ tục hồ sơ, chưa bảo đảm thời gian, yêu cầu kỹ thuật, khiến dự án phải sửa đi, sửa lại, tốn khá nhiều thời gian.

UBND tỉnh đã giao trách nhiệm người đứng đầu trong việc đôn đốc, phối hợp giải phóng mặt bằng cho các dự án triển khai đúng tiến độ. Nhưng giải pháp thông thường này hiệu quả không cao. Không thể nói trước được điều gì về giải phóng mặt bằng. Công trình, dự án làm đầy đủ các thủ tục sớm nhất có thể, nhưng nếu giải phóng mặt bằng chậm sẽ bị đình trệ ngay. Bởi hiệu quả giải phóng mặt bằng không phụ thuộc vào những yếu tố cố định khi giá chưa tiếp cận thị trường, chế độ chính sách bất cập, thiếu nhất quán và mỗi địa phương vận dụng mỗi kiểu khác nhau.

Nếu như khắc phục được ba vấn đề đó thì ách tắc sẽ được tháo gỡ. Quảng Nam đã tiến hành giao kế hoạch, phê duyệt danh mục đầu tư tại kỳ họp HĐND giữa năm để có một khoảng thời gian 6 tháng chuẩn bị cho công tác chuẩn bị đầu tư cho năm sau. HĐND tỉnh đã có nghị quyết về dự án đầu tư mới.
Chính quyền, cơ quan quản lý cũng chưa có sự quyết liệt. Sẽ tính tới chuyện nếu chủ đầu tư để mất vốn chuyển sang dự án khác thì phải chịu kỷ luật áp dụng vào thực tiễn được không? Những chế tài trong quá khứ hoặc kiểm điểm trách nhiệm không quan trọng bằng sự chỉ đạo quyết liệt. Điểm mốc ngày 30.9 nếu không giải ngân tốt và những dự án chậm khối lượng sẽ bị điều chuyển vốn. Tôi tin với sự quyết liệt này, sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vì bất cứ địa phương, đơn vị nào cũng sợ bị mất nguồn đầu tư. Giải pháp này thực sự là một giải pháp mạnh hơn những chế tài khác nên hy vọng sẽ khởi sắc, sẽ có tác dụng. Chắc chắn giải ngân năm sau sẽ được cải thiện hơn.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bàn chuyện giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO