Tôi... liều mạng viết báo

TẠ XUÂN QUAN 20/06/2020 13:17

Tôi là dân học khối B (ngành dược) rồi thêm khối A (ngành kinh tế), chẳng dính dáng gì đến nghề báo, thậm chí hồi nhỏ học văn rất tồi, món chính tả thường bét nhè…

Những bài báo của CTV Tạ Xuân Quan ở chuyên mục Công nghệ đời sống của báo Quảng Nam online. Ảnh: TH.TRÍ
Những bài báo của CTV Tạ Xuân Quan ở chuyên mục Công nghệ đời sống của báo Quảng Nam online. Ảnh: TH.TRÍ

Còn nhớ hồi học Quản trị kinh doanh (1996), GS-TS.Nguyễn Văn Nam dạy chúng tôi giải toán kinh tế trên bảng tính Excel, tôi thấy đầu óc quay cuồng vì chỉ học chay, không có máy tính, chỉ có thể gõ vài chữ lõm bõm trên MS Word. Tất nhiên thầy Nam chê, nhất là chuyện không biết Excel là cái gì. Tôi quyết tâm gom tiền mua bộ máy tính về cả vợ lẫn chồng lần hồi tự học, rồi tôi dần mê máy tính. Và đoạn đời của tôi từ đây mọi thứ đều gắn liền với máy tính.

Đến năm 2003, Tạp chí Công nghệ thông tin eCHIP ra đời, đó là một sản phẩm của báo điện tử Vietnamnet, dưới dạng báo in, phát hành hàng tuần. Tiêu chí của báo này rất độc đáo “Tin học như cơm bình dân”, máy tính không có gì quá phức tạp rắc rối nếu ứng dụng xử lý công việc đời thường, tuy vậy tờ tạp chí vẫn có phần nâng cao cho dân mê công nghệ theo cách thể hiện rất “bình dân”. Dân mê máy tính rất khoái tờ eCHIP, đua nhau mua rần rần, trong đóng có tôi. Tờ eCHIP phát hành được chừng mươi số thì một hôm anh bạn Doãn Thành Trí (Báo Quảng Nam) nói với tôi: “Với khả năng của anh thì viết bài cộng tác cho eCHIP dư sức”.

Bài báo đầu tiên chuyển đi và trông chờ thấp thỏm. Với một người chưa từng làm công việc cộng tác cho bất cứ tờ báo nào từ trước đến lúc bấy giờ thì đó là hành động… liều mạng. Và bài báo đầu tiên, dung lượng chỉ hơn 100 chữ, không có hình minh họa xuất hiện trên tạp chí eCHIP với diện tích chừng gói thuốc lá đã khiến tôi sướng như lên đồng. Tôi nhớ mãi phút giây hạnh phúc đó đến bây giờ - sau hơn 17 năm, đó là tháng 3.2003.

Từ thắng lợi ban đầu đó, tôi siêng năng tìm hiểu mảng công nghệ thông tin, tìm kiếm, thử nghiệm các phần mềm tiện ích phục vụ nhu cầu con người… Tôi trở thành cộng tác viên giữ mảng công nghệ cho các tờ Làm bạn với máy tính - phụ trang của báo Người lao động. Các tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Bưu điện Việt Nam… cũng dần mở chuyên mục công nghệ và từ năm 2004 tôi trở thành cộng tác viên thường xuyên, được các anh chị em phụ trách chuyên mục tin cậy giao viết bài hằng ngày, hằng tuần, bài được sử dụng khá nhiều. Vậy là tôi trở thành “nhà báo” dù không chính thức làm việc cho tờ báo nào. Sau đó, báo Thanh Niên mở mục Khoa học, mời tôi cộng tác. Dù mảng này khó hơn mảng tin học thuần túy song đã có kinh nghiệm nên lần hồi mọi việc cũng suôn sẻ.

Để có nguồn tư liệu cho các bài báo về khoa học - công nghệ đòi hỏi phải có vốn ngoại ngữ. Rất may mắn khi học ngành dược tôi được qua một học kỳ tiếng La-tinh, nó là mẹ đẻ của nhóm ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp… nên có được kiến thức nền. Tuy nhiên, để đọc lướt nhanh trong “rừng” thông tin trên mạng ở các trang nước ngoài chuyên về khoa học, chọn lựa đề tài, cập nhật thông tin mới và biên dịch… ngoài vốn từ thì cần kỹ năng. Cần cù bù thông mình, tôi dần vượt qua những chướng ngại đó, những lúc đầu óc sáng láng, có thể nghe được nội dung bản tin khoa học công nghệ tiếng Anh trên ti vi…

Về việc từ làm tăng vốn từ tiếng Anh và kỹ năng đọc – dịch, tôi có may mắn là thời điểm này có nhiều loại Từ điển giúp tra cứu từ Anh-Việt, Pháp-Việt.  Đặc biệt là phần mềm Multidictionary hoàn toàn miễn phí của Ngô Huy Biên, bộ từ điển điện tử này giúp tôi rất nhiều trong đọc dịch tiếng Anh. Các bạn thử nghĩ nếu lần hồi giở từng trang tự điển giấy thì tìm vài chữ có khi phải mất cả ngày trời. Người ta nói cái gì làm mãi cũng thành quen rất đúng với tôi. Những ngày đầu, khi cài phần mềm nào, tôi chỉ đoán mò các thông báo trên các hộp thoại, rồi bấm next và next… dần sau này thì vốn từ vựng lên dần, biết được họ “nói” gì.

Về sau, Google tung ra ứng dụng dịch trực tuyến Translate khá tiện lợi. Tất nhiên, nó cũng chỉ là công cụ hỗ trợ dịch thuật, với những từ ngữ kỹ thuật chuyên sâu, nếu không cẩn thận sẽ trở thành cái bẫy. Một bài báo về kỹ thuật hiện đại, về các tiến bộ khoa học mới của nhân loại tôi mất nhiều công sức hơn nhưng bù lại được các báo sử dụng ngay, thật vui. Tiến bộ của loài người không ngày nào dừng lại. Mỗi ngày, mảng khoa học công nghệ càng dẫn dắt tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, đề tài của tôi vì thế luôn cập nhật, “chạy” theo cho kịp tiến bộ của thời cuộc…

Mới ngày nào - ngày không thể quên với niềm vui có bài báo đầu tiên, nay đã 17 năm tôi góp mặt trong làng báo, là cộng tác viên thân thiết của nhiều cơ quan báo chí. Chuyên mục Công nghệ đời sống của báo Quảng Nam online là nơi tôi cộng tác liên tục từ nhiều năm trước cho đến tận bây giờ. Tôi nhớ ơn người bạn trẻ ngày ấy đã động viên tôi mạnh dạn viết bài báo đầu tiên...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôi... liều mạng viết báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO