Việc những cá nhân hảo tâm, câu lạc bộ, nhóm, hội từ thiện... ở Quảng Nam tham gia bán dưa hấu giúp nông dân Quảng Ngãi trong những ngày qua đã giúp người dân tiêu thụ được khá nhiều nông sản với giá cao hơn nhiều so với giá tư thương mua tại ruộng. Tương tự, ở Đại Lộc, con em nông dân cũng tự “giải cứu” nông sản đến kỳ thu hoạch của gia đình mình nhưng bị tư thương ép giá bằng cách rao bán trên mạng và giao hàng tận nhà ở khu vực Quảng Nam và Đà Nẵng. Chẳng hạn, tư thương mua bắp tại ruộng với giá chưa tới 20 nghìn đồng/chục (12 trái) thì giá bắp khi được “giải cứu” lên tới 35 nghìn đồng/chục. Trong khi đó, bắp sau khi chế biến (nấu, nướng) được bán trên thị trường với giá lên đến 70 - 80 nghìn đồng/ chục. Hiện tượng này một lần nữa cho thấy giá trị thực sự của nông sản là không thấp nhưng đồng tiền mà người dân thu về lại không nhiều do phải bán qua trung gian là các nhà buôn. Không chỉ bắp, dưa hấu mà hiện nay, ớt, đậu phụng và hầu như phần lớn nông sản đều rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” và tình trạng này đã trở thành “điệp khúc” trong nhiều năm qua. Câu hỏi đặt ra là, không lẽ cứ đến kỳ thu hoạch rộ, nông dân chấp nhận bán thành quả mồ hôi nước mắt của mình với giá rẻ mạt và lại chờ được “giải cứu”?
Trở lại với “chiến dịch giải cứu” dưa hấu mấy ngày qua của các câu lạc bộ từ thiện. Khẩu hiệu “Mỗi trái dưa, một tấm lòng” ở các điểm bán dưa hấu đã phần nào đó tạo nên sự gắn kết, đánh thức sự chia sẻ, cảm thông trong cộng đồng. Và “chiến dịch” đã có hiệu quả gần như tức thì: một lượng lớn nông sản ế ẩm đã được tiêu thụ với mức giá chấp nhận được. Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm mang tính nhất thời và cực chẳng đã. Vì những lẽ đó, câu chuyện tiêu thụ nông sản lại phải quay lại từ đầu với chính những vấn đề mà các nhà kinh tế, các nhà quản lý đã nói từ lâu. Đó là, phải có được một thị trường nông sản bền vững gắn với quy hoạch sản xuất để nông dân không còn bất an, lo lắng khi đến kỳ thu hoạch. Bên cạnh đó, phải có chuyên gia dự báo thị trường để định hướng cho sản xuất, nhằm tránh việc nông dân thấy cái gì cho năng suất cao hoặc thu nhập khá là đua nhau làm, dẫn đến dư thừa nông sản, cung vượt cầu. Mặt khác, phải đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và định hướng cho nông dân sản xuất ra những sản phẩm mà người tiêu dùng cần chứ không phải những thứ dễ trồng, dễ làm theo ý chí chủ quan và cảm tính của người dân. Thêm nữa, còn phải hướng mạnh hơn đến mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng chất lượng và tăng giá trị sản phẩm...
Hầu hết vấn đề, nội dung mang tầm chiến lược này nằm ngoài tầm với, tầm nghĩ của nông dân. Vì thế, có lẽ khi tính đến chuyện “giải cứu” nông sản cho nông dân thì trước mắt cũng như lâu dài, phải “giải cứu” một cách hiệu quả những vấn đề này.
CHÂU NỮ