(QNO) - Trong phiên trả lời chất vấn ý kiến ĐBQH chiều 6.6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định việc các đặc khu nếu đi vào hoạt động thì các trung tâm đất nước như thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... vẫn được Chính phủ vẫn tập trung nguồn lực để đầu tư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Sau phiên chất vấn được đánh giá là rất hiệu quả của 4 bộ trưởng gồm GD-ĐT, GTVT, LĐ-TBXH, TN-MT chiều 6.6 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã báo cáo thêm các vấn đề thuộc về công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua.
“Đặc khu là mô hình thử nghiệm để tạo đột phá”
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Phó Thủ tướng trả lời vấn đề nếu ba đặc khu kinh tế được đi vào thực hiện thì sẽ đóng góp như thế nào đối với đất nước, vấn đề lãnh thổ chủ quyền sẽ được tính toán như thế nào?
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói rằng trên thế giới việc thành lập các đặc khu là để tạo ra các nơi để thử nghiệm thể chế, tạo sự tăng trưởng. Còn đối với nước ta thì hiện dự luật này hiện nay cũng đang thảo luận, tính toán tất cả các vấn đề như kinh tế, an ninh... “Về băn khoăn của đại biểu là nếu đặc khu ra đời thì hai trung tâm chính là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh sẽ thế nào; tôi xin trả lời rằng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh bao giờ cũng là hai đầu tàu động lực của cả nước; rồi 7 vùng kinh tế động lực thì Chính phủ cũng luôn dành nguồn lực để đầu tư để tạo sự lan toả. Có đặc khu thì hoàn toàn không ảnh hưởng gì đối với việc đầu tư các vùng kinh tế này” – Phó Thủ tướng nói.
Hội trường Quốc hội chiều 6.6. Ảnh: quochoi.vn |
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí tiếp tục sử dụng quyền tranh luận, ông cho rằng không hài lòng với câu trả lời của Phó Thủ tướng. “Vấn đề tôi muốn hỏi ở đây là rồi đây Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc sẽ phát triển tới mức nào nếu chúng ta cho làm đặc khu? Cái này tôi muốn Phó Thủ tướng thông tin cho dân biết? Thứ hai nữa là việc phát triển đặc khu như thế thì vấn đề an ninh toàn vẹn lãnh thổ sẽ được tính như thế nào?” – đại biểu Trí hỏi lại.
Về câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự Luật Đặc khu đang được bàn thảo, muốn trả lời thì phải có thông tin đầy đủ, cặn kẽ. “Cho nên tôi đề nghị đại biểu cho Phó Thủ tướng có thời gian chuẩn bị và sẽ trả lời câu hỏi của đại biểu bằng văn bản” – Chủ tịch Quốc hội nói. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nói sẽ giải đáp ý kiến đại biểu bằng văn bản.
Liên quan đến mối quan tâm của các đại biểu về dự án Luật Đặc khu, trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng dư luận đang hiểu sai, cũng có một số thông tin cố tình tận dụng sự hiểu sai này để phục vụ ý đồ riêng. Theo bộ trưởng, câu chuyện làm đặc khu đang được Quốc hội bàn thảo, những điều gì đưa ra mà chưa hợp lý thì sẽ được Quốc hội mổ xẻ. Mô hình đặc khu được đưa vào bàn luận là muốn tạo ra sự đột phá, thử nghiệm. Đây là mô hình đã được rất nhiều nước trên thế giới làm thành công và đưa nền kinh tế bứt phá.
Trong phiên chất vấn chiều nay 6.6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhận được câu hỏi của các đại biểu về việc tổ chức, lựa chọn nhân sự điều hành sẽ theo hướng nào tại ba đặc khu. Phó Thủ tướng giải đáp rằng đã nói đến đặc khu là phải đặc biệt, việc chọn người cũng như thế, phải vừa có đức vừa có tài, quy trình phải đảm bảo chặt chẽ theo hướng Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND tỉnh bầu ra và được Thủ tướng phê chuẩn.
Tranh luận về nên hay không nên sử dụng tiền ảo
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng lịch sử sử dụng đồng tiền loài người đã phát triển theo hướng từ vật chất lên những giá trị số, từ vàng bạc sử dụng thanh toán rồi chuyển qua tiền giấy để thuận tiện hơn. Trong khi đó, mới đây câu chuyện về tiền ảo bitcoin đã đổ bộ vào thị trường, chúng ta lại đang hội nhập cuộc cách mạng 4.0 mà đặt vấn đề là cấm lưu thông tiền ảo thì có đúng không?
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Phó Thủ tướng cho rằng hiện nay Chính phủ cũng đang tính toán nghiên cứu kỹ để quan sát xu hướng của thế giới người ta đang ứng xử như thế nào để chúng ta có đối sách. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói thêm rằng tiền ảo chưa được pháp luật hiện hành của nước ta cho phép, pháp luật chưa công nhận thì đương nhiên là không thể cho áp dụng để thanh toán.
Cũng liên quan đến câu chuyện tiền ảo, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị Phó Thủ tướng nói về những định hướng, chính sách quản lý tiền ảo. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản không công nhận tiền ảo. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay đã có hơn 15.000 máy đào tiền ảo được nhập về Việt Nam. Về vấn đề này các cơ quan chức năng cũng đang xem xét cơ sở pháp lý để yêu cầu cấm nhập loại máy này vào trong nước.
Nêu một vấn đề khác, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng thống kê hiện nay cho thấy nước ta đang có hàng triệu tài khoản mạng xã hội. Không phủ nhận những mặt tích cực thì hiện đang có nhiều người sử dụng mạng xã hội để nói xấu, gây phương hại. Đặc biệt thời gian gần đây có rất nhiều tài liệu mật được đưa lên mạng gây ảnh hưởng rất xấu, tạo sự lo lắng cho dư luận. Đại biểu Yến đề nghị Phó Thủ tướng đưa ra giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội.
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề đại biểu nêu là mối quan ngại chung trong bối cảnh an toàn thông tin đang đặt ra. Tại kỳ họp này Quốc hội cũng đang xem xét thông qua Luật An ninh mạng, và sắp tới đây Luật An toàn thông tin cũng sẽ được trình. Thời gian qua Bộ Thông tin truyền thông cũng đã làm được nhiều việc, ví dụ như đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ mạng Youtube để gỡ các clip độc hại, clip nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Mặt khác hiện nay Chính phủ cũng tập trung tăng cường trách nhiệm của hệ thống các cơ quan báo chí chính thống để hạn chế những thông tin sai lệch.
Sẽ thống nhất cách làm để tận dụng quá trình tích tụ ruộng đất
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi về quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất đang diễn ra nhưng các địa phương vẫn lúng túng, chưa thống nhất cách làm.
Về ý kiến của đại biểu Cúc, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì phải tổ chức lại sản xuất, kêu gọi vào các doanh nghiệp vào, tổ chức các HTX... Muốn vậy thì phải có đất đủ rộng. Hiện mô hình các địa phương đang rất khác nhau, trong khi đồng bằng Bắc bộ thì dồn điền đổi thửa, bà con Tây bắc thì lại góp đất cùng làm... Chính phủ sắp tới sẽ có đánh giá cụ thể để đưa ra chỉ đạo.
KỲ DUYÊN