Sáu tháng để “kết bạn” và cùng trải qua những nắng gió thao trường cho đến ngày tốt nghiệp, mỗi cán bộ chiến sĩ trở về đơn vị cùng với “người bạn đặc biệt”: một chú chó nghiệp vụ.
Từ ngôi nhà nhỏ nằm nép mình trong khuôn viên trại tạm giam Công an tỉnh (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ), những chú chó nghiệp vụ trở thành đồng đội sát cánh bên các chiến sĩ, góp nên nhiều chiến công lặng thầm.
1. Chỉ mất khoảng chừng chục giây, chú chó có tên Toby đã hoàn thành toàn bộ bài tập di chuyển qua nhiều chướng ngại vật. Mới vừa răm rắp nghe theo hiệu lệnh điều khiển các bài đứng, ngồi, bò, chuyển sang bài tập với tình huống giả định tấn công tội phạm, Toby đã dũng mãnh lao vào quật ngã chiến sĩ huấn luyện, nhất quyết không buông răng ra khỏi dụng cụ bảo hộ phục vụ huấn luyện cho tới khi nghe lệnh dừng…
Đó là những bài huấn luyện ròng rã mà Toby cùng “thủ trưởng” của mình - Thượng sĩ Trần Văn Thủ cùng luyện tập suốt từ tháng 7.2021 đến nay. Trần Văn Thủ tiếp xúc với Toby - chú chó béc giê Đức thuộc dòng Malinois từ ngày đầu được cử đi huấn luyện tại Cục Quản lý huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Mất sáu tháng để làm quen, trở thành người bạn thân thiết và cùng trải qua những bài kiểm tra khắt khe để tốt nghiệp, Toby theo Thượng sĩ Thủ rời Hà Nội, trở về Đội Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh.
“Ngày đầu gặp và được giao huấn luyện Toby, phải thuần nó như chơi với một đứa trẻ, dạy dỗ từ những điều đơn giản nhất. Giống chó này rất tinh khôn, nên cách duy nhất là trở thành bạn của chúng. Phải quan sát từ những đặc điểm nhỏ nhất, biết và hiểu tính cách, đặc điểm, sở thích, từ đó dạy dỗ, huấn luyện theo từng phần đào tạo.
Là chó nghiệp vụ phục vụ điều tra tội phạm về ma túy, Toby có một chương trình huấn luyện riêng để có thể đánh hơi được các loại ma túy. Từ khi về đơn vị đến nay, Toby đã cùng tham gia trong rất nhiều chuyên án, đáp ứng yêu cầu tìm kiếm tang vật phục vụ yêu cầu đặc biệt trong quá trình điều tra phá án” - Thượng sĩ Trần Văn Thủ cho hay.
Là “đàn anh” của Toby, chú chó tên Ka của Thiếu úy Võ Nhật Toàn về đơn vị từ tháng 1.2020. Ka cùng dòng Malinois, được đào tạo để phục vụ cho công tác cứu nạn cứu hộ. Trong đợt sạt lở kinh hoàng xảy ra tại xã Trà Leng (Nam Trà My), Ka là một trong hai chú chó nghiệp vụ phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ được điều động đến hiện trường phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Chú chó này đã cùng bám trụ hàng chục ngày liền, tham gia đắc lực cho công tác tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Hoàn thành nhiệm vụ được giao, khi trở về đơn vị, lại tiếp tục chuỗi ngày huấn luyện đều răm rắp theo chế độ sinh hoạt, tập luyện nghiêm ngặt của đơn vị, theo “biên chế” của một chiến sĩ thực thụ.
2. Thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng - Đội phó Đội Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ cho hay, đơn vị ra đời từ khoảng năm 2003 đến 2009 thì tạm giải thể, đến năm 2017 mới thành lập lại cho đến nay. Gắn bó suốt quá trình này, Thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng nếm đủ vui buồn, nắng gió cùng với công việc thầm lặng của mình, bên những “đồng đội” đặc biệt.
“Công việc của anh em rất đặc thù, vì mỗi cán bộ chiến sĩ gắn bó với chỉ một chú chó. Mọi công tác từ chăm sóc, cho ăn, huấn luyện đều được giao cho người phụ trách riêng và chỉ có cán bộ chiến sĩ đó mới có thể ra lệnh, điều khiển chú chó của mình.
Rất nhiều công sức đổ ra, không chỉ trong 6 tháng được cử đi huấn luyện tại Cục Huấn luyện sử dụng động vật nghiệp vụ đến khi tốt nghiệp mà còn kéo dài đến hết cuộc đời chú chó mà mình được giao.
Cán bộ chiến sĩ sau khi trải qua bài thi tại cục, sẽ được cấp chứng chỉ tốt nghiệp, còn chú chó cũng có một “chứng chỉ” công nhận là công cụ hỗ trợ để bàn giao cho lực lượng cảnh sát cơ động từng địa phương” - Thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng cho hay.
Với năng lực đặc biệt về khứu giác và sự nhanh nhạy, chó nghiệp vụ trải qua những bài huấn luyện mang tính kỷ luật cao, tập thành những phản xạ có điều kiện để phục vụ nhiệm vụ được giao.
Tại Đội Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, chó nghiệp vụ được phân theo nhiều nhiệm vụ như tìm kiếm thuốc nổ, ma túy, cứu hộ cứu nạn hoặc nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu. Mỗi nhiệm vụ lại có một chương trình đào tạo riêng, phát huy tốt nhất những năng lực đặc biệt của chó nghiệp vụ cho từng tình huống cụ thể.
Đều đặn ngày 2 buổi, trừ những lúc thời tiết quá khắc nghiệt hoặc khi đau ốm, chó nghiệp vụ cùng người quản lý của mình đều phải có mặt ở sân tập, với từng tình huống huấn luyện tăng dần độ phức tạp, khó khăn. Mỗi năm, còn có 3 tháng huấn luyện nâng cao rèn luyện khả năng thích nghi, cường độ làm việc cao hơn cho cả chó nghiệp vụ lẫn cán bộ chiến sĩ quản lý, sử dụng.
“Loài chó sống rất tình cảm, trung thành, nên gắn bó với nghề, anh em đều yêu quý nó như một thành viên trong gia đình của mình. Những lúc tụi nó ốm đau, phải nhìn biểu hiện của nó, sử dụng kinh nghiệm của bản thân và dành cả tình thương yêu để chăm sóc.
Không phải là công cụ hỗ trợ đơn thuần, chúng còn là người bạn, người đồng đội của anh em, là công sức mà anh em đã bỏ ra suốt hàng tháng, hàng năm trời để huấn luyện. Không ai muốn tình cảm, công sức của mình đổ sông, đổ biển.
Điều đó gần như không thuộc về lựa chọn, mà sẽ là tình cảm tự nhiên nhất, chân thành nhất, từ đó quy định những ứng xử, quan tâm của người cán bộ chiến sĩ với chó của mình” - Thiếu tá Hùng chia sẻ.
3. Thật khó chọn một đơn vị để đo đếm cho những đóng góp lặng thầm của cán bộ chiến sĩ và những chú chó nghiệp vụ. Đó là những ngày tháng ròng đổ mồ hôi nơi thao trường, là những chuyến đi bất kể ngày đêm, là chiến công mà phía sau đó có đóng góp lặng thầm của Đội Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.
Có cái tết Trung úy Nguyễn Thanh Năm phải túc trực suốt ngày đêm ở bệnh viện thú y để chăm sóc cho chú chó của mình, khi nó khỏi bệnh cũng vừa hết tết. Ở đơn vị, chó nghiệp vụ có “tiêu chuẩn” rất cao, chưa kể những lúc ốm đau phải bồi dưỡng thêm.
Những yêu thương từ bên trong doanh trại trở thành nguồn năng lượng để họ đồng hành, miệt mài với những chuyến đi, có mặt trong những chuyên án lớn, những sự kiện tìm kiếm, cứu nạn sau thiên tai bão lũ cũng như bảo vệ những hoạt động chính trị quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế trên địa bàn tỉnh…
Sở hữu 8 chú chó nghiệp vụ phục vụ cho từng “chuyên khoa”: ma túy, thuốc nổ, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ và truy vết cùng 2 chó sinh sản, Đội Quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ với 9 cán bộ chiến sĩ đã miệt mài cùng hàng nghìn buổi huấn luyện, hành quân.
“Cán bộ, chiến sĩ của Đội Cảnh sát Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ đều ý thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác chuyên môn, là một trong những biện pháp nghiệp vụ quan trọng, công cụ hỗ trợ đắc lực trong đấu tranh phòng chống tội phạm và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Công an tỉnh.
Ở đó luôn có sự tận tụy, trung thành, nỗ lực hết mình vì lực lượng. Ở đó, còn có cả những câu chuyện rất đời, có tình cảm của cán bộ chiến sĩ với những chú chó nghiệp vụ, đồng đội đặc biệt của lực lượng Cảnh sát cơ động trong thực thi nhiệm vụ của đơn vị” - Đại tá Lê Quang Vịnh - Trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh chia sẻ.