Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng hình ảnh về người lính bộ binh thuộc C6 (đại đội), D2 (tiểu đoàn), E9 (trung đoàn) dùng súng B40 bắn rơi trực thăng, trở thành người “độc nhất vô nhị” dùng loại vũ khí đặc dụng này để bắn rơi máy bay của địch, đến nay vẫn còn in đậm trong tâm khảm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người chiến sĩ đó chính là anh Trần Diên, sinh năm 1948, thôn Khương Thọ, xã Kỳ Khương, huyện Nam Tam Kỳ (cũ). Vốn là người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, mới 15 tuổi người thanh niên này đã tham gia làm du kích. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tổ chức giao mà anh còn nhiều lần đột nhập vào đồn địch lấy cắp súng về giấu trong vườn nhà để cung cấp cho chiến sĩ cách mạng. Với việc làm đầy gan dạ này, vào một buổi trưa thượng tuần tháng 5.1965 trong khi đột nhập vào đồn lính Mỹ ở khu vực Kỳ Khương để lấy súng như mọi khi, không may bị địch phát hiện và theo dõi đến tận nhà thu lấy tang vật và bắt anh đưa đi giam ở nhà lao tỉnh Quảng Tín rồi sau đó đưa ra nhà lao Thừa phủ Huế. Ở đây anh bị địch giam cầm, đánh đập tra tấn dã man nhưng với ý chí kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, anh không hề khai báo điều gì, cho đến đầu năm 1968 mới được tự do.
Ông Đào Ngọc Diêu - Chủ tịch Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 bộ binh trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hương, vợ của anh Trần Diên.Ảnh: ĐIỆN NGỌC |
Vừa ra tù, tổ chức điều về Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 bộ binh, đóng quân ở mặt trận Thừa Thiên Huế. Sau khi ổn định quân số, đơn vị nhận lệnh tham gia tổng tấn công vào thành phố Huế trong dịp Tết Mậu Thân (1968). Qua nhiều ngày anh dũng chiến đấu, đơn vị anh được lệnh rút quân về tập kết ở khu vực đồi không tên, thuộc huyện miền núi A Lưới, giáp với nước bạn Lào làm nhiệm vụ chốt chặn không cho địch tiếp viện. Qua hơn một tuần bị địch bao vây đánh phá ác liệt, đơn vị anh bị cô lập, nhiều ngày đói cơm lạt muối nhưng vẫn kiên cường bám trụ để đánh đuổi không cho địch tiến công. Vào buổi sáng trung tuần tháng 2.1968 có một số trực thăng do thám, qua một hồi bắn phá ác liệt ở nhiều nơi và quần đi quần lại nhiều lần trên đầu nhưng dưới mặt đất hoàn toàn im ắng, bọn chúng nghĩ rằng quân ta đã hy sinh hoặc đã thất thủ nên cho một chiếc máy bay hạ cánh, đổ bộ quân xuống để tiêu diệt những chiến sĩ còn sống sót, khi máy bay còn cách mặt đất khoảng 15m bằng kinh nghiệm chiến đấu của người Tiểu đoàn trưởng và là xạ thủ B40, anh Trần Diên sử dụng khẩu súng đang sở hữu bắn cháy chiếc trực thăng và làm chết nhiều tên địch. Để biểu dương tính gan dạ và lòng quả cảm của anh, lúc đó đồng đội có thơ rằng: “…Trần Diên cầm súng chống tăng/ Đợi thời cơ đến sẽ giăng lửa hờn/ Bị đòn đau giặc không quên/ Trực thăng một chiếc bay lên thăm dò/ Hết bay rồi lại lượn vòng/ Trên đầu tiếng máy phập phồng inh tai/ Thoáng qua suy nghĩ trong đầu/ Súng này bắn đứng lên trời được sao?/ Súng này phụt lửa đằng sau/ Nếu mình bắn đứng còn đâu cặp giò (chân)/ Phút giây suy nghĩ đắn đo/ Nhưng thôi quyết định, thời cơ đến rồi/ Ầm… một tiếng nổ long trời/ Trực thăng cháy rụi, quân thù thành ma…”.
Mới đây, tôi cùng ông Đào Ngọc Diêu – Chủ tịch Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 bộ binh đến viếng hương anh Trần Diên tại nhà riêng ở khối phố 3, thị trấn Núi Thành, (huyện Núi Thành). Sau khi thắp nén nhang cho bạn tù và là bạn chiến đấu, ông Diêu kể: “Súng B40 là một loại súng dùng để bắn xe tăng và lô cốt, chứ chưa có ai sử dụng để bắn máy bay. Loại vũ khí này rất lợi hại vì nó được cấu tạo một ống tròn và rỗng như ống thổi lửa, khi bắn người xạ thủ phải nằm hoặc đứng ở tư thế không bị vật cản phía sau bởi nếu có vật cản người xạ thủ sẽ bị sức ép và hơi nóng từ quả nổ phát ra làm trọng thương. Trong khi đó anh Diên đang ở trong căn hầm kín nếu sử dụng súng B40 sẽ nguy hiểm đến tính mạng nhưng trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” anh Trần Diên đã gan dạ dùng khẩu B40 bắn rơi chiếc trực thăng. Mặc dù hai bàn chân anh bị bỏng rất nặng nhưng anh vẫn cười vì đã bắn rơi máy bay, giết được nhiều tên địch và cứu nguy cho đồng đội”.
Sau trận đánh đó, Trần Diên được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, dũng sĩ bắn rơi máy bay bằng B40 và được cử đi báo cáo điển hình toàn quân. Riêng về phía địch lúc bấy giờ có nhiều nguồn tin cho rằng loại vũ khí mà Việt cộng bắn rơi trực thăng tại đồi không tên vào hồi trung tuần tháng 2.1968 là loại “tên lửa cầm tay”. Đây là loại vũ khí vô cùng lợi hại mà Việt cộng lần đầu tiên sử dụng và “phải chăng họ đang nghi binh nên chúng ta cần phải đề phòng”.
Giữa năm 1972, trong khi giao tranh ác liệt với địch Trần Diên bị trọng thương ở ngực và được đưa ra miền Bắc điều trị. Với mong muốn sớm được trở về miền Nam chiến đấu nên sau khi xuất viện và về điều dưỡng tại C24, đoàn 580 anh giấu kín “lai lịch” vết thương. Tháng 8.1974 anh được toại nguyện, lên đường về Nam chiến đấu cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. “Qua nhiều lĩnh vực và cương vị công tác khác nhau, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuối năm 1992 nhằm ngày mùng 1 tết Nhâm Thân anh đột ngột qua đời do vết thương tái phát để lại bao sự tiếc thương của đồng chí, đồng đội và người thân”, ông Nguyễn Nhung – Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 bộ binh cho biết.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC