Sáng sớm. Như mọi ngày, ông Hợp xé tờ lịch treo tường rồi cầm trên tay. Khác với mọi ngày, ông đứng lại hơi lâu và nhìn chằm chằm vào tờ lịch ngày mới. Ông rà ngón tay trỏ nơi dòng chữ in tháng dương lịch, âm lịch rồi dừng ngón tay nơi in ngày. Đoạn ông nói một mình (ông có tật hay nói một mình):
- Bữa nay là tròn bảy năm.
Bảy năm trước khi sắp nghỉ hưu, ông bán căn nhà ở thành phố, mua lại một căn nhà nhỏ hơn để vợ và mấy đứa con cháu ở tiện đi làm, đi học. Rồi ông mua miếng đất thổ cư tại đây để làm nhà, lập vườn đến hôm nay là giáp bảy năm. Những cây xoài, mận, mít, sầu riêng,… trồng trong vườn đã cho mấy lứa quả. Các giống cây ghép đều lớn nhanh và kết quả cũng sớm.
Mùa mưa phương Nam đã bắt đầu từ vài bữa nay. Sau đêm mưa, cảnh vật một thôn của huyện ngoại thành Sài Gòn yên ả mọi thứ như con người vừa được tắm gội trông tươi tắn hẳn ra. Đang lúc nông nhàn, sáng sớm, người ta ở nhà nhiều hơn ra đường. Con đường thôn phía ngoài hàng rào chè tàu của vườn ông Hợp vang tiếng nói cười của đám trẻ đến trường tiểu học gần đấy. Một con nghé lạc mẹ đi ngược chiều đám trẻ cứ kêu nghé… ọ, nghé… ọ. Mấy đứa trẻ nhại tiếng nghé kêu rồi cười rân.
Nhà của ông Hợp ở ngoài quê thuộc miền bán sơn địa. Nơi ấy là một thung lũng rộng lớn, đất ruộng màu mỡ nhưng cũng là cái rốn lũ. Năm nào lũ vừa thì sông đưa phù sa lên đồng, gặp lũ lớn là một hiểm họa. Khuôn viên thổ cư do tổ phụ của ông lưu lại ở quê nhà về diện tích cũng tương đương nơi ông tái lập tại một huyện ngoại thành Sài Gòn này. Bên kia đường, phía trước ngôi nhà hiện tại là một con rạch chảy ngang giống y như cảnh vật nơi xóm nhà cũ của ông ở ngoài quê. Tại đó, một khe nước từ núi xa chảy ngang xóm rồi đổ ra sông Cái. Hai bên bờ khe có những lùm cây lau và những bụi tre la ngà. Mùa nào cũng có loại cây lau. Loại cây này dù non hay già cũng đều có bông trắng hình chổi. Nhớ bông lau, ông Hợp lại nhớ một ý thơ của một tác giả đã viết về loại cây này: “Tuổi chửa bao nhiêu đã bạc đầu” và của một nhà thơ đồng hương bạn ông: “Bờ bao tuổi mà bông lau trắng thế”. Loại cây này cũng mọc nhiều trên những đồi thấp, nơi thời xưa người ta ở thôn quê thường chôn mồ mả. Chiều, những bông lau trắng lắt lay theo ngọn gió khiến người thăm mộ thân nhân càng thêm ảo não. Lau cũng mọc theo hai bờ sông chen với sậy, dáng mảnh khảnh hắt hiu của nó gợi buồn cho những cuộc chia ly với kẻ ra đi bằng thuyền và gợi nhớ cho những ai chờ mong trên bến nước.
Ông Hợp nhớ tiếp về những bụi tre la ngà mọc dài theo hai bờ khe ở quê nhà. Đó là nơi cư trú, vãng lai của các loài chim. Tiếng kêu quen thuộc nhất là tiếng bìm bịp kêu chiều như gọi những con cò trắng nhớ giờ quay về tá túc qua đêm.
Con rạch trước nhà ông Hợp hiện tại cũng có đủ những thứ mà khe nước của quê ông đã có từ bao đời. Ông nghĩ rằng cảnh vật và người tại hai nơi đối với ông như sự sắp đặt sẵn của định kiếp.
Nắng mai đã tỏa rộng. Ông Hợp đi ra đầu ngõ có khóm trúc và cây phượng vĩ. Hai loại cây này do chính tay ông trồng lớn rất nhanh. Ông bằng lòng với điều này vì cổng ngõ nhà ông hiện tại đã rất giống với cổng ngõ của gia đình ông ở ngoài quê. Ông nhìn dòng sông xa phía trước, tiếp liền theo là cánh đồng rộng. Sau vụ gặt đông xuân, cánh đồng trông thoáng đãng và như rộng hơn ra. Mặt trời từ trên đám mây sớm chui ra đột ngột rải luồng ánh sáng xuống cảnh vật gây cho con người cái cảm giác tươi ấm. Ông Hợp nghĩ thầm: nếu cánh đồng này hẹp hơn và sau nó có dãy núi thì giống với quê ông biết mấy!
Mặt trời lại khuất trong mây. Và mưa. Đây chỉ là một trong những cơn mưa rào lúc nắng lúc mưa của miền Nam.
Ông Hợp bước nhanh vào nhà đứng dưới mái hiên và lại nói một mình:
- Ta có thể làm “bản sao” nhiều thứ nhưng muốn mùa mưa mùa nắng ở đất phương Nam này cũng giống như ở quê nhà thì hoàn toàn không thể được. Trong này vào mùa mưa thì ngoài Trung đang nắng hạn. Sự khác biệt thời tiết này thì nhân bất thắng thiên.
Ông vào nhà ngồi lại chiếc bàn có chồng báo mới có cũ có nhưng ông không đọc tờ nào. Bình trà pha lúc sáng sớm vẫn còn nguyên. Ông rót nước trà ra tách. Hương trà rất thơm. Đây là trà Bảo Lộc mà người bạn đồng nghiệp cũng về hưu một lần với ông đang ở trên đó biếu. Xuân thu nhị kỳ, ông bạn này xuống Sài Gòn thăm ông Hợp và biếu trà “cây nhà lá vườn” của ông ấy.
Ông Hợp nhấp từng ngụm trà đậm tình bằng hữu.
Hôm tết, có hai người trước là sinh viên của trường đại học lúc ông Hợp còn dạy đến thăm ông. Hai người nay đã là quan chức của ngành văn hóa, một của thành phố và một của tỉnh miền Đông.
Khi ngồi trò chuyện nơi chiếc bàn trà này, một anh hỏi thầy cũ:
- Từ khi về hưu đến nay thầy có sáng tác được thêm tác phẩm nào không?
Ông Hợp cười và chỉ một vòng nơi ở của ông:
- Tất cả đây là “tác phẩm” của thầy đấy. Thầy “sáng tác” đã bảy năm nhưng vẫn còn dang dở.
Anh khác hỏi tiếp:
- Chúng con thấy cách sắp xếp khu gia viên của thầy có nhiều điểm không giống với chỗ ở của người địa phương.
Ông Hợp trả lời:
- Tất cả chứ không phải nhiều điểm. Đây là dụng ý của thầy để nơi đây giống hệt nơi ở của thầy ngoài quê.
Anh vừa nêu câu hỏi chép miệng:
- Đúng là thầy làm công việc “di sơn đảo hải”!
Ông Hợp trả lời:
- Thầy đâu có đủ sức đủ tài làm chuyện quá lớn lao như thế. Tuy nhiên ngày nào thầy cũng làm, mỗi ngày làm một ít việc. Bản sao này không thể rập một lần. Thầy vừa làm vừa tính toán mọi thứ phải hợp lý cho sinh hoạt lại phải có tính nghệ thuật của khu gia viên.
- Thầy định bao giờ thì ngưng nghỉ để nhàn hưởng thành quả lao động này?
- Thầy chưa nghĩ tới điều đó.
Ông Hợp trả lời ngắn gọn nhưng cũng đủ liều lượng để giải tỏa thắc mắc cho hai môn đệ của mình.
Ông đến bên vòi nước rửa tách trà vừa độc ẩm rồi đi xuống nhà dưới.
Ngang chiếc gương soi lớn gắn trên mặt tường, ông nhìn vào và thốt lên hai tiếng:
- Già quá!
Rồi ông bước ra cửa sau, đi bách bộ quanh sân. Ông nhớ câu nói hôm nào của người học trò cũ đã “đánh giá” việc ông đang làm là “di sơn đảo hải”. Ông nghĩ anh chàng vì nể thầy nên không nói rõ ý. Theo ông, cái ý chính của người nói ra câu ấy là cho rằng ông đang làm một công trình không thể như tâm nguyện.
Ông Hợp lại nói một mình:
- Cậu ấy nhận xét đúng. Làm sao ta có thể rập thật đủ, thật giống hình thể sông núi làng xóm ở đây giống như cảnh xưa của quê nhà? Lại còn thời tiết, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực, giao tiếp,… Làm sao ta có thể áp đặt bao điều của hương ước ở quê nhà vào nơi đây? Nhiều thứ lắm. Hồn và cảnh quan mỗi nơi mỗi khác. Ngay như bản thân ta: một cậu Hợp thời trai trẻ ở quê nhà cũng đã khác rất nhiều với ông già Hợp tại đây. Ta đã nặng chủ quan và quá tham vọng thành khiên cưỡng.
Ông Hợp cười nhẹ. Tiếng cười nghe như tiếng thở dài trước câu nói chấp nhận sự thật của vị giáo sư đã về hưu “khẩu phê” một luận án của chính mình:
- Bảo sao không bao giờ đạt chuẩn!
TƯỜNG LINH