Với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý, nghiên cứu sinh ở các trường đại học trên toàn quốc… đã có 78 bài báo cáo khoa học và 27 bài tham luận được giới thiệu trình bày tại hội thảo “Văn học Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa” được tổ chức tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng vừa qua.
Theo PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, văn học Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế và cảm quan thẩm mỹ lành mạnh trong tiếp nhận bởi bản sắc truyền thống đang bị tác động dữ dội bởi những giá trị mới của thời cuộc. Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều khía cạnh thú vị và đậm chất nhân văn được các tác giả nhắc đến bằng các nghiên cứu tâm huyết như: “Phê bình sinh thái ở Việt Nam” đề cập cách tiếp cận cũng như đồng hành của văn học đương đại trong bối cảnh nhiều giá trị về môi trường sinh thái ở tự nhiên đang bị xâm phạm dữ dội. Báo cáo về “Tính quốc tế trong văn học chữ Hán đất Quảng” của tác giả Nguyễn Hoàng Thân khái quát được nét độc đáo trong văn học chữ Hán của xứ Quảng khi một số cây bút nổi tiếng trong lịch sử quê nhà sớm “vươn mình” ra khỏi tầm quốc gia với nhiều ấp ủ được trải lòng trong câu chữ văn học.
Bên cạnh việc nhìn nhận, đi sâu vào các giá trị văn học lịch sử, mối quan tâm lớn của các đại biểu tham dự hội thảo cũng hướng vào đời sống nội tại văn học Việt Nam thế kỷ 21 hay cách nhìn về văn học mạng, văn học hải ngoại hiện đang rất phong phú. Tác giả Đặng Lê Thủy Tiên với báo cáo khoa học “Văn học mạng - thế giới văn chương của thế hệ trẻ” cho rằng, việc giới trẻ có hứng thú tiếp cận với các tác phẩm văn học mạng là điều tất yếu và không có gì xấu, nó cũng chứng tỏ được sự trưởng thành của nhiều cây bút mới vào nghề có biết cách thổi hồn vào đời sống văn học chưa được định hình nhiều của giới trẻ. Tuy nhiên, việc kiểm soát văn học mạng trong một giới hạn cho phép là điều cần thiết bởi nếu để những giá trị tiêu cực trong một bộ phận văn học mạng ảnh hưởng sâu rộng đến lứa tuổi này thì chính họ và cả văn học Việt Nam sẽ chịu nhiều hệ lụy.
Không quên đề cập đến ấn tượng từ những cây bút trẻ mang lại, tác giả Thái Phan Vàng Anh đến từ Trường Đại học Sư phạm Huế cho rằng, ở cả không gian nghệ thuật, nghệ thuật kể chuyện cho đến ngôn ngữ văn học ở tác giả Hồ Anh Thái đều cho thấy tính liên văn hóa, xuyên quốc gia của một công dân toàn cầu. Từ trường hợp của tác giả Hồ Anh Thái, nhìn rộng ra trong cộng đồng văn học đương đại nước nhà lúc này, còn nhiều cây bút đi sâu vào tính đối thoại trong văn hóa để có cái nhìn bình đẳng trong văn hóa từ đó tạo ra một sức sống mới mang hơi hướng toàn cầu nhưng vẫn duy trì được bản sắc của lịch sử văn học nước nhà.
Q. TUẤN