(QNO) - “Bây giờ tụi em không còn sợ như ngày đầu mới về đây. Mỗi tối lại được các cô chú ở trung tâm này cho gọi điện nói chuyện với gia đình…” - Cường, một trong hai em vừa trốn chạy khỏi bãi vàng ở Tam Lãnh tâm sự.
Sau 3 ngày điều trị tại trung tâm, hiện sức khỏe, tâm lý các em Cường (giữa) và Hảo đã bắt đầu ổn định |
Ngày 29.3, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Quảng Nam tiếp nhận các em Phạm Văn Cường (19 tuổi) và Phạm Văn Hảo (17 tuổi, cùng dân tộc Mường, quê ở xã Ngọc Khuê, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) trong trạng thái hoảng loạn tâm lý, sốt cao.
Ly hương làm “vàng tặc”!
Theo lời kể của các em, ngày 19.2.2014, một người đàn ông tên Ảnh cùng quê đưa 38 người từ Thanh Hóa vào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) để làm vàng trái phép, trong có 15 em đang độ tuổi vị thành niên. Khi đặt chân đến vùng cao này, các em được chủ bãi tên Năm Lực, người Quảng, đưa xuống hầm vàng để lao động. “Tụi em bắt buộc phải làm đủ 6 tháng mới nhận được tiền một lần, lương là 3,5 triệu đồng/tháng, làm chăm thì được 4 triệu. Tụi em làm theo ca từ 6 rưỡi đến 11 rưỡi và làm lại từ 1 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Tối tăm, nhọc cực, không có tiền… nên làm được khoảng 1 tháng, tụi em gồm 10 người cùng quê xin được nghỉ” - em Hảo kể lại.
Chủ bãi đồng ý cho các em nghỉ ngang và không hề đưa đồng nào để em làm lộ phí đi tìm công việc khác. Lạc lõng, vô định, các em cuốc bộ hàng chục cây số từ xã Phước Thành ra thị trấn Khâm Đức mà không biết rồi sẽ tiếp tục đi tiếp đâu? “Tụi em nghĩ rời được khỏi “ổ vàng” đó là mừng rồi, còn đi đâu thì chưa biết” - Cường cắt ngang câu chuyện.
Ông Nguyễn Thế Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Quảng Nam cho biết vấn đề bóc lột sức lao động trẻ em, trẻ vị thành niên là chuyện không mới, song có chiều hướng gia tăng tại Quảng Nam. “Nguyên do là xuất phát từ việc làm vàng tự phát, trái phép rầm rộ nên ngày càng có nhiều em chưa đủ tuổi lao động nhưng chấp nhận vào đây làm “nô lệ” kiếm sống tại các bãi vàng này” - ông Anh lý giải. Ông Anh nói thêm, vài ngày tới trung tâm sẽ liên lạc để đưa đón các em về quê. |
Bơ vơ giữa xứ người, 10 em này lại gặp một đồng hương không rõ tên, “cò” qua Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) để tiếp tục làm vàng trái phép đặng kiếm tiền về quê. Các em được người đàn ông này đón xe đưa qua Tam Lãnh để làm cho một chủ bãi tên Phi, trạc 45 tuổi. Theo các em, làm việc tại bãi vàng này còn khủng khiếp hơn ở Phước Thành. Bị ép quần quật làm cả ngày lẫn đêm, sức lực không kham nỗi, các em bàn nhau trốn thoát khỏi lãnh địa này.
“Qua bên này làm chưa tới 10 ngày nhưng bọn em ai cũng suy sụp, ốm yếu. Sau giờ cơm trưa ngày 26.3, tụi em quyết định cùng nhau băng rừng bỏ trốn” - Cường kể tiếp.
Bị chủ bãi phát hiện, rượt đuổi, 10 em chia nhau chạy thoát ra nhiều hướng. Riêng Hảo và Cường, sau 2 ngày băng rừng chạy đường vòng ngược qua xã Tiên Thọ (Tiên Phước) thì bị phục kích, đuổi đánh nhưng các em vẫn thoát được. “Tối lại, tụi em vào nhà người dân ở Tiên Thọ để xin cơm và được chủ nhà cho nghỉ lại một đêm. Khi người nhà hỏi chuyện thì tụi em trình bày rõ đầu đuôi, và họ đi báo chính quyền địa phương can thiệp” - Cường nói.
Riêng Hảo bị sốt nặng nên được các cán bộ chuyên trách trẻ em xã Tiên Thọ và Phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Tiên Phước tận tụy chăm sóc. Đến chiều 29.3, Công an xã Tiên Thọ đã bàn giao hai em này cho Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Quảng Nam.
“Tụi em muốn về nhà!”
Ngày 1.4, tức đã 3 ngày về với Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Quảng Nam, sức khỏe các em đã dần bình phục, định thần tâm lý. Chị Trần Thị Khuyên - Trưởng phòng Công tác xã hội trung tâm, cho biết khi mới tiếp nhận, nhìn các em ốm sốt, tiều tụy. Do vậy phải luôn có các chị túc trực bên cạnh để tham vấn tâm lý, trấn an các em. Đến nay các em đã khá hẳn và nói chuyện bình thường.
Gặp chúng tôi, ước muốn sớm được về nhà hiện rõ trên từng khuôn mặt còn chưa tới đôi mươi. Các em đều nghỉ học từ rất sớm, gia cảnh khó khăn nên phải đi bán sức kiếm sống. Phạm Văn Hảo cho biết em là con út trong gia đình thuần nông có 9 anh chị em. Biết em vào trong này để đi đào đãi vàng trái phép nhưng gia đình vẫn cho phép vì miếng cơm manh áo. Tương tự, gia cảnh em Phạm Văn Cường cũng như vậy. Bỏ học sớm, các em ra sức kiếm việc làm để kiếm tiền nuôi thân.
Về 8 em còn lại cùng trốn thoát khỏi bãi vàng, khi liên lạc qua điện thoại, Hảo cho biết đã có 2 người về tới quê Thanh Hóa, số còn lại ngược lên Tây Nguyên nhưng chưa rõ đang làm gì.
“Khi về trung tâm này, tụi em được các cô chú tận tình chăm sóc, còn giúp tụi em liên lạc về với gia đình” - Cường xúc động.
VĂN HÀO