Ở nhiều vùng quê xứ Quảng, từ lâu đời đã tồn tại những nghi thức, tục lệ mang sắc thái tâm linh và lòng thành kính khi nhớ về tổ tiên, ông bà đã có công gầy dựng, làm ra hạt lúa để nuôi sống con người. Một trong những tục lệ được nâng niu, gìn giữ suốt từ đời này qua đời nọ là lệ cúng rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng mười với những lễ vật được làm ra từ hạt gạo quê dãi dầu mưa nắng...
Rằm tháng giêng ai siêng nấy quảy
Rằm tháng bảy kẻ quảy người không
Rằm tháng mười, mười người mười quảy.
Theo những câu tục ngữ này, chúng tôi về vùng quê cát Bình Nam - Thăng Bình để tìm chút dư vị ngọt ngào trong nếp sinh hoạt quê kiểng ở miền quê cát trắng vào đúng rằm tháng mười. Bình Nam là xã nghèo. Đời sống của người dân phần lớn dựa vào nghề sông, nghề biển và những thửa ruộng chua phèn đất cát, hạt lúa làm ra thấm đẫm giọt mồ hôi trên những luống cày. Chính vì thế, người Bình Nam luôn biết quý trọng và nâng niu hạt lúa quê mình. Hạt lúa, củ khoai ở Bình Nam không chỉ là nguồn lương thực nuôi sống cho mỗi gia đình mà còn góp phần đưa biết bao thế hệ con em ở đất này trong hành trình đi tìm cái chữ ở trường làng, trường huyện rồi tung cánh bay đi muôn phương...
Có lẽ vì thế mà trong số những lễ vật bình dị được chế biến từ “cây nhà, lá vườn” kính cẩn dâng lên tổ tiên, ông bà... thì bánh xèo làm từ hạt gạo dẻo thơm trên những mảnh ruộng đồng làng bao giờ cũng là món không thể thiếu. Mà nếu thiếu, thì coi như thiếu đi một nét quê nồng đượm. Ông Lê Chí cười bảo: “Người dân Bình Nam chúng tôi luôn gửi gắm vào chiếc bánh xèo trong mâm cỗ cúng rằm niềm tin yêu quê hương, xứ sở, lòng biết ơn của mình với mảnh đất dù chua phèn, cát trắng nhưng vẫn cho hạt gạo, củ khoai nuôi sống con người. Chiếc bánh mà các bà, các chị quê tôi làm ra khá bình dị, nhưng lại như một sợi dây tình cảm thân thương níu kéo, gắn kết những con người ra đi từ quê xứ này trong nỗi vọng ngóng cố hương...”.
Cuối thu, đầu đông, những hạt nắng vàng hiếm hoi rắc nhẹ trên đồi cát đầy rơm rạ và lúa sau một vụ mùa bội thu ở quê cát Bình Nam. Lúa từ ngoài đồng theo chân người làng về phơi mình trên những nổng cát, phơi mình trên những sân gạch của mỗi gia đình. Trong cái gió hanh hao của buổi chiều đầu đông, chạm bước chân về đầu xóm nhỏ này, đã nghe thoang thoảng mùi thơm của bánh xèo từ nhà ai đưa tới khiến chúng tôi miên man một nỗi nhớ quê xưa. Nhớ mẹ tôi thường đổ bánh xèo cũng vào những buổi đầu đông. Bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng vội vàng đánh trâu về chuồng khi chiều chưa xuống hẳn. Thèm cái cảm giác đứng đợi mẹ vớt từng chiếc bánh giòn thơm rồi xuýt xoa, nâng niu như là “của ngon vật lạ”. Ai đi xa mà lại chẳng nhớ đến da diết những buổi chiều quê như thế!
Ở vùng quê cát Bình Nam hễ cứ đến ngày rằm tháng mười hằng năm, từ đầu làng cho đến cuối xóm, nhà nhà đều nổi lửa làm bánh xèo. Dẫu được mùa hay thất bát, dẫu khá giả hay còn khó khăn... mỗi gia đình đều chọn cho mình cách thể hiện tấm lòng tri ân đối với tổ tiên, ông bà... bằng những chiếc bánh xèo bình dị mà thấm đượm hương vị của đất đai hương sắc quê nhà. Bánh xèo vùng quê cát Bình Nam là sự kết tinh của bột gạo dẻo thơm với dầu phụng sóng sánh sắc vàng được chắt chiu từ những mùa đậu trồng xen canh trên đất cát với nấm, và giá cùng nhưn tôm được bà con đi nhũi ở sông mang về. Vì thế, bánh xèo ở đây không chỉ thơm lừng đầu làng cuối xóm mà còn là nỗi nhớ, niềm thương của người Bình Nam khi cất bước ly hương như câu thơ ai đó kịp ngân lên trong nỗi nhớ nhà:
Quê hương mộc mạc chẳng kiêu sa
Mái lá đơn sơ dưới nắng tà
Khói tỏa lam chiều thơm gạo mới
Du dương tiếng gió hát ngân nga
Vâng, quê hương mộc mạc chẳng kiêu sa, chỉ là làn khói lam chiều với hương thơm gạo mới thôi cũng đủ làm ấm lòng kẻ đi xa những lúc vọng về.
ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC