Sẽ có thêm sản phẩm mới từ sâm Ngọc Linh với đề tài “Nghiên cứu bào chế và đánh giá tính an toàn, hiệu quả của viên nang mềm sâm Ngọc Linh”.
Đề tài khoa học “Nghiên cứu bào chế và đánh giá tính an toàn, hiệu quả của viên nang mềm sâm Ngọc Linh” do ThS. Dương Thị Mộng Ngọc (từng công tác tại Trung tâm Sâm và dược liệu TP.Hồ Chí Minh) chủ nhiệm, triển khai từ 6.2017 - 6.2020, do Công ty TNHH Sâm Sâm chủ trì.
ThS. Dương Thị Mộng Ngọc và cộng sự đã chọn đối tượng nghiên cứu là cây sâm Ngọc Linh 5 tuổi trở lên, thu từ vườn trồng tại Trà Linh (Nam Trà My). Nhóm đã dày công xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm và khảo sát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; xây dựng quy trình chiết xuất cao sâm lá và cao củ sâm; nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm cao sâm lá và cao sâm củ. Đồng thời tìm ra công thức bào chế và xây dựng quy trình sản xuất viên nang mềm sâm Ngọc Linh.
Nhóm cũng phối hợp Công ty CP Dược phẩm OPC bào chế được 10.000 viên nang mềm sâm Ngọc Linh - Bảo Linh Sâm ép vỉ PVC (10 viên). Viên nang mềm bào chế đã được kiểm định chất lượng cơ sở và đang hướng tới kiểm định đạt chuẩn GMP. Sản phẩm có công dụng như: bảo vệ gan trong tổn thương gan do thuốc paracetamol, làm giảm sự tăng các men gan, giảm tổn thương oxy hóa tế bào gan, tương tự tác dụng của silymarin; có tác dụng điều hòa rối loạn lipit máu; chống trầm cảm, giải lo âu và giảm stress; tăng khả năng học tập và ghi nhớ. Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ đang được tiến hành.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, nhà quản lý, đây là một công trình nghiên cứu khoa học ý nghĩa, song cần hoàn thiện nhiều quy trình để nâng cao tính ứng dụng và tăng giá trị thương mại từ sản phẩm. TS. Nguyễn Nhân Đức - Trung tâm KH-CN TP.Hội An cho rằng, cần có nghiên cứu sâu thêm bởi kết quả thử nghiệm cận lâm sàng công phu, thuyết phục song chỉ mới triển khai trên chuột. Liệu có sự tương đồng về thử nghiệm trên người hay không và nếu có thì cơ sở khoa học nào để khẳng định điều đó.
Còn TS.Phùng Chất - Trưởng khoa Dược, Đại học Đông Á cho rằng, cần bổ sung một số nghiên cứu thử nghiệm, cần có thêm nhiều công thức bào chế khác nhau để sàng lọc, đưa ra công thức phù hợp, tối ưu. Sản phẩm tiếp tục do một tổ chức đánh giá, kiểm định độc lập theo chuẩn GMP. Cần hoàn thiện các quy trình để nâng cao hàm lượng khoa học, tính thương mại, tính cạnh tranh của sản phẩm.
Còn ThS. Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, cơ quan chủ trì cần có phương án, kế hoạch cụ thể sau nghiệm thu đề tài nên chuyển giao cho đơn vị sản xuất nào thừa hưởng thành quả. Hiện nghiên cứu chỉ mới đạt tiêu chuẩn cơ sở nên cần tiếp tục hoàn thiện các quy trình để các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ thuận lợi và nâng cao tính thương mại của sản phẩm.