An toàn thực phẩm đang đặt ra những vấn đề cấp thiết khi ngành chức năng liên tiếp phát hiện, xử phạt sai phạm của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở một cơ sở sản xuất.Ảnh: Q.V |
Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà N.T.L. - chủ cơ sở sản xuất chả ở khối phố Long Xuyên 3, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) vì đã sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không có trong danh mục được phép lưu hành, sử dụng. Cụ thể, lô chả sản xuất ngày 29.12.2017 với số lượng 25 cây chả tép (tương đương 0,5kg) của bà T.L. dương tính với hàn the. Trước đó, ngày 29.1.2018, ngành chức năng đã tiến hành test nhanh, niêm phong và gửi mẫu chả nói trên đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (TP.Đà Nẵng) để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy chả được bà T.L. chế biến dương tính với hàn the. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính bà T.L. số tiền 30 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của cơ sở chế biến chả này đến ngày 9.5.2018. “Do nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu biết sâu sắc tác hại của hàn the và chủ cơ sở đã phối hợp tốt với đoàn công tác, thành thật khai báo, nhiệt tình khắc phục hậu quả nên chúng tôi đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong xử phạt” - ông Trần Bốn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho biết.
Ngày 9.3.2018, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cũng đã có quyết định xử phạt hành chính đối với bà N.T.K.Y. - chủ cơ sở sản xuất bánh đậu xanh ở tổ 19, khối phố 4, phường Thanh Hà (TP.Hội An) vì đã sản xuất thực phẩm không phù hợp với quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, lô bánh đậu xanh với khối lượng 30kg, giá thành 1,8 triệu đồng, đã bị nhiễm số bào tử nấm men - mốc và B.Cereus vượt quá giới hạn cho phép. Trước đó, ngày 30.1.2018, ngành chức năng đã tiến hành test nhanh mẫu bánh đậu xanh trên và gửi đến Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 2 (TP.Đà Nẵng) để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy mẫu bánh đậu xanh bị nhiễm số bào tử nấm men - mốc và B.Cereus vượt quá giới hạn cho phép. “Theo quy định tại điểm a, điều 26 của Nghị định 178/NĐ-CP ngày 14.11.2013, chúng tôi đã phạt hành chính bà K.Y. số tiền là 750 nghìn đồng sau khi xem xét tình tiết giảm nhẹ là mới vi phạm lần đầu” - ông Trần Bốn nói. Biện pháp khắc phục đối với bà K.Y. là buộc phải tiêu hủy các sản phẩm bánh đậu xanh còn lại trong lô hàng đã bị phạt. Cách đây chưa lâu, ngày 27.12.2017, ngành chức năng cũng đã xử phạt bà B.T.T.P. - chủ cơ sở sản xuất chả ở tổ 2, khối 9 phường An Xuân (TP.Tam Kỳ) số tiền 30 triệu đồng vì sử dụng hàn the trong chế biến chả.
Ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản nhấn mạnh, thực phẩm bẩn được sản xuất, lưu thông, bày bán vô tội vạ trên thị trường đã ngày càng thêm đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng. Mối nguy là rất lớn, trong khi đó công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đang phải đối diện với vô vàn khó khăn. Thanh tra chuyên ngành đã khó lại còn thiếu nhân lực, việc kiểm định mẫu vật phải được tiến hành tại phòng kiểm nghiệm do Bộ NN&PTNT chỉ định với thời gian cho kết quả lên đến 15 ngày. “Chúng tôi không có cán bộ chuyên trách, còn ở cấp huyện và cơ sở không có cán bộ lẫn nguồn lực tài chính để thực hiện thanh tra, kiểm tra. Cấp huyện, cơ sở cũng không được thực hiện thu phí, lệ phí quản lý an toàn thực phẩm. Ngoài ra, bộ phận lớn người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức sâu sắc về an toàn thực phẩm như sử dụng sản phẩm từ động vật phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y… nên vô tình tiếp tay cho thực phẩm bẩn tồn tại” - ông Phan Quang Dũng nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, 2018 là năm cao điểm hành động vì an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian đến, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Bộ luật Hình sự về tội phạm gây mất an toàn thực phẩm, cũng như quảng bá các địa điểm cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. “Sở NN&PTNT chỉ đạo các ban, ngành trực thuộc tăng cường lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, tập trung vào hàng tươi sống nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý tận gốc rễ vấn đề. Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cục chuyên ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các biểu mẫu kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản quy mô hộ gia đình. Cùng với đó, đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cho phù hợp với thực tiễn” - ông Ngô Tấn nói.
VIỆT QUANG