Bảo hộ thương mại: Doanh nghiệp cần thích ứng

VIỆT NGUYỄN 18/08/2019 19:13

Bảo hộ thương mại đang ngày càng rõ rệt trên phạm vi toàn cầu nên các doanh nghiệp Quảng Nam cần thích ứng để điều tiết sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Ngành công nghiệp sản xuất sợi của doanh nghiệp Quảng Nam cần thích ứng với bảo hộ thương mại. Ảnh: QUANG VIỆT
Ngành công nghiệp sản xuất sợi của doanh nghiệp Quảng Nam cần thích ứng với bảo hộ thương mại. Ảnh: QUANG VIỆT

Lợi hay hại?

Bảo hộ thương mại là giải pháp được các quốc gia nhập khẩu sử dụng để giải quyết bài toán giảm thâm hụt thương mại với các đối tác, đồng thời kích thích mua bán, trao đổi hàng hóa trong nước. Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, khi Mỹ tăng áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hàng hóa Trung Quốc cũng khiến một số hàng hóa cùng chủng loại của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), việc tăng giá đồng USD khiến nước ta phải chịu sức ép lớn để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Mặt khác, cũng cần phải dự lường hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu sang Việt Nam, lợi dụng xuất xứ nước ta để xuất khẩu sang Mỹ. Biện pháp lẩn tránh thuế này nếu bị Mỹ phát hiện sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của nước ta bị áp thuế rất nặng.

“Khi quốc gia này bị thâm hụt thương mại với các đối tác thì họ sẽ gia tăng các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước thông qua việc áp thuế hàng hóa nhập khẩu. Các cường quốc lớn trên thế giới xảy ra xung đột với nhau thì nước ta với nền kinh tế có độ mở lớn sẽ chịu tác động tiêu cực, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP có thể sẽ hao hụt” - ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nói.

Theo phân tích của bà Phạm Hương Giang - Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ (Cục Phòng vệ thương mại), quốc gia bị áp đặt bảo hộ thương mại sẽ có xu hướng phá giá đồng nội tệ để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, đồng thời hạn chế nhập khẩu, cân bằng cán cân thương mại. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nước ta tìm kiếm, đa dạng nguồn hàng nguyên liệu nhập khẩu với giá rẻ hơn mặt bằng chung. Cùng với đó, bảo hộ thương mại sẽ khiến xu hướng cạnh tranh về giá dần được thay thế bởi cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đó là điều kiện cốt yếu để chuyển từ xuất khẩu hàng hóa chất lượng thấp, giá thấp sang sản xuất và xuất khẩu hàng hóa chất lượng tốt, tiêu chuẩn bảo đảm để tránh bị lệ thuộc các áp biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, đến nay, doanh nghiệp nước ta đã chịu nhiều vụ việc khởi kiện của các nước nhập khẩu để bảo hộ thương mại, trong đó chủ yếu là các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và lẩn tránh thuế. Mỹ là nước điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với Việt Nam, đồng thời là nước có tỷ lệ áp thuế chống bán phá giá cao nhất đối với hàng xuất khẩu của nước ta.

Theo bà Phạm Hương Giang, nước ta đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của WTO, song hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa nắm được hết các quy định và sử dụng hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Khi đối diện với các vụ kiện quốc tế, doanh nghiệp loay hoay không biết đối phó như thế nào, tốn kém nhiều chi phí theo kiện, không ít doanh nghiệp thua cuộc và mất trắng thị trường.

Làm gì để thích ứng?

Phần lớn doanh nghiệp Quảng Nam nhỏ và vừa, yếu cả vốn lẫn công nghệ nên bài toán liên kết luôn được đặt ra, không chỉ để đối phó với những khó khăn từ các biện pháp bảo hộ thương mại mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh để tận dụng cơ hội từ hội nhập.

Ông Nguyễn Đắc Sỹ (phụ trách bộ phận xuất - nhập khẩu của Công ty TNHH MTV Ducksan Vina - Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho rằng, nhờ nhận thấy máy móc, thiết bị, công nghệ, quy trình sản xuất sợi, vải dệt thoi, các sản phẩm dệt còn chưa theo kịp thời đại nên công ty ra sức huy động vốn để chú trọng đầu tư, nâng cấp, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, vượt con số xuất khẩu xấp xỉ 70 nghìn tấn vải sang thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, các nước ASEAN vào thời điểm này. Quan trọng nhất là cải tiến mẫu mã, tăng chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Việc này khó nhưng không thể không làm vì sức ép cạnh tranh với thị trường xuất khẩu ngày càng nóng bỏng hơn.

Tại hội thảo “Sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” được Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với Sở Công Thương tổ chức vừa qua, các doanh nghiệp Quảng Nam đã được ngành chức năng trang bị các kiến thức và quy định về phòng vệ thương mại, đặc biệt là các quy định của thị trường đang và sẽ xuất khẩu để chủ động thích ứng với khuynh hướng bảo hộ thương mại ngày càng sâu sắc. 

Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, giúp các doanh nghiệp ứng phó. Về phía các doanh nghiệp, cần chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) nêu ý kiến, với việc tham gia Hiệp định CPTPP, đã đến lúc các doanh nghiệp Quảng Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp cần thiết tham gia vào mạng sản xuất, mạng phân phối khu vực và quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn vậy, cần nâng cao công nghệ sản xuất, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo nền tảng phát triển toàn diện để vững bước vào tương lai.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo hộ thương mại: Doanh nghiệp cần thích ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO