Chủ đề của Tháng hành động bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 là “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Tuy nhiên, bao giờ chấm dứt và làm thế nào để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em thì quả là khó có câu trả lời. Chỉ hy vọng, qua tuyên truyền nâng cao nhận thức và triển khai các giải pháp đồng bộ, bạo lực nói chung, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng, sẽ giảm dần.
Theo số liệu nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam đăng trên Báo điện tử Chính phủ, có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình... Nói thêm, đây chỉ là số liệu nghiên cứu, còn trên thực tế, có những vụ mà người trong cuộc lẫn ngoài cuộc vẫn xem bạo lực gia đình là “chuyện trong nhà” khó có thể thống kê hết.
Bạo lực gia đình giờ đây không còn là chuyện trong nhà mà đã trở thành vấn đề đáng lưu tâm của toàn xã hội. Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới mới đây, Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận: tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực được mổ xẻ, nhưng sâu xa là do bất bình đẳng giới. Hãy khoan nói đến bất bình đẳng giới ở tầm vĩ mô như tỷ lệ phụ nữ tham chính nhiều hay ít; chỉ cần quan sát chung quanh mình là đã có thể cảm nhận được định kiến về giới. Chúng ta thường thấy nhiều phụ nữ phải “lép vế” trước đàn ông (đôi khi được mặc định) ở nhiều tình huống mà đáng ra họ có quyền được bình đẳng, thậm chí còn được ưu tiên, quan tâm hơn. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ tham gia công việc xã hội như nam giới nhưng khi về nhà thì thế nào cũng phải “công, dung, ngôn hạnh”. Thật khó để xóa bỏ định kiến đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Việt hàng nghìn năm. Và, một khi chưa dẹp bỏ triệt để quan niệm “trọng nam khinh nữ” thì sự bất bình đẳng giới vẫn còn. Một khi còn tồn tại bất bình đẳng giới thì còn xảy ra tình trạng bạo lực.
Trong Tháng hành động bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm nay, có nhiều thông điệp truyền thông được đưa ra: “Hãy hành động để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em”; “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em”; “Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!”... Thông điệp nào cũng hay và có ý nghĩa. Nhưng truyền thông điệp thôi e chưa đủ mà còn phải làm cho các thông điệp ấy lan tỏa, ngấm vào mỗi người, giúp hình thành nhận thức đúng để chuyển hóa thành hành động đúng. Khi tình yêu thương, sự tôn trọng con người thật sự lên ngôi, bất bình đẳng giới mới có thể được xóa bỏ, bạo lực mới có thể bị triệt tiêu... Còn ngược lại, nếu những người trong cuộc vẫn xem đó chỉ là những câu khẩu hiệu thuần túy, nếu tất cả chỉ là một hoạt động theo kiểu “nhân dịp”... thì đích đến để chấm dứt bạo lực hẳn còn khá xa.