Bảo tàng Nhật Bản tăng sức hút

NAM VIỆT 18/02/2023 07:16

Các bảo tàng tại Nhật Bản đang tận dụng sức mạnh công nghệ nhằm thu hút khách tham quan với nỗ lực duy trì phát triển bền vững điểm đến này.

Bảo tàng Nhật Bản tăng sức hút du khách qua các ứng dụng công nghệ. Ảnh: Museumnext
Bảo tàng Nhật Bản tăng sức hút du khách qua các ứng dụng công nghệ. Ảnh: Museumnext

Khi dịch COVID-19 bùng phát, cũng như tại nhiều điểm đến khác trên thế giới, bảo tàng tại Nhật Bản đóng cửa hàng loạt. Bảo tàng Edo Tokyo - nơi kể lại những câu chuyện xưa, về lịch sử và văn hóa của Edo (Tokyo cũ) và Tokyo thời hiện đại quyết định đóng cửa để cải tạo cho đến năm 2025. Khoảng 6.000 bảo tàng của Nhật Bản phải đối mặt với thách thức hồi sinh, tìm cách duy trì sự phù hợp với sự thay đổi sở thích của công chúng.

Theo thống kê, khách nước ngoài hằng năm đến Nhật Bản tăng từ khoảng 7 triệu lượt vào năm 2005 lên 32 triệu vào năm 2019, trong đó bảo tàng là sự lựa chọn của nhiều du khách. Đại dịch COVID-19 bùng phát, lượt khách quốc tế đến Nhật Bản chỉ còn 4,12 triệu lượt vào năm 2020 và 250 nghìn lượt khách vào năm 2021.

 Lịch sử các viện bảo tàng ở Nhật Bản có thể bắt nguồn từ thời cổ đại khi phần lớn hiện vật văn hóa có giá trị được bảo quản trong các đền chùa. Bảo tàng Nhật Bản hiện đại ra đời với việc mở cửa Bảo tàng quốc gia Tokyo vào năm 1872, cùng với các cuộc triển lãm các tài sản văn hóa quốc gia Nhật Bản. Và bảo tàng trở thành điểm dừng chân của những người thích chiêm ngưỡng cổ vật và khám phá văn hóa Nhật Bản.

Các bảo tàng Nhật Bản nhanh chóng mở rộng các dịch vụ ngôn ngữ cho các trang web, bảng chỉ dẫn và tài liệu quảng cáo bằng tiếng Anh, Quan Thoại, Hàn, Thái, Việt, Tây Ban Nha, Pháp.

Ông Kazuhiko Ohora - Giám đốc Bảo tàng Kỷ niệm công nghiệp và công nghệ Toyota - nơi giới thiệu thương hiệu Toyota qua các hình mẫu máy dệt và dây chuyền lắp ráp xe, thiết bị ô tô và robot công nghệ cao cho biết: “Chúng tôi cung cấp thanh toán không dùng tiền mặt cho mọi thứ và thiết lập wifi miễn phí, mang lại sự tiện lợi cho du khách”.

Các bảo tàng Nhật Bản tập trung vào số hóa cổ vật, tác phẩm nghệ thuật cùng các phòng trưng bày qua ứng dụng thực tế ảo 3D, thực tế tăng cường trong 3 năm qua để khuyến khích khách du lịch quay trở lại khi mở cửa, kết hợp cả hình thức du lịch trực tuyến và trực tiếp bao gồm triển lãm, giới thiệu điểm đến, giúp du khách có cảm giác lạc vào thế giới thực dù ở ngay tại nhà.

Bảo tàng tại quận Marunouchi của Tokyo sử dụng robot có tên OriHime, trang bị camera và loa bên trong có thể gật đầu và chớp mắt, cho phép khách từ xa có thể xem các tác phẩm nghệ thuật, trò chuyện với nhân viên và truyền đạt cảm xúc thông qua cử chỉ - tất cả đều thoải mái ngay tại nhà riêng.

Khách du lịch được khuyến khích tải dữ liệu xuống điện thoại thông minh thông qua mã QR được hiển thị tại các địa điểm. Bảo tàng nghệ thuật Ohara ở Kurashiki, tỉnh Okayama tái tạo không gian triển lãm bằng công nghệ thực tế ảo giúp du khách có thể tận hưởng các chuyến tham quan đến bảo tàng trong khi nghe thuyết minh với ứng dụng trí tuệ nhân tạo về tác phẩm, bộ sưu tập cụ thể, chủ đề khác nhau qua điện thoại thông minh, giúp người xem lập kế hoạch cho điểm đến.

Tại bảo tàng nghệ thuật ở phường Koto của Tokyo, các tác phẩm được trưng bày và hiển thị thông qua 520 máy tính và 470 máy chiếu, thay đổi hình dạng và màu sắc bằng cách phát hiện chuyển động của mọi người. Ví dụ, một tác phẩm thể hiện phong cảnh của một cánh đồng lúa Nhật Bản thay đổi theo dòng chảy thời gian. Khoảng một nửa số người được hỏi cho biết họ đến Tokyo để tham quan bảo tàng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tàng Nhật Bản tăng sức hút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO