Liên kết xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) dựa vào cộng đồng dân cư bản địa, hướng đến phát triển sản phẩm du lịch sinh thái… là những gì Tây Giang đang hướng đến...
Rừng pơmu, một trong những “điểm nhấn” được định hướng xây dựng hệ thống du lịch sinh thái gắn với công tác bảo tồn sinh học. Ảnh: LĂNG A CÚI |
Lợi thế
Ở Tây Giang, việc cộng đồng dân cư bản địa tham gia giữ rừng lâu nay vốn được xem như nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Bởi trong văn hóa bản địa, đồng bào Cơ Tu luôn coi rừng là nguồn sống không thể tách rời, giúp họ duy trì được bản năng sinh tồn trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Do vậy, giữ rừng thể hiện văn hóa chung của làng, tạo sức mạnh liên kết và gìn giữ được môi trường sinh thái đa dạng, phong phú. Trong chuyến công tác tại Tây Giang mới đây, TS. Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho rằng, nhất thiết cần phải dựa vào cộng đồng để bảo tồn ĐDSH tại Tây Giang. Phải cho người dân thấy được lợi ích từ việc tham gia bảo tồn ĐDSH một cách bền vững để cùng gìn giữ những nguồn lợi tự nhiên của địa phương. Bởi, một cộng đồng muốn phát triển bền vững thì điều cần thiết là họ phải quan tâm bảo vệ môi trường của chính mình và không phá hoại môi trường của người khác. Văn hóa giữ rừng lâu nay của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang cũng là một lợi thế đặc trưng, tạo điều kiện để chương trình bảo tồn ĐDSH được thực hiện thuận lợi. Hệ thống rừng pơmu nghìn tuổi, được xem như “rừng cây di sản” của Tây Giang là minh chứng cụ thể trong văn hóa giữ rừng của đồng bào bản địa. Do vậy, việc phát huy văn hóa vốn có gắn liền với công tác bảo tồn ĐDSH dựa vào cộng đồng dân cư cần được đẩy mạnh và cụ thể hóa ở từng làng bản vùng biên. Trong khi đó, những năm qua đồng bào Cơ Tu bản địa đã xây dựng nhiều mô hình bảo vệ rừng gắn với các tiêu chí thi đua, bình xét, cũng như quy ước chung của làng. Ngoài nhận khoán quản lý, bảo vệ chăm sóc rừng, người dân còn tạo ý thức bảo vệ rừng già thông qua các đợt tuyên truyền được lồng ghép trong các buổi họp thôn. Ông Hôih Bằng, già làng ở thôn K’noonh (xã A Xan) cho hay, việc bảo tồn ĐDSH dựa vào cộng đồng không chỉ giúp người dân được nâng cao nhận thức về giá trị tài nguyên thiên nhiên, mà còn được hưởng lợi từ chính môi trường sống, chính sách hỗ trợ cũng như giữ được nguyên vẹn giá trị văn hóa làng vùng cao.
Hướng đến du lịch sinh thái
Với những lợi thế có được, để thực hiện bảo tồn ĐDSH, UBND huyện Tây Giang vừa phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng để tham gia chương trình. Trước đó, các chuyên gia của Viện Sinh thái học miền Nam đã có chuyến vượt rừng thăm dò và đo tuổi cho rừng cây pơmu Tây Giang. Các chuyên gia tỏ ra rất bất ngờ trước một “vương quốc pơmu” được đồng bào Cơ Tu bản địa gìn giữ từ hàng trăm năm qua. Bởi vậy, rừng pơmu là một trong những “điểm nhấn” đầu tiên được các chuyên gia quan tâm và định hướng xây dựng hệ thống du lịch sinh thái gắn với công tác bảo tồn.
Ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, cần phải có định hướng và giải pháp rõ ràng trong việc bảo tồn ĐDSH trên địa bàn huyện, nhất là rừng cây pơmu quý giá. Ngoài mục tiêu hướng đến phát triển du lịch sinh thái, việc đầu tư phát triển rừng cần gắn kết với cộng đồng làng bản dân cư để sớm hình thành mô hình vừa đảm bảo phát triển du lịch, vừa phát huy giá trị ĐDSH cũng như tạo ý thức trong công tác bảo tồn. “Phát huy giá trị của rừng là góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ đói nghèo, hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế bền vững cho đồng bào Tây Giang” - ông Mia nhấn mạnh.
Theo phân tích của các chuyên gia Viện Sinh thái học miền Nam, việc phát triển du lịch sinh thái ở Tây Giang trong tương lai sẽ tạo tiền đề cho sự liên kết trong công tác bảo tồn tài nguyên rừng. Đồng thời hạn chế sự xâm hại đất đai, tận dụng lợi thế tài nguyên, cũng như hình thành nên một trung tâm du lịch sinh thái kết hợp văn hóa bản địa. Đây có thể là lợi thế phát triển du lịch theo hướng “độc quyền” của Tây Giang mà không có khu vực nào cạnh tranh được. Để sản phẩm du lịch được đa dạng, thu hút du khách, các nhà quản lý cần nghiên cứu xây dựng phục hồi một số điểm tham quan về các làng nghề truyền thống, khu căn cứ địa cách mạng trong rừng; tái hiện các nét sinh hoạt truyền thống, văn hóa ẩm thực, lễ hội cộng đồng... của đồng bào Cơ Tu. “Trong tuyến du lịch sinh thái, các cảnh quan tự nhiên đan xen vào nhau tạo thành các tuyến và điểm du lịch hấp dẫn, lý thú. Những con đường mòn nhỏ hẹp, ẩn nấp dưới những tán rừng cùng âm thanh suối đá, chim muông,… tất cả sẽ đọng lại trong tâm trí, hoài niệm với cuộc hành trình du lịch hoang sơ, kỳ thú của du khách” - TS. Vũ Ngọc Long nói. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong hoạt động phát triển du lịch sinh thái tại Tây Giang, cần có chính sách phù hợp, khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng dân cư bản địa cũng như cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biên giới.
LĂNG A CÚI