Theo kế hoạch của UBND tỉnh, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi giai đoạn 2019 - 2025 sẽ được đẩy mạnh; trong đó, cùng với tổ chức các hoạt động diễn xướng, đề án về “Đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học” sẽ được xây dựng và áp dụng tại các trường học. Việc trao truyền di sản bài chòi thật sự hiệu quả khi đưa được nghệ thuật này vào đời sống cộng đồng.
Gian bài chòi tổ chức tại Quảng trường 24.3 trở thành nơi thu hút khá đông người dân.Ảnh: X.H |
BÀI CHÒI RA PHỐ
Thêm một nét sinh hoạt lôi cuốn vừa được tổ chức tại trung tâm TP.Tam Kỳ, khi Đoàn ca kịch Quảng Nam đưa trò chơi bài chòi cũng như các vở diễn ca kịch bài chòi đến với đông đảo người dân.
Không gian diễn xướng
Tối 19 và 20.3, Quảng trường 24.3 TP.Tam Kỳ trở nên nhộn nhịp bởi tiếng trống chiến, trống chầu, lời hát lời hô của các nghệ sĩ của Đoàn ca kịch Quảng Nam. Nhiều người dân đô thị tỉnh lỵ tỏ ra vô cùng hào hứng. Mỗi thẻ bài trị giá 20 nghìn đồng, tuy nhiên vì là đêm đầu tiên nên Ban tổ chức chỉ bán 10 nghìn đồng/thẻ bài. “Tôi rất thích chơi bài chòi và nghe hiệu hô bài chòi. Nếu hoạt động này tổ chức hàng tuần thì hay biết mấy” - bà Bùi Thị Oanh, nhà tại khối phố Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ chia sẻ. Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, bao nhiêu lời hô hát, từ những câu chuyện dân gian truyền thống đến ứng tác tại chỗ được các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn ca kịch phô bày với đông đảo người nghe, xem. Cùng với đêm hội bài chòi, tối 20.3 Đoàn ca kịch Quảng Nam còn “tranh thủ” giới thiệu đến công chúng vở ca kịch được dàn dựng công phu “Nỗi đau tình mẹ”.
Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam cho biết, đây là hoạt động nhằm phổ biến các giá trị nghệ thuật, văn hóa đặc sắc mà ca kịch bài chòi sở hữu. “Nội dung này nằm trong kế hoạch về bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi của UBND tỉnh ban hành, với mục đích đưa bài chòi về lại gần hơn với đời sống người dân thông qua các hoạt động diễn xướng, tổ chức gian trò chơi. Anh chị em diễn viên đều mong muốn bà con mình được nghe, xem, tham gia chơi bài chòi truyền thống để biết yêu quý và tự hào về vốn tinh hoa mà vùng đất mình có được” - bà Võ Thị Thu Mây nói.
Trước đó, dịp Tết Kỷ Hợi, một góc không gian của Quảng trường 24.3 cũng đã được Đoàn ca kịch tổ chức gian trò chơi bài chòi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Sau đêm đó, anh chị em của Đoàn ca kịch Quảng Nam nhận thấy sức hút đặc biệt của một bộ môn nghệ thuật truyền thống cũng đồng thời là trò chơi dân gian lâu đời này. Thế là chương trình được tiếp tục thực hiện. Dự kiến, mỗi tháng tại Quảng trường 24.3, Đoàn ca kịch Quảng Nam sẽ tổ chức từ 1 - 2 đêm sinh hoạt trò chơi dân gian bài chòi.
Tiếp nối tình yêu bài chòi
Trong suốt 2 đêm Đoàn ca kịch Quảng Nam tổ chức biểu diễn, đông đảo học sinh của Trường Tiểu học (TH) Trần Quốc Toản và Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Tam Kỳ) có mặt để được trực tiếp chứng kiến việc thực hành di sản. Bà Võ Thị Thu Mây cho biết, Đoàn ca kịch Quảng Nam đã kết nối và phối hợp cùng các trường học để đưa bộ môn nghệ thuật bài chòi vào trong tiết sinh hoạt ngoại khóa hoặc giờ học về văn hóa địa phương của học sinh. Trong năm học 2018 - 2019, hai Câu lạc bộ (CLB) Âm nhạc của hai trường TH đã lựa chọn và tổ chức cho khoảng gần 20 em có năng khiếu âm nhạc, cùng tham gia chương trình học hát bài chòi trong trường học. “Nếu Hội An đã tổ chức chương trình này hơn 10 năm rồi thì TP.Tam Kỳ bây giờ mới bắt đầu đẩy mạnh hoạt động dạy hát dân ca trong trường học. Dù muộn, nhưng chúng tôi tin nếu thế hệ trẻ như các em học sinh biết yêu quý văn hóa truyền thống cũng như có hiểu biết, kỹ năng về hô hát bài chòi thì câu chuyện tìm kiếm thế hệ kế cận cho di sản văn hóa phi vật thể bài chòi không phải điều quá khó khăn” - bà Võ Thị Thu Mây nói.
Tham gia CLB Âm nhạc của trường ngay từ đầu năm học, em Nguyễn Huỳnh Minh Châu - học sinh lớp 4/2 Trường TH Trần Quốc Toản cho biết rất thích thú với các tiết học về văn nghệ địa phương, đặc biệt là khi được trực tiếp tham gia hô hát bài chòi cùng các cô chú nghệ sĩ. “Mỗi dịp hè ba mẹ thường đưa em đến Hội An du lịch và tham gia trò chơi bài chòi. Tham gia CLB, được các cô chú nghệ sĩ bày cách lấy hơi, nhả chữ khi hô bài chòi, và hôm nay được ngồi chơi bài chòi cùng các bạn, em rất vui” - Minh Châu chia sẻ. CLB Âm nhạc cũng là một trong những CLB năng khiếu được hình thành tại các trường TH trên địa bàn TP.Tam Kỳ và tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, qua đó góp phần giúp các em học sinh bồi dưỡng thêm kỹ năng cũng như trau dồi kiến thức để phục vụ việc học được tốt hơn.
XUÂN HIỀN
"SỐNG" TRONG TRƯỜNG HỌC
Từ giữa năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học (TH) Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) đưa môn bài chòi vào giảng dạy cho học sinh có năng khiếu và đam mê âm nhạc, nhằm góp phần gìn giữ và phát huy giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật này.
Một tiết học hát bài chòi ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ). Ảnh: C.N |
Vào thứ Ba hàng tuần, 100 học sinh là thành viên Câu lạc bộ Âm nhạc Trường TH Trần Quốc Toản lại tập trung tại nhà đa năng của nhà trường để tìm hiểu về nghệ thuật dân gian bài chòi. Các em học gõ nhịp, đánh phách, hô hát những làn điệu bài chòi dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ đến từ Đoàn ca kịch Quảng Nam. Hầu hết các em đều hào hứng và đam mê với loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời nhưng mới mẻ trong học đường này. Nguyễn Huỳnh Bảo Hân - học sinh lớp 4 cho biết, em tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ của nhà trường được 2 năm và mới chỉ làm quen với nghệ thuật bài chòi nửa năm nay. Càng học, em càng thấy yêu thích bộ môn này, dù rất khó hát.
Trong khuôn khổ ngày hội các câu lạc bộ năng khiếu của Hội trại “Thiếu nhi vui khỏe - tiến bước lên Đoàn” diễn ra từ ngày 18 đến 20.3, Trường TH Kim Đồng (TP.Tam Kỳ) đã mời các nghệ sĩ Đoàn ca kịch Quảng Nam giao lưu với học sinh. Tham dự buổi giao lưu với chủ đề “Yêu nghệ thuật dân ca Quảng Nam”, học sinh Trường TH Kim Đồng được hướng dẫn và trải nghiệm cách chơi bài chòi, làm quen với làn điệu bài chòi. |
Đến với lớp học, nghệ sĩ Quang Việt - Đoàn ca kịch Quảng Nam hướng dẫn các em từng chút một, từ giới thiệu sơ lược cách chơi, cách đánh và đặc biệt giới thiệu kỹ cách hô, cách hát và tổ chức một buổi hô hát bài chòi để các em biết cách chơi, cách biểu diễn. Nghệ sĩ Quang Việt chia sẻ, anh rất bất ngờ khi còn có nhiều học sinh yêu thích hát dân ca và tiếp thu khá tốt. Đồng thời cho rằng, việc đưa dân ca, bài chòi vào trường học là một trong những cách bảo tồn nghệ thuật truyền thống hiệu quả. Và anh hy vọng thời gian tới, bài chòi được các trường đưa vào giảng dạy theo hình thức sân khấu học đường. Ngoài việc học ở trường, học sinh của lớp học dân ca bài chòi còn được tham gia cùng các nghệ sĩ trong các đợt biểu diễn trên địa bàn Tam Kỳ của Đoàn ca kịch Quảng Nam, từ đó các em có thêm cơ hội trải nghiệm thực tế.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản cho biết, bên cạnh giới thiệu về loại hình nghệ thuật dân ca bài chòi, việc nhà trường đưa bài chòi vào giảng dạy cho học sinh có năng khiếu hoặc yêu thích âm nhạc, là để giúp các em hiểu thêm về di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng của xứ Quảng. “Và biết đâu trong số các em theo học hôm nay, có em sẽ thành nghệ sĩ dân ca bài chòi chuyên nghiệp trong tương lai, trở thành nghệ sĩ kế cận của Đoàn ca kịch Quảng Nam” - cô Nga bày tỏ hy vọng.
CHÂU NỮ