Bảo tồn loài chà vá chân xám: Đề xuất lập khu bảo tồn

HỮU PHÚC 13/12/2018 02:31

Hôm qua 12.12, tại TP.Tam Kỳ diễn ra hội thảo khoa học tham vấn xây dựng đề án bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành), thu hút nhiều ý kiến đa chiều của các chuyên gia bảo vệ động vật, nhà khoa học, cơ quan quản lý để tìm ra giải pháp bảo tồn hiệu quả loài động vật cực kỳ quý hiếm này.

Tin liên quan

  • Thu thập thông tin cho đề án bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám
  • Bàn giải pháp bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám
  • Hạn chế đi lại khu vực có đàn voọc chà vá sinh sống
  • Phát hiện cá thể voọc chà vá trên cao tốc
  • Sẽ lập khu bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám tại Núi Thành (clip)
Ngành chức năng của tỉnh khảo sát ghi nhận chà vá chân xám tại thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây.Ảnh: H.P
Ngành chức năng của tỉnh khảo sát ghi nhận chà vá chân xám tại thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây.Ảnh: H.P

Hội thảo do UBND tỉnh phối hợp với Trung tâm GREENVIET dự án Trường Sơn Xanh - dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - tổ chức. Theo Sở NN&PTNT, chà vá chân xám đối mặt với nhiều mối đe dọa như mất rừng, suy thoái rừng, bị chia cắt sinh cảnh, nạn săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã gia tăng. Cho nên, việc ưu tiên bảo tồn nguyên vị loài tại các hệ sinh thái rộng lớn và các quần thể sống trong các hệ sinh thái bị cô lập đang được ưu tiên hàng đầu.

Mở rộng không gian sống

Qua các đợt khảo sát của Trung tâm GREENVIET dự án Trường Sơn Xanh (đơn vị tư vấn và hỗ trợ dự án), vào tháng 7.2017, tháng 4.2018 và tháng 10.2018, tại khu vực núi Hòn Dồ, Hồn Ông, Hòn Dương Bông và Dương Bản Lầu thuộc thôn Đồng Cố (xã Tam Mỹ Tây), có khoảng 50 cá thể với ít nhất 4 đàn gia đình chà vá chân xám được ghi nhận. Chúng sống trong rừng tự nhiên với diện tích 25ha, là dãy rừng hẹp còn sót lại trên đỉnh núi đá. Sinh cảnh bị chia cắt 1 - 3km bởi các rẫy keo 2 - 4 năm tuổi. Theo đề án bảo tồn loài chà vá chân xám xã Tam Mỹ Tây của Sở NN&PTNT, “bảo tồn nguyên vị, mở rộng hệ sinh thái thông qua đất trồng keo của người dân để trồng rừng gỗ lớn” là phương án tối ưu cho khu vực này.

Mở rộng không gian sống tối thiểu diện tích 100ha rừng tự nhiên cho đàn voọc chà vá chân xám là giải pháp quyết định sự tồn tại cho quần thể động vật này. Đến nay, có gần 30 hộ dân đồng ý giao đất nương rẫy trong phạm vi mở rộng dự án. GS-TS. Lê Vũ Khôi - Phó Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam, nguyên Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để bảo tồn loài chà vá chân xám, tốt nhất là thành lập khu bảo tồn loài, để chuyển toàn bộ diện tích hiện hữu thành rừng đặc dụng. Cái lợi của thành lập đơn vị này là thu hút sự quan tâm của nước ngoài và tài trợ của các tổ chức quốc tế. Mặt khác, theo quy định,  thành lập khu bảo tồn loài chà vá chân xám thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh. “Loài voọc sống trên cây có thân gỗ lớn hoặc trung bình, nên cần nghiên cứu trồng cây gì tốt nhất để làm thức ăn cho chúng và cần phân khu rõ ràng rừng cấm, rừng phục hồi, rừng dành cho du lịch sinh thái” - GS-TS. Lê Vũ Khôi lưu ý.

Mục tiêu bảo tồn bền vững

Các chuyên gia của Trung tâm GREENVIET dự án Trường Sơn Xanh và Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam đều thống nhất cao với việc đề án chuyển đổi lên rừng đặc dụng để hướng đến mục tiêu lâu dài trong làm giàu đa dạng sinh học. Mô hình đồng quản lý sẽ tốt hơn vì người dân, nhà nước đồng quản lý, đồng khai thác, đồng hưởng lợi. Trồng rừng gỗ lớn trên diện tích nương rẫy của dân đã thu hồi, loại cây trồng ưu tiên được xác định là cây đa, sung trổ, sung xoài, cây vừa đem lại nguồn thức ăn vừa tạo cảnh quan như ngô đồng.

Theo Trung tâm GREENVIET dự án Trường Sơn Xanh, người dân bản địa là chủ thể chính trong bảo tồn voọc chà vá chân xám. Và người dân có thể ổn định sinh kế nếu vùng bảo tồn phát triển đa dạng loại hình du lịch sinh thái. Trước mắt, dự án quan tâm hỗ trợ sinh kế 30 hộ dân giao trả nương rẫy phục hồi sinh cảnh sống cho loài chà vá chân xám. Các hoạt động sinh kế gồm trồng và chăm sóc cây; làm hướng dẫn viên du lịch; cung cấp dịch vụ homestay; trồng cây dược liệu hoặc nuôi ong dưới tán rừng… Góp ý cho đề án, có ý kiến cho rằng nên đánh giá toàn diện hiệu quả xã hội, kinh tế, môi trường sinh thái và cần dự báo cá thể sinh sản thêm, hay ít lại trong tương lai. Đề án bảo tồn chà vá chân xám đến năm 2028 cần nguồn vốn ít nhất 100 tỷ đồng, phân kỳ 2 giai đoạn đầu tư. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 63 tỷ đồng; nguồn vốn còn lại từ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, dự án khoa học trong nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, mục tiêu của đề án phải hướng đến tầm nhìn lâu dài, trong đó vấn đề đặt ra phải bảo vệ nguyên vẹn, mở rộng cảnh quan sống, liên kết liên vùng không gian an toàn cho đàn voọc chà vá chân xám vừa đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Trước mắt, địa phương sẽ mua lại rẫy sản xuất của đồng bào để trồng các loại cây gỗ lớn vừa làm thức ăn cho động vật.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn loài chà vá chân xám: Đề xuất lập khu bảo tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO