Bảo tồn và phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh: Hơn cả sự cần thiết

Thầy thuốc nhân dân ĐẶNG NGỌC PHÁI (Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam) 21/05/2014 08:55

Sâm Ngọc Linh (Panax Vietnamensis) sinh trưởng trên núi Ngọc Linh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Theo kết quả nghiên cứu đánh giá của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đã kết luận, sâm Ngọc Linh có khoảng 13 tác dụng dược lý đã được chứng minh: tăng thể lực chống suy nhược cơ thể, kích thích hoạt động của não bộ, tác dụng kiểu nội tiết tố sinh dục, tăng hồng cầu và hemoglobine, tác dụng kháng khuẩn đặc hiệu với vi khuẩn Streptococcus, Antistres, giảm lo âu chống trầm cảm, tăng cường chức năng gan, hạ cholesterol, giảm lipid, tăng HDL, hạ đường trong máu, chống oxy hóa, điều hòa hoạt động tim mạch, phòng và hỗ trợ chống ung thư, tăng sức đề kháng không đặc hiệu. Đây là một trong 4 loại sâm quý nhất thế giới hiện nay, gồm: Panax Vietnamensis, Panax Ginseng (Triều Tiên), Panax Quiquefolium L (Mỹ), Panax Japonicus C.A.Mey (Nhật Bản).

Vườn ươm giống sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My năm 2001.
Vườn ươm giống sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My năm 2001.

Vì có tác dụng phòng chữa bệnh vượt trội, sâm Ngọc Linh trên thị trường trong những năm gần đây cung không đủ cầu. Giá bán 1kg sâm tươi loại trồng 25 - 40 triệu đồng, sâm tự nhiên 50 - 100 triệu đồng, tùy theo độ tuổi. Từ đó, một số công ty tư nhân và người dân ở miền xuôi tìm đến huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thuê đất trồng sâm, mở cửa hàng buôn bán thực phẩm tạp hóa và bán sâm khai thác, du nhập các loại sâm lạ như Vũ Diệp, Tam Thất Hoang ở các huyện miền núi phía Bắc và từ Trung Quốc, Lào về trộn lẫn sâm Ngọc Linh bán với giá cao. Điều này làm giảm giá trị thực của sâm Ngọc Linh, nhiều báo chí trong nước đưa tin sâm Ngọc Linh giả lưu hành trên thị trường. Nguy hiểm hơn, một số người mua bán sâm còn đem các giống Vũ Diệp, Tam Thất Hoang từ Lào, Trung Quốc, lấy hạt giống sâm Hàn Quốc, sâm nuôi cấy mô... về gieo trồng lẫn lộn trong vườn sâm Ngọc Linh. Việc làm này nếu không được ngăn chặn thì sâm giống Ngọc Linh sẽ bị lai tạp, mất gốc, mất nguồn gen cây sâm Việt Nam. Bài học đáng nhớ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày đất nước thống nhất là đã du nhập cây quế từ tỉnh Thanh Hóa về trồng xen lẫn với cây quế gốc Trà My, làm mất thương hiệu quế Trà My trên thị trường thế giới.

Nhìn lại quá khứ, sâm Ngọc Linh được phát hiện từ năm 1973 trên núi Ngọc Linh. Đến những năm 1978 - 1980, hai tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Gia Lai - Kon Tum đã tổ chức điều tra tổng thể, kết quả tìm ra 108 vùng sâm mọc tập trung trong tự nhiên dưới tán rừng nguyên sinh ở độ cao từ 1.400m trở lên, có nhiều cây sâm đếm được trên tám mươi đốt (khoảng 81 năm tuổi), trữ lượng mỗi năm ước tính 50 tấn sâm khô (4,5 - 5kg tươi được 1kg khô). Nhưng do việc quản lý không chặt chẽ của chính quyền hai tỉnh, khai thác mà không nuôi trồng tái sinh, dẫn đến rừng nguyên sinh đầu nguồn bị tàn phá, vùng sâm tự nhiên bị khai thác cạn kiệt. Báo chí trong nước đã đăng nhiều bài về nguy cơ sâm Ngọc Linh bị tuyệt chủng trong những năm 1990.

Trước nguy cơ đó, năm 1997 (tỉnh Quảng Nam tái lập), dù còn nhiều khó khăn và nhiều việc cần phải làm, vấn đề phải bảo vệ cây thuốc quý sâm Ngọc Linh vẫn được tỉnh Quảng Nam ưu tiên. Năm 1998, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đoàn cán bộ gồm các sở ban ngành đi khảo sát lại vùng sâm, sau đó quyết định cho thành lập Trạm dược liệu sâm Ngọc Linh và giao Sở Y tế tỉnh quản lý. Nhờ đó, công tác bảo tồn phát triển được chăm lo, giải cứu cây sâm Ngọc Linh thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, đã giúp cho tỉnh bạn Kon Tum hơn 45 nghìn cây sâm gốc, và đã được giao cho lâm trường Ngọc Linh trồng, phát triển ươm giống tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Hiện vườn sâm này có diện tích hơn 7ha và gần 200 nghìn cây sâm Ngọc Linh chính gốc Quảng Nam đang  ra hoa kết quả. Còn ở Quảng Nam, đến cuối năm 2001, Trạm dược liệu Trà Linh được UBND tỉnh Quảng Nam sáp nhập vào Công ty Dược vật tư y tế Quảng Nam (theo QĐ số 46/2001/QĐ-UB ngày 13.9.2001) để quản lý bảo tồn phát triển. Sau 11 năm chuyển giao, cây sâm Ngọc Linh vẫn không phát triển, nhưng số lượng 263.000 cây sâm mà Sở Y tế bàn giao đến cuối năm 2013 kiểm kê lại chỉ còn 167.658 cây.

Hiện nay nhu cầu trồng sâm Ngọc Linh của hai tỉnh  Quảng Nam và Kon Tum rất lớn, rừng nguyên sinh của núi Ngọc Linh vẫn còn nhiều, và một số vùng núi khác tương tự ở nước ta cũng có thể trồng được sâm Ngọc Linh. Điều quan trọng nhất hiện nay là thiếu cây giống.

Là những người tâm huyết về bảo tồn  và phát triển sâm Ngọc Linh, chúng tôi rất mong lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, các chuyên gia chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn miền núi khẩn trương thành lập Trung tâm Bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu. Đơn vị này với nhiệm vụ chủ yếu là bảo tồn và phát triển nhân giống để cung cấp cho nhân dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu trồng sâm Ngọc Linh, đồng thời quản lý chặt chẽ vườn sâm giống, không để lai tạp mất gốc, mất nguồn gen cây thuốc quý Việt Nam.

Thầy thuốc nhân dân ĐẶNG NGỌC PHÁI
(Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn và phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh: Hơn cả sự cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO