Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều bất ổn, bảo trợ xã hội được xem là một trong những công cụ cấp bách để giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của mạng lưới an toàn xã hội đối với cuộc chiến thoát nghèo, nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển hiện rất chú trọng đầu tư vào hệ thống bảo trợ xã hội. Báo cáo Mạng lưới an toàn xã hội năm 2015 của Ngân hàng thế giới (WB) mới đây cho hay, hiện 1,9 tỷ người tại 136 quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp được tiếp cận đầy đủ mạng lưới an toàn xã hội. Như tại châu Phi, số người được nhận chế độ bảo trợ xã hội tăng gấp hai lần chỉ trong vòng ba năm qua. Trong giai đoạn 2010 - 2014, số tiền dành cho trợ cấp xã hội tại 120 nước đang phát triển ước đạt 329 tỷ USD, chiếm 1,5 - 1,9% GDP mỗi quốc gia.
Nhiều người dân có cơ hội thoát nghèo nhờ công cụ bảo trợ xã hội. Ảnh: impakter |
Tuy nhiên, hiện 55% số người nghèo trên thế giới, tức khoảng 773 triệu người, chủ yếu tại các nước có thu nhập thấp, không được tiếp cận đầy đủ chế độ bảo trợ xã hội. Trong khi đó, mục tiêu thế giới đề ra là đến năm 2030 sẽ hoàn thành chế độ bảo trợ xã hội toàn dân. Theo WB, chương trình này bao gồm trợ cấp tiền mặt, hiện vật cho các hộ nghèo, dễ bị tổn thương do tác động từ rủi ro kinh tế hay thảm họa thiên tai, bảo đảm trẻ em được chăm sóc phát triển khỏe mạnh, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ đáng kể chương trình phổ cập giáo dục toàn dân.
Phó Tổng Giám đốc ILO, Sandra Polaski khẳng định: “Bảo trợ xã hội thậm chí còn cấp bách hơn trong thời điểm này khi nền kinh tế đang bất ổn, tăng trưởng chậm và bất bình đẳng ngày một tăng. Đây cũng là vấn đề cộng đồng quốc tế nên đặc biệt lưu ý trong chương trình phát triển sau năm 2015”. |
Ví như trong mục tiêu xây dựng Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) 2015, về phúc lợi và bảo trợ xã hội: ASEAN tập trung hợp tác y tế ngăn ngừa và kiểm soát bệnh dịch truyền nhiễm, HIV/ AIDS, các bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi khác, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng, xây dựng ASEAN không có ma túy, dự phòng và ứng phó thiên tai thảm họa. “Thực tế cho thấy, hầu hết gia đình nhận được chế độ bảo trợ xã hội đã chú trọng đầu tư vào sức khỏe và giáo dục cho con cái, cải thiện năng suất lao động, góp phần kích cầu trong nước, nâng cao khả năng ứng phó với cú sốc kinh tế, thiên tai” - Arup Banerji, chuyên viên cao cấp của WB nói.
Dẫu vậy, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, một điểm đáng lưu ý hiện nay là xu hướng của một số các quốc gia có thu nhập cao đang thu hẹp hệ thống mạng lưới an toàn xã hội như bảo hiểm xã hội, gây tác động ngược mục tiêu của toàn cầu trong cuộc chiến giảm nghèo. Điển hình trong Liên minh châu Âu, việc cắt giảm chế độ bảo trợ xã hội đã góp phần gia tăng nghèo đói, gây ảnh hưởng tới 123 triệu người (khoảng 24% dân số), trong đó bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi và người khuyết tật. Ngược lại, nhiều quốc gia có thu nhập trung bình đang mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội, hỗ trợ thu nhập cho các hộ nghèo, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhờ kích cầu và phát triển toàn diện.
QUỐC HƯNG