Bảo vệ đường dây Côn Đảo

ĐỖ HÙNG LUÂN 24/06/2014 08:57

Người cách mạng khi bị địch bắt, sống trong nhà tù luôn bị cai ngục đối xử khắc nghiệt, không cho người tù chính trị biết bất cứ một thông tin gì ở bên ngoài. Địch bưng bít mọi thông tin, người tù như nằm đáy giếng... Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Người tù chính trị Côn Đảo biết lợi dụng những sơ hở của địch để tổ chức đường dây đưa tin tức từ bên ngoài vào trong tù, đặc biệt là đường dây từ Trung ương Cục miền Nam. Câu chuyện góp nhặt từ tập sách “Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng nhà tù Côn Đảo (1862 - 1975)” - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2010 và nhân chứng sống Đỗ Xuân Thăng - Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ dưới đây là một ví dụ.

Tháng 6.1965, anh Nguyễn Nhơn tù can cứu ở trại I đi làm khổ sai tại Ban Kiến thiết Ty Công chánh đã liên lạc với anh Lê Văn Quý (tù án) tại Sở lưới, nhận tiền và tin tức vào trại I. Các tin tức còn được chuyển đến chuồng cọp. Anh Nhơn đã nhận 2 lần, tổng số tiền 900 đồng và nhiều loại thuốc bổ, thuốc bệnh. Tháng 7.1965, anh bàn giao đầu mối liên lạc này cho Đinh Phú Nhàn.

Đinh Phú Nhàn là một trong những lãnh đạo trại I, tù câu lưu người Quảng Nam - Đà Nẵng, bị đưa đến Côn Đảo trên chuyến tàu ngày 6.10.1964 (xuất phát từ cảng Đà Nẵng). Cùng chuyến tàu với Đinh Phú Nhàn ngày đó còn có 73 anh em tù khác từng bị giam ở các nhà lao Quảng Tín, Hội An và Đà Nẵng. Ra Côn Đảo, địch đưa 74 người tù vào các phòng giam thuộc dãy bên trước trại I cùng một ít tù ở các tỉnh khác.

Ngày 29.9.1965, Đinh Phú Nhàn nhận từ Lê Văn Quý bức thư của Trung ương Cục miền Nam. Thư viết trên giấy trắng, nét chữ đứng. Thư dung lượng khoảng 1.000 từ, phân tích âm mưu thủ đoạn của Mỹ - ngụy, thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường. Khẳng định cuộc đấu tranh trong tù là một bộ phận khắng khít của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Đinh Phú Nhàn đem bức thư về phòng 2 (trại I) chuyển cho Trương Lịch (người Quảng Nam lãnh đạo ở phòng 3). Xem xong Trương Lịch chuyển cho Lương Văn Hóa ở phòng 4. Buổi tối, bức thư được chuyển lại cho Đinh Phú Nhàn và Trần Tiếp (một lãnh đạo người Hòa Vang). Đinh Phú Nhàn đưa Trần Thọ (người Tam Thanh, Tam Kỳ) chuyển qua phòng 5 thì bị lộ.

Bức thư khi gửi đến các phòng được lăn tròn như điếu thuốc, ngoài bọc ny lon, bỏ vào thùng phân. Nhưng khi Trần Thọ đang bí mật làm công việc này thì bị tên trật tự Y Tên (người Campuchia) để ý theo dõi nên phát hiện bắt ngay tại chỗ. Chúng đem giam 20 người (can cứu trại I) liên quan đến bức thư. Hai mươi người bị bắt giam đã được Đỗ Xuân Thăng (nhân chứng sống nói trên) lập danh sách bằng bài vè: “Hoặc, Hòa, Lộc, Thọ, Vinh, Quang/ Lịch, Châu, Tiếp, Dưỡng, Hạng, Nhàn, Tài, Nguyên/ Huấn, Hồ, Nhơn, Đức, Hóa, Diên/ Sáu lăm tháng tám (8.1965 - NV) nổ liền theo tay” (các đồng chí có tên đến nay hầu hết đã qua đời).

Địch còn theo dõi điều tra 2 người nữa là Đỗ Xuân Thăng và Nguyễn Hữu Ích người Quảng Nam, hiện còn sống.

Vụ lộ bức thư của Trung ương Cục miền Nam đưa đến nguy cơ lớn nhất lúc ấy là có thể địch sẽ phanh phui ra đường dây liên lạc từ Côn Đảo về Trung ương Cục. Bộ phận đường dây Côn Đảo theo dõi sát tình hình và bố trí Lê Văn Quý (đầu mối liên lạc) vượt ngục đúng vào đêm anh bị khai báo. Cuộc vượt ngục trong tình thế khẩn cấp, đầy yếu tố bất ngờ và thành công của Lê Văn Quý đã chặn đứng được tổn thất, bảo vệ an toàn đường dây liên lạc giữa Côn Đảo với Trung ương Cục miền Nam.

Tuy bức thư đã bị lộ, nhưng phần lớn anh em ở các phòng đã được đọc, trao đổi nội dung, nâng cao tinh thần, khí tiết cách mạng để chiến đấu với địch trong nhà tù.

Câu chuyện khác về một lá thư của Trung ương Cục miền Nam gửi vào trại tù khoảng tháng 3.1970 mà bản thân người viết bài từng bị giam ở nhà tù Côn Đảo đã chứng kiến. Để khỏi bị lộ, lần này bức thư được chuyển cho một số người học thuộc lòng và phổ biến lại cho anh em khác, cứ thế truyền ra. Nhờ vậy, anh em các trại tù án đều nắm được nội dung bức thư, mà địch không hề phát hiện.

Ở trại III, tôi được anh Nguyễn Văn Chi, một lãnh đạo tù án chính trị ở trại, đề nghị học thuộc lòng để phổ biến lại. Đến nay, sau 45 năm, tôi còn nhớ một vài chi tiết, đại khái có đoạn: “Các đồng chí trong các nhà lao đã bất chấp nguy hiểm tổ chức để tang Hồ Chủ tịch và đấu tranh, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong nhà lao. Đấu tranh phải có lý, đúng mức, đề phòng xốc nổi nhất thời... Cuộc kháng chiến ắt có nhiều mâu thuẫn, hạn chế mâu thuẫn đó càng nhiều càng tốt...”.

Với sự kiện lá thư của Trung ương Cục miền Nam gửi tù Côn Đảo năm 1965 và năm 1970, cho chúng ta thấy những gian lao khổ cực của chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Những người tù luôn khát khao nắm được thông tin, tình hình chủ trương cách mạng bên ngoài để trong tù phối hợp hành động. Để bảo vệ đường dây liên lạc, người tù cũng đã linh hoạt sáng tạo phương thức đối phó với địch. Điều này còn cho thấy, Đảng, cách mạng và người tù chính trị cực kỳ sáng suốt, tổ chức được đường dây liên lạc, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo từ ngoài vào trong tù.

Đầu những năm 1970, người tù chính trị Côn Đảo còn tìm cách đưa chiếc radio vào phòng giam, nhờ đó kịp thời nắm bắt mọi thông tin. Trong đó, biết được nội dung văn bản Hiệp định Paris, biết thời điểm trao trả nhân viên quân sự (tù binh) và nhân viên dân sự (tù chính trị) để có phương án chủ động đấu tranh, không để bị địch bưng bít thông tin, lừa dối.

ĐỖ HÙNG LUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ đường dây Côn Đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO