Tại trụ sở chính của Tổ chức Liên hiệp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an LHQ vừa tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề bảo vệ các nhà báo tác nghiệp tại những nơi có xung đột, chiến tranh.
Các phóng viên chiến trường luôn gặp nhiều rủi ro. Ảnh: (Mediabistro.com) |
Trong lời phát biểu khai mạc phiên thảo luận, ông Jan Eliasson - Phó Tổng Thư ký LHQ cho biết, chỉ trong vòng một thập kỷ qua đã có khoảng 600 nhà báo bị giết hại trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ. Tình trạng săn đuổi và sát hại các nhà báo tác nghiệp tại những khu vực có chiến sự đang trở nên ngày càng trầm trọng. Trong vòng một năm qua, tại Syria đã có 41 nhà báo bị giết trong tổng số 121 nhà báo bị sát hại trên toàn thế giới. Vào năm 2006, có 108 người làm công tác thông tin, báo chí thuộc các quốc tịch khác nhau bị sát hại dã man tại chiến trường Iraq và Afghanistan. Do đó, Hội đồng Bảo an LHQ phải có những phản ứng mau lẹ và mạnh mẽ trước mọi hành động chống lại hoạt động báo chí, nhất là tại những nơi có xung đột, chiến tranh. Và điều ít nhất mà chúng ta có thể làm được khi một nhà báo bị sát hại là đảm bảo cái chết của họ được điều tra nhanh chóng và công lý được thực thi.
Tại đây, Mustafa Haji Abdinur, quốc tịch Somalia, phóng viên của Hãng thông tấn Pháp AFP nói rằng mọi người thường gọi ông là “người chết biết đi”. Somalia, đất nước bị tàn phá bởi cuộc nội chiến gần như liên tục trong hai thập kỷ qua, trở thành một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với tác nghiệp của các nhà báo. Mustafa Haji Abdinur phát biểu: “Bằng việc lộ diện trước quý vị và cả thế giới, tôi đã tự tăng thêm mối đe dọa bị tấn công khi trở về quê nhà. Nhưng tôi là một nhà báo. Họ có thể tiếp tục gọi tôi là người chết biết đi, nhưng nhiệm vụ của tôi vẫn phải tiếp tục đưa tin”.
Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, bà Rosemary DiCarlo phát biểu, các nhà báo thực sự là cặp mắt và đôi tai của Hội đồng Bảo an ở mọi ngõ ngách của thế giới. Cơ quan quốc tế quyền lực này phải có trách nhiệm bảo vệ người cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin thiết yếu. Bà nói: “Chúng tôi cảm ơn những nhà báo khắp thế giới, những người dám đánh đổi mạng sống của mình để tìm kiếm sự thật và soi rọi ánh sáng vào bóng tối để cả thế giới nhìn thấy. Hội đồng Bảo an không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không có các bạn”. Ghaith Abdul-Ahad - phóng viên người Iraq làm việc cho tờ báo Guardian (Anh) lên tiếng, rằng ít nhất một thập kỷ qua đã xuất hiện việc săn lùng một cách có hệ thống để giết những nhà báo nhưng phần lớn vụ việc không bị truy tố hình sự. Thực tế cho thấy, hơn 90% những kẻ giết hại nhà báo đều thoát án phạt. Các nhà báo và các nhà ngoại giao các nước tại phiên thảo luận kêu gọi các chính phủ, tổ chức báo chí quốc gia, quốc tế, trong đó có Hội đồng Bảo An LHQ thể hiện vai trò và trách nhiệm bảo vệ các nhà báo chiến trường.
Ngày càng có nhiều nhà báo, phóng viên chiến trường đang dấn thân vào vòng lửa đạn, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho thế giới một cái nhìn chân thực, khách quan và kịp thời nhất về diễn biến của các cuộc xung đột đang diễn ra từng giờ trên toàn cầu. Việc bảo đảm an toàn tính mạng cho họ là vấn đề được quan tâm của cộng đồng quốc tế. Phiên thảo luận lần này vì thế đã đưa ra báo cáo đề xuất các biện pháp đặc biệt về vật chất, pháp lý, giám sát và kiểm soát để bảo vệ các nhà báo, nhất là những nơi có chiến tranh, xung đột.
NAM VIỆT (tổng hợp)