Sâm Ngọc Linh giả xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường nhưng công tác quản lý, thẩm định chất lượng gặp nhiều khó khăn. Các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đang tìm giải pháp hiệu quả, phối hợp chặt chẽ để bảo vệ thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đã đa dạng hơn trong thời gian gần đây. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Khó lường thật - giả
Sự kiện Đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam) phát hiện, xử phạt vi phạm kinh doanh sâm Ngọc Linh không đúng quy định của Cửa hàng nấm lim xanh Tiên Phước do ông Nguyễn Xuân Lực (thôn 3, xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) làm chủ mới đây vẫn còn tính thời sự. Đây là lần duy nhất trong nhiều năm qua, một doanh nghiệp bị xử phạt dù dư luận bàn tán xôn xao chuyện sâm Ngọc Linh giả tràn lan trên thị trường. Bà Hoàng Thị Ngọc Phương - Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 (TP.Tam Kỳ) cho biết, khi kiểm tra 20 bình rượu chứa sản phẩm lá sâm Ngọc Linh được bày bán ở Co.op Mart Tam Kỳ, Cửa hàng nấm lim xanh Tiên Phước đã không xuất trình được các giấy tờ liên quan. “Phải mất nhiều thời gian xác minh, làm rõ, chúng tôi mới chứng minh được doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh trên thị trường mà chưa hề công bố hợp quy. Mức xử phạt là 12,5 triệu đồng vẫn còn nhẹ, chủ yếu cảnh cáo, nhắc nhở doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các thủ tục trước khi lưu thông sản phẩm sâm Ngọc Linh trên thị trường” - bà Phương nói.
Hiện tại, UBND tỉnh đang soạn thảo, lấy ý kiến để thông qua quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh. Mục đích là đảm bảo sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đủ điều kiện về xuất xứ, chất lượng; giữ gìn và phát triển uy tín của sản phẩm sâm Ngọc Linh. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đảm bảo cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sâm Ngọc Linh có chất lượng, có nguồn gốc địa lý như đã được đăng ký bảo hộ. |
Chưa công bố hợp quy đồng nghĩa với sản phẩm sâm Ngọc Linh lưu thông trên thị trường không đảm bảo chất lượng. Đó là nỗi lo rất lớn nhưng khó kiểm tra, xử phạt của các ngành chức năng tham gia quản lý sâm Ngọc Linh trên thị trường. “Qua nhiều nguồn tin, nhiều ngày tìm hiểu, phát hiện nhưng nhiều khi chúng tôi vẫn không dám giữ lô hàng sâm Ngọc Linh nghi vấn là giả vì công tác thẩm định rất khó khăn. Nếu mình giữ lô hàng mà thẩm định không đúng là giả thì lấy gì để đền cho doanh nghiệp bị ách tắc trong kinh doanh khi sâm Ngọc Linh có giá đến gần 100 triệu đồng/kg” - Trung tá Phạm Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) nói.
Theo quan sát của chúng tôi, sản phẩm gọi là sâm Ngọc Linh được bày bán khắp nơi trên địa bàn tỉnh, ở nhà ga, điểm dừng nghỉ hay dọc theo các tuyến đường huyết mạch. Ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết hiện nay việc xác định sâm Ngọc Linh thật hay giả chủ yếu dựa vào cảm nhận, kinh nghiệm của người dân và cán bộ. Không thể lấy kết quả từ cảm nhận để xử lý vi phạm vì... không đủ cơ sở. Ông Sơn cho rằng, việc kiểm định, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra, kiểm soát sản phẩm sâm Ngọc Linh còn gặp khó khăn. “Cả nước hiện chỉ có 1 trung tâm chuyên kiểm nghiệm sâm đặt tại TP.Hồ Chí Minh. Làm sao đủ chi phí để liên tục đi vào rồi trở ra để đưa mẫu và nhận kết quả kiểm nghiệm thật - giả của sản phẩm gọi là sâm Ngọc Linh? Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chưa cấp phép sử dụng sản phẩm sâm Ngọc Linh cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào và cũng chưa có tem chống giả nên chưa có cơ sở để kiểm định” - ông Sơn nói.
Phối hợp bảo vệ
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng địa phương đang quyết liệt bảo vệ thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh. Thứ nhất là quản lý vùng trồng sâm thật chặt, đúng theo quy hoạch, kiểm soát không để các phần tử xấu lôi kéo người dân và đưa những củ tam thất lên trồng tại vùng sâm rồi... khẳng định đó là sâm Ngọc Linh. Thứ 2 là tổ chức phiên chợ sâm núi Ngọc Linh thật bài bản, chỉ có sâm Ngọc Linh thật từ giống, củ, lá mới được quảng bá ở phiên chợ và mọi tầng lớp nhân dân có thể mua về sử dụng, chắc chắn thật 100%. Thứ 3 là đẩy mạnh tuyên truyền người dân ý thức được tầm quan trọng của việc sở hữu sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh. “Có ý kiến cho rằng, nhiều phần tử xấu đã mang củ tam thất từ phía Bắc vào Quảng Nam rồi thuê xe biển số 92 chở đến bán, hô là sâm Ngọc Linh được trồng, sản xuất từ Nam Trà My. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh ngăn chặn việc này. Rất mong sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành của tỉnh” - ông Bửu nói.
Sản phẩm sâm Ngọc Linh ngâm rượu của Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam. Ảnh: QUANG VIỆT |
Theo ông Nguyễn Đình Triệu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam, hiện nguyên liệu sâm Ngọc Linh rất hiếm. Đến mức doanh nghiệp phải ngừng chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh dù cho thị trường đang đón nhận và đem lại giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp. “Chúng tôi được cho phép trồng sâm Ngọc Linh trên tổng diện tích 14ha ở thôn 2 xã Trà Cang (Nam Trà My). Chúng tôi trồng 100 nghìn cây sâm Ngọc Linh và có ý định di thực lên trồng 10 nghìn gốc ở huyện Tây Giang. Kế hoạch thì nhiều nhưng hiện tại thiếu nguyên liệu trầm trọng” - ông Triệu nói. Ông Triệu khẳng định sẽ bảo vệ sâm Ngọc Linh bằng mọi giá vì đây là sản phẩm quốc gia. Các cơ sở chế biến sâm Ngọc Linh cần đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có quy trình, công bố hợp quy rõ ràng. Các ngành, các cấp của tỉnh cần quản lý chặt chẽ, kịp thời xử lý vi phạm để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Thái - Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng ngành công thương, công an, nông nghiệp, khoa học & công nghệ... cần cam kết rõ ràng, phối hợp chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh sản phẩm giả sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, tập trung làm rõ nguồn gốc sâm núi Ngọc Linh; kiểm tra, xử phạt nghiêm các đơn vị, cá nhân rao bán sâm Ngọc Linh giả trên các trang mạng xã hội nói riêng, thị trường nói chung.
NGUYỄN QUANG VIỆT